Gia Lai

Độc đáo với lễ cúng báo hiếu của người Jrai trong dịp đầu xuân

Nay Săt

(Dân trí) - Dịp đầu xuân, người Jrai thường tổ chức lễ báo hiếu để thể hiện lòng biết ơn, công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Lễ cúng là một nét đẹp văn hóa của bà con Jrai ở vùng "chảo lửa" huyện Phú Thiện.

Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống, sinh hoạt của cộng đồng người Jrai ở xã Ia Piar (huyện Phú Thiện, Gia Lai). Lễ báo hiếu được tổ chức để người con cảm ơn công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Mỗi người con tổ chức lễ một lần trong đời. 

Độc đáo với lễ cúng báo hiếu của người Jrai trong dịp đầu xuân - 1

Lễ cúng báo hiếu thường diễn ra dịp đầu xuân, khi đó người Jrai thường đang trong thời gian nông nhàn và có đủ chi phí tổ chức.

Theo phong tục dân tộc Jrai, người con làm lễ báo hiếu cha mẹ sau khi đã lập gia đình, vì lúc này đã tạo lập được kinh tế riêng. Quy mô tổ chức tùy thuộc vào kinh tế gia đình, làm nhỏ thì mổ heo, gà mời anh em họ hàng tới chung vui, lớn hơn thì giết trâu, bò. 

Ông Nay Hăng (65 tuổi, Thôn Plei Chrung, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) là thầy cúng có tiếng ở thôn, cho biết: "Trước tiên, người con phải xin ý kiến của cha mẹ về thời gian tổ chức lễ báo hiếu. Khi thời gian phù hợp, gia đình người con sẽ mang một số lễ vật đến nhà cha mẹ để tiến hành các nghi lễ".

Lễ vật không thể thiếu là 3 ghè rượu ngon và một số con vật như heo, gà hoặc bò tùy theo điều kiện kinh tế chiêu đãi bà con dòng họ.

Độc đáo với lễ cúng báo hiếu của người Jrai trong dịp đầu xuân - 2

Theo đó, người con sẽ làm lễ báo hiếu công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Việc này, mỗi người con chỉ làm một lần trong đời.

Theo ông Nay Hăng, khi làm lễ, người làm đặt 3 ghè giữa nhà, cố định bằng cây tre cao, chọc thẳng lên trần nhà. Tiếp đó, gia đình người con phải sắp xếp các lễ vật, đồ ăn lên phía sát ghè rượu. 

Đến phần cúng, thầy chủ trì lễ sẽ đặt chân cha mẹ của người tổ chức lên 2 miếng rìu sắt, dưới chân là mảnh bông. Kế tiếp, thầy cúng sẽ lấy tiết con heo bôi lên ghè. Thầy cúng sẽ lấy một phần thịt đặt gần chân, rồi rót rượu cần từ từ vào chân người được cúng. Cuối cùng, thầy sẽ khấn thần linh ban phước lành, bình an, giàu sang cho người được thụ hưởng. 

Độc đáo với lễ cúng báo hiếu của người Jrai trong dịp đầu xuân - 3

Các lễ vật không thể thiếu để làm lễ cúng là ghè rượu cần, thịt heo…

"Sau khi xong phần cúng, người con sẽ mang những món quà dành tặng cho cha mẹ. Đó có thể là đồ dệt thổ cẩm, tiền, vàng… tùy vào gia cảnh người tổ chức", ông Hăng chia sẻ.

Khi hoàn tất lễ khấn, thầy cúng sẽ rót rượu ra chén đổ xuống dưới đất mời các vị thần linh. Kế đó, thầy sẽ rót cho người con mời cha mẹ và đưa miếng thịt heo nướng ăn kèm. Người con cũng không quên gửi những lời chúc tốt đẹp đến cha mẹ. Sau đó, khách mời sẽ chung vui với gia đình cho đến hết ngày. 

Những khách mời khi đến dự cũng mang bì gạo, tiền mừng gia chủ. Những món đồ này mang ý nghĩa gắn chặt tình dòng họ, hàng xóm láng giềng. 

"Bước qua ngày thứ 2, gia chủ sẽ lấy những phần thịt còn lại để chế biến thành các món ăn đặc sắc đãi khách. Ngày này, khách sẽ thưa hơn rất nhiều", ông Nay Hăng cho hay. 

Độc đáo với lễ cúng báo hiếu của người Jrai trong dịp đầu xuân - 4

Lễ báo hiếu sẽ diễn ra trong 2 ngày. Đây là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Jrai.

Tập tục này trước đây khá đơn giản nhưng hiện nay do có điều kiện kinh tế nên lễ báo hiếu thường có quy mô không kém một đám cưới, dựng cả phông rạp, thuê âm thanh dàn nhạc và mời hàng trăm người tới dự trong suốt 2 ngày. 

Khác với lễ bỏ mả hay cầu mưa thì cả làng sẽ cùng góp gà, nếp... để tổ chức nhưng lễ báo hiếu cha mẹ thì chính người tổ chức phải chịu mọi chi phí. Người Jrai rất coi trọng lễ báo hiếu. Những người chưa làm lễ này coi như đang còn một món nợ lớn với bậc sinh thành. Ngược lại khi đã làm được lễ báo hiếu, người con có tâm lý thoải mái. 

Theo ông Nay Thuin - Trưởng thôn Plei Chrung (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) cho biết: "Lễ báo hiếu cha mẹ là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Jrai nơi đây. Truyền thống đạo hiếu của gia đình và cộng đồng được khơi dậy qua nghi lễ thiêng liêng này. Cho nên các gia đình thường chọn dịp đầu xuân để tổ chức vì đây là khoảng thời gian nông nhàn".