Đọc sách: “Điện Biên Phủ- Ký ức 60 năm”

(Dân trí)- Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa phát hành một cuốn sách giá trị, cuốn "Điện Biên Phủ-Ký-ức 60 năm ".

 Đại tá Đỗ Sâm tác giả cuốn sách "Điện Biên Phủ-Ký ức 60 năm" cho biết ông là một chiến sĩ trinh sát pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ và để hoàn thành tập sách này, ông đã công phu gặp nhiều nhân chứng điển hình trong chiến dịch như Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; quyền Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo 351 Đào Văn Trường; Trung đoàn trưởng Hữu Mỹ, Doãn Tuế; Tiểu đoàn trưởng Hồ Đệ, Trung Kiên, Cao Sơn; dũng sĩ Dũng Chi, Vũ Đình Hòe, Vũ Thế Châu; Đại đội trưởng Trần Kính, Đoàn Mạnh Chỉ; Trung đội trưởng Bạch Ngọc Giáp, Nguyễn Xuân Đài, Khẩu đội trưởng Phùng Văn Khầu, Nguyễn Huy Mẫn; Nhà văn Hữu Mai, các điệp viên Bảo Ninh, Nguyễn Công Bình, Phùng Hiền Thiết, Đào Thiện Thùy, .....

Những chuyện trước chiến dịch

Trong sách, tác giả đã kể lại câu chuyện cuộc hành quân huyền thoại của Trung đoàn 45 Tất Thắng trọng pháo cơ giới 105mm đầu tiên của nước ta đã phải tháo rời toàn bộ hàng chục khẩu pháo, hàng chục xe ô tô trọng lượng mỗi pháo trên 2000 kg, mỗi xe đến 5000kg đưa xuống bè, xuôi sông Hồng, qua các thác Miệng Hổ, thác Cối Xay, Hòn Nhược, Vật Ma... về căn cứ địa chuẩn bị đi chiến dịch.

Khi Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đến kiểm tra thấy toàn bộ xe pháo của trung đoàn an toàn trong công sự, ông đã khen: "Thật là một cuộc hành quân sáng tạo, táo bạo chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới".

Tiếp đến là chuyện Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn chỉ huy kéo pháo vào qua các dốc Bẩy Tời, dốc Cây Cụt ... trên núi Pha-sông độ cao trên 1.150m, sau đó là chuyện Cục phó Bảo vệ Phạm Kiệt chịu trách nhiệm theo dõi pháo binh, đã dũng cảm phát hiện với Đại tướng việc nhiều khẩu pháo đã chiếm lĩnh trận địa còn đang lộ thiên, sơ hở, dễ bị pháo địch sát hại, nhiều khẩu pháo chưa vào được trận địa, đề nghị cho kéo pháo ra chuẩn bị lại; chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển từ "Đánh nhanh thắng nhanh", sang "Đánh chắc, thắng chắc" rồi hạ lệnh kéo pháo ra địa điểm tập kết cũ, cho xây dựng các công sự pháo đạn vững chắc đủ chịu đựng sức công phá của đạn pháo 105mm,155mm của địch, mở đường cho xe kéo pháo vào trận địa có đoạn rộng đến 12m, với tổng số chiều dài đến trên 70km; chuyện tiếp tục kéo pháo vào có đoàn Văn công vừa đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới ở Bu-ca-rét về cùng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị đến động viên; chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi cả Bác Hồ đến thăm chúc Tết các chiến sĩ Điện Biên Phủ; chuyện Bác Hồ gửi thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh động viên chiến đấu trước chiến dịch…
 
Đại tá Đỗ Sâm trực tiếp được Đại tướng cho ý kiến
Đại tá Đỗ Sâm trực tiếp được Đại tướng cho ý kiến

Những chuyện trong chiến dịch

Đúng 17giờ 10 phút ngày 13-3-1954 chiến dịch mở màn. Cuốn sách miêu tả giờ phút lịch sử đó qua lời thuật của nhà báo Pháp Rô-côn lúc đó có mặt ở Sở Chỉ huy trung tâm Mường Thanh của tướng Đờ Cát.

"...Cuộc giao ban chiều 13-3-1954 của Đờ Cát chưa kịp bắt đầu thì pháo binh Việt Minh bắn dữ dội khắp nơi: ở sở Chỉ huy, trận địa pháo, sân bay... cao nhất là trên cứ điểm Bê-a-tri-xơ (Him Lam). Tiếng pháo không chỉ còn là loại sơn pháo, súng cối như trước mà đã xuất hiện những đạn pháo 105 kinh khủng. Lần đầu quân Viễn chinh Pháp ở cái lòng chảo Điện Biên này bị chìm ngập, choáng váng trong những tiếng nổ nhức óc và trong ánh chớp của đạn pháo đối phương trong suốt mấy giờ liền. Những sĩ quan "thâm niên Đông Dương " như trung tá Lăng-gle cũng phải thừa nhận trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 ở châu Âu chưa bao giờ chứng kiến cảnh tương tự như vậy. Nhìn về phía Bê-a-tri-xơ thấy nền trời đỏ rực như máu. Sở Chỉ huy nhận báo cáo: "Tiểu đoàn trưởng Pê-gô và tiểu đoàn phó Pác-đi đều bị chết vì pháo Việt Minh...". Còn ở Mường Thanh một viên đạn pháo chui qua lỗ châu mai nổ trong hầm đã làm chết trung tá Gô-xê cùng hầu hết sĩ quan tham mưu.....".

Theo phóng viên Béc-na Phôn: “... Bê-a-tri-xơ bị mất rạng sáng 14-3 thì chập tối 14-3 đến lượt Ga-brie-lơ bị tấn công. Sáng hôm ấy trung tá pháo binh Pi-rốt vừa hứa với tiểu đoàn trưởng Méc-cơ-nem sẽ dốc toàn lực lượng chế áp pháo đối phương không để pháo binh Việt Minh "gãi vào bất cứ hỏa điểm nào ở Ga-brie-lơ". Nhưng cuối cùng những hầm vũ khí nặn của cứ điểm đều bị pháo binh đối phương phá hủy, các vị trí của đại đội 1 rồi đại đội 4 đều lần lượt bị mất. Một tình huống khắc nghiệt xẩy ra là vào lúc 4giờ30phút sáng 15-3, một viên đạn pháo xuyên vào hầm chỉ huy tiểu đoàn. Thiếu tá Méc-cơ-nem chưa kịp bàn giao nhiệm vụ cho thiếu tá Các mới được điều đến thay thì cả hai đều bị thương nặng rồi bị bắt sống, Ga-brie-lơ bị mất vào tay Việt Minh.

Trung tá pháo binh Pi-rốt thấy hỏa lực của mình bị hao mòn quá nhanh sau chưa đầy 2 ngày đêm chiến đấu đã bi quan thất vọng, sau khi bị quan thầy Đờ Cát nhiếc mắng sỉ nhục đã tự kết liễu đời mình bằng một trái lựu đạn”.

Sau những câu chuyện chiến thắng ở Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo thuộc phân khu Bắc, ở những cứ điểm phía Đông và phía Tây thuộc phân khu trung tâm, tập sách "Điện Biên Phủ-ký ức 60 năm", bài "Dũng sĩ đồi A1 những ngày tổng công kích" giới thiệu nhiều chuyện hấp dẫn của các dũng sĩ Dũng Chi, Nguyễn Đôn Tự, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Phú Xuyên Khung, Vũ Thế Châu, Lâm Viết Hữu, Đỗ Ca Sơn...và cả câu chuyện viên quan tư Pháp Bi-gia với trang phục thiếu tá cùng tấm Huân chương Bắc đẩu Bội tinh được dẫn về gặp tiểu đoàn trưởng Dũng Chi.

Tiếp đến bài "Những loạt hỏa tiễn kết thúc chiến dịch" nhắc ta nhớ về tiểu đoàn hỏa tiễn 6 nòng H6 vừa được thành lập trước giai đoạn Tổng Công kích, với những loạt đạn chính xác các ngày 6/5/1954 và 7/5/1954 đã góp phần lập nên chiến thắng vĩ đại giải phóng Điện Biên chiều 7/5/1954. Các chiến sĩ pháo binh gọi đây là loại Ca-chiu-sa. Tác giả đã sưu tầm nhiều chuyện lý thú về nguồn gốc tên Ca-chiu-sa.

Những chuyện sau chiến dịch
 
Bìa cuốn sách Điện Biên Phủ- Ký ức 60 năm
Bìa cuốn sách "Điện Biên Phủ- Ký ức 60 năm" 

Đầu tiên là câu chuyện ở Giơ-ne-vơ ngày 7-5-1954. Được sự đồng ý của gia đình Luật sư Bộ trưởng Phan Anh, thành viên đoàn Việt Nam ở Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, tác giả Đỗ Sâm đã giới thiệu đôi đoạn hồi ký của Luật sư Phan Anh.

"... Sự đồng tình và ủng hộ của thiên hạ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã có từ lâu lại tăng lên gấp nhiều lần khi tin chiến thắng Điện Biên Phủ được truyền ra vang như sét, nhanh như chớp khắp thế giới, đúng một ngày trước ngày khai mạc hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương.

Nhiều nhà báo đến mừng đoàn ta. Một nhà báo nói : "Các ông thật là những nhà đạo diễn tuyệt vời, các ông đã sắp xếp tất cả, sắp xếp việc chiếm lĩnh Điện Biên Phủ ngay một ngày trước khi Hội nghị khai mạc, không sớm hơn, không chậm hơn!

Thật là một sự chính xác kỳ diệu. Có người lại hỏi "Các ông làm thế nào mà sắp xếp phối hợp được một cách chính xác như vậy?". Chúng tôi chỉ trả lời bằng một nụ cười khiêm tốn... Đúng là cả thế giới hò reo trước chiến thắng vĩ đại của ta!

Những tin đầu tiên về chiến thắng Điện Biên Phủ đã vang lừng khắp thế giới ngay xế chiều ngày 7 tháng 5 tại Giơ-ne-vơ... Các đài phát thanh dừng buổi phát thanh bình thường để đưa tin Điện Biên Phủ đột xuất. Một đài rồi hai đài, rồi dồn dập tất cả các đài đều đưa tin chiến thắng oai hùng của ta. Suốt cả buổi chiều, buổi đêm hôm đó và mấy ngày sau, mở bất cứ đài nào, vặn bất cứ làn sóng nào cũng vang lên ba tiếng Điện Biên Phủ.

16 giờ 30 chiều ngày 8/5/1954 . Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc

trong bài “Bắn pháo lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ”, tác giả Đỗ Sâm ôn lại lễ duyệt binh mừng chiến thắng vào ngày 13-5-1954 tại Mường Phăng, nơi đặt Chỉ huy sở chiến dịch của Đại tướng Võ Ngyên Giáp.

Trong buổi lễ có Đại đoàn phó đại đoàn 312 Đàm Quang Trung chỉ huy trưởng lễ duyệt binh Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị đại đoàn 308 phụ trách tổ kéo cờ gồm: chiến sĩ thi đua toàn quân Giáp Văn khương (308), Tạ Quốc Luật (312, người đã dẫn đầu tổ xubg kích bắt sống tướng Đờ Cát), Nguyễn Xuân Dài (351).

Đại tướng đọc thư khen của Bác Hồ rồi lần lượt duyệt đội ngũ các đơn vị duyệt binh. Anh em còn giữ được một tấm ảnh kỷ niệm Đại tướng tươi cười đứng cùng một số cán bộ chiến sĩ Điện Biên Phủ, tay cầm điếu thuốc lá.

Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đến thăm Đại tướng, các anh biếu Đại tướng tấm ảnh kỷ niệm lịch sử này.

Chị Bích Hà phu nhân Đại tướng hỏi: "Có bao giờ anh hút thuốc đâu?".

Một anh nói vui "Anh hút thuốc vì quá vui trong lễ mừng chiến thắng đấy!".

....Nói về người Pháp với chiến dịch Điện Biên Phủ tác giả Đỗ Sâm giới thiệu với chúng tôi cuốn sách "Hồi ức của những người lính dù Pháp ở Điện Biên Phủ" xuất bản ở Pa-ri của ông Hugo Génin một nhà nhân chủng học lịch sử người Pháp.

Đại tá Đỗ Sâm cho biết ông Hugo ấp ủ ý tưởng viết về Điện Biên Phủ từ năm 1996. Suốt 8 năm liền ông Hugo đã có nhiều buổi giao lưu với một số lình dù Pháp đã chiến đấu ở Điện Biên Phủ năm 1954. Xin kể một số câu chuyện giao lưu đó

Trả lời câu hỏi của ông Hugo về cảm nhận của mình với đối thủ Việt Minh ở Điện Biên Phủ, ông I-séc thuộc tiểu đoàn dù số 8 đã chiến đấu ở đồi A1 cho biết:

- Theo tôi, trong thời đại hiện nay đây là một bộ đội lục quân tuyệt vời trên thế giới! Chúng tôi chưa lần nào đánh giá thấp họ. Đây là một bộ đội lục quân tuyệt vời.

- Hơn cả quân dù các ông?

-(Cười). Như nhau (Yên lặng một lát). Bởi vì họ quý trọng chúng tôi ngay cả khi chúng tôi đã..., họ quý trọng chúng tôi ngay khi họ cảm thấy họ cần làm gì, với ai!

- Các ông quý trọng họ?

- Vì đó là những chiến binh. Với những chiến binh có một giá trị gần như nhau, họ luôn cùng có một lòng quý trọng lẫn nhau!

Cuốn "Điện Biên Phủ Ký ức 60 năm" đã giới thiệu những tư liệu này. Tác giả Đỗ Sâm cho biết năm 2004 nhân kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hugo Génin dùng đề tài Điện Biên Phủ trong cuốn "Hồi ức của những người lính dù Pháp ở Điện Biên Phủ" làm luận văn thạc sĩ của ông. Cuốn sách của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và hiện có ở Thư viện Quân đội Việt Nam. Năm 2009, kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã sang thăm Việt Nam tìm gặp một số chiến sĩ Điện Biên Phủ Việt Nam: Trung tướng Phạm Hồng Cư, trung tướng Vũ Xuân Vinh (308), các Đại tá Trần Quốc Hanh (304), Nguyễn Xuân Đài, Đỗ Sâm (351), nhà văn Lê Kim, bác sĩ Đỗ Châu... với ý định viết tiếp cuốn sách "Hồi ức Điện Biên Phủ".

Chuyện về những cuộc đối thoại bổ ích của Tiến sĩ nhân củng học Hugo Génin với các chiến sĩ Điện Biên Phủ Việt Nam vừa kể trên đã được tác giả Đỗ Sâm trích dùng trong bài "Tiến sĩ Hugo với một số chiến sĩ Điện Biên Phủ" trong tập sách "Điện Biên Phủ-Ký ức 60 năm " của nhà xuất bản Quân đội nhân dân.

***

Chỉ với 25 bài viết trong trên 200 trang cuốn "Điện Biên Phủ-Ký ức 60 năm " , tác giả Đỗ Sâm đã đem đến với độc giả những kỷ niệm sôi động hào hùng ở chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước đây.

Sáu mươi năm đã trôi qua kể từ ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng oanh liệt “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ý nghĩa và tầm vóc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị..

Nguyễn Lương Phán