Độc đáo nghề làm nhẫn bạc của dân tộc Chu ru ở Đơn Dương Lâm Đồng
(Dân trí) - Đơn Dương là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, nơi đây cuộc sống của người dân đang dần đổi thay, phát triển. Tuy nhiên, nghề truyền thống làm nhẫn bạc của người dân tộc Chu ru vẫn được bà con bảo tồn, phát huy.
Một trong những nghệ nhân làm nhẫn giỏi nhất này hiện nay tại Đơn Dương là ông Ya Tuất.
Ông chia sẻ: "Nghề làm nhẫn bạc này khó nhất là công đoạn làm khuôn nhẫn. Giai đoạn này đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mỉ, cẩn thận. Các chi tiết khuôn nhẫn được làm từ sáp ong. Chiếc nhẫn có đẹp, có sắc sảo đúng với cái tên như mắt sâu, mắt mía, bông lúa, mặt trời... thì phụ thuộc hết vào công đoạn làm khuôn này".
Nguyên liệu không thể thiếu khi làm nhẫn bạc đó là sáp ong. Sáp ong được chọn phần dẻo, tinh khiết nhất của tổ ong để nấu chảy rồi đúc thành các ống với đường kính khác nhau để làm khuôn nhẫn phù hợp với tay mỗi người.
Sau khi những khuôn nhẫn được làm bằng sáp ong hoàn thành, nghệ nhân Ya Tuất phải gắn từ 2 đến 3 chiếc vào miệng một chiếc phễu nhỏ làm bằng lá dứa rừng. Sau đó nhúng chúng vào hỗn hợp gồm đất sét, phân trâu và nước đã được trộn đều và ngâm kỹ rồi đem phơi nắng.
Trước khi đổ bạc, những chiếc khuôn nhẫn được hơ trên bếp than hồng cho sáp ong tan chảy. Tiếp theo là đổ bạc nấu chảy vào miệng phễu bằng lá dứa đã làm trước đó.
"Cuối cùng, khuôn được nhúng vào bát nước lạnh, lớp vỏ bên ngoài tan ra, chiếc nhẫn bạc cơ bản đã hoàn thành. Công đoạn hoàn thiện, "làm đẹp" cho nhẫn sẽ được tôi thực hiện tại khu vực riêng của mình", nghệ nhân Ya Tuất nói về rõ từng công đoạn.
Theo quan niệm của dân tộc Chu ru, nhẫn bạc được xem là vật đính ước linh thiêng giữa người con gái và con trai, là vật không thể thiếu trong mỗi đám cưới. Bà Ma Wel, vợ nghệ nhân Ya Tuất chia sẻ: "Trong lễ cưới của người Chu ru, nhẫn bạc là thứ không thể thiếu.
Khi nhà gái đến bắt chồng là phải tặng nhẫn bạc, vòng cườm, khăn cho các thành viên trong dòng họ nhà trai. Số lượng nhẫn, vòng và khăn phụ thuộc vào nhà trai, ít nhất cũng phải 50 chiếc nhẫn bạc, vòng cườm và khăn".
Nghệ nhân Ya Tuất khẳng định: "Đối với buôn làng dân tộc Chu ru chúng tôi, không thể bỏ được nghề truyền thống này đâu. Con trai tôi giờ cũng đã học nghề làm nhẫn bạc của cha, sau này sẽ tiếp nối.
Mặc dù ở các tiệm vàng họ làm nhẫn cưới đẹp, sắc sảo hơn chúng tôi rất nhiều lần nhưng bà con trong làng đâu có thích. Bà con chỉ muốn dùng nhẫn bạc do chính người Chu ru làm để thực hiện các nghi thức trong lễ cưới, hỏi".
Hiện nay, với mỗi lượng bạc, nghệ nhân Ya Tuất sẽ làm được 10 chiếc nhẫn cưới. Tùy độ tinh xảo mà những chiếc nhẫn sẽ có giá trị khác nhau.
Trong 3 dân tộc thiểu số bản địa có nguồn gốc lâu đời ở Lâm Đồng, tộc người Chu ru có dân số ít nhất (khoảng 2% dân số toàn tỉnh).
Hơn 3 năm qua, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã triển khai Đề án "Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Đơn Dương". Đề án gồm nhiều hạng mục: Xây dựng các dãy nhà sàn; tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; khôi phục các nghề truyền thống của người Chu ru; sưu tầm, phục chế các hiện vật, dụng cụ sinh hoạt văn hóa đã bị mai một... phục vụ du lịch và nghiên cứu khoa học.
Đề án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số bản địa ở Đơn Dương; mở ra hướng khai thác, phát triển loại hình du lịch mới - du lịch văn hóa, dựa trên việc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số bản địa. Đây là cơ hội quý để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người Chu ru đang có nguy cơ thất truyền...