Quảng Ninh

Đông đảo người dân, du khách thập phương về dự Lễ khai hội đền An Sinh

An Nhiên

(Dân trí) - Sáng nay (15/9, tức ngày 20/8 âm lịch), tại đền An Sinh (xã An Sinh), UBND thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã khai mạc lễ hội truyền thống Đền An Sinh năm 2022 - Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần.

Đông đảo người dân, du khách thập phương về dự Lễ khai hội đền An Sinh - 1

Múa lân trước giờ khai hội (Ảnh: Thị xã Đông triều cung cấp).

Sau hai năm tạm dừng do đại dịch Covid-19, Lễ hội khai mạc trở lại đã thu hút đông đảo người dân cùng du khách thập phương đến dự, dâng hương và tưởng niệm các vua Trần.

Đền An Sinh (xưa kia còn gọi là Điện An Sinh) tọa lạc trên một đồi đất thoai thoải giữa vùng địa linh ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đền là nơi thờ bát vị tiên đế triều Trần, An Sinh vương Trần Liễu và Thiện Đạo Quốc mẫu, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.  Phía sau Đền là lăng miếu các vị vua nhà Trần.

Đông đảo người dân, du khách thập phương về dự Lễ khai hội đền An Sinh - 2

Một tiết mục văn nghệ chào mừng (Ảnh: CTV).

Đền An Sinh được nhà nước công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngay từ đợt đầu tiên trong cả nước vào năm 1962 cùng với các di tích như chùa Một Cột (Hà Nội), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đền Hùng (Phú Thọ), đền Trần (Nam Định).

Đến năm 2013, đền An Sinh cùng với hệ thống 13 điểm di tích khác thuộc Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

Vào thời Nguyễn, điện An Sinh được xây dựng lại với kiến trúc gồm ba tòa nhà rộng 5 gian theo kiểu chữ "Tam". Lúc này trong Đền thờ không chỉ 5 vị mà là 8 vị hoàng đế triều Trần.

Đông đảo người dân, du khách thập phương về dự Lễ khai hội đền An Sinh - 3

Các đại biểu dâng hương, tưởng niệm (Ảnh: Thị xã Đông Triều cung cấp).

Trải qua thời gian, đền An Sinh chỉ còn lại phế tích. Năm 1997 - 2000, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích An Sinh, UBND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) đã trùng tu, tôn tạo trên nền khu di tích cũ, gọi là đền An Sinh và đặt tượng tám vị vua nhà Trần có lăng mộ ở An Sinh, gồm: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiển Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Giản Định ở hậu cung. Khu vực Trung đường đặt tượng thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị tướng kiệt xuất của thời Trần. 

Đền An Sinh đã được tổ chức khai quật khảo cổ nhằm đánh giá giá trị lịch sử văn hóa, khoa học, vai trò, quy mô tổng thể của di tích nhằm từng bước quy hoạch lại, khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị đền An Sinh trong tổng thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều trong tương lai.

Đông đảo người dân, du khách thập phương về dự Lễ khai hội đền An Sinh - 4

Đông đảo người dân, du khách thập phương đến với Lễ hội (Ảnh: CTV).

Lễ hội truyền thống đền An Sinh năm nay, được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 15/9 đến ngày 17/9/2022 (tức ngày 20/8 đến hết ngày 22/8 năm Nhâm Dần). Trong lễ hội có phần lễ, gồm tế lễ của nhân dân các xã xung quanh khu vực Đền, dâng hương tưởng niệm các vị vua Trần tại Đền và các lăng của vua Trần; phần hội gồm các mục diễn xướng văn hóa, văn nghệ kèm theo đó là các trò chơi dân gian ...

Đông đảo người dân, du khách thập phương về dự Lễ khai hội đền An Sinh - 5

Đền An Sinh (xưa kia còn gọi là Điện An Sinh) tọa lạc trên một đồi đất thoai thoải giữa vùng địa linh ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Lễ hội truyền thống đền An Sinh thể hiện lòng tri ân công đức với các vua Trần và các bậc tiền nhân có công với đất nước, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây cũng là dịp để mọi người về với vùng đất linh thiêng, có cơ hội tìm hiểu thêm những công lao to lớn của các vua Trần, một trong những triều đại phong kiến hùng mạnh nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam với những chiến công hiển hách trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm