Dòng họ Mùa giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc
(Dân trí) - Mỗi năm một lần, anh em họ Mùa từ khắp mọi nơi lại có dịp tập trung đông vui để cùng cầu chúc những điều tốt đẹp.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, những năm qua, với sự tạo điều kiện, khích lệ của các cấp, ngành, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã và đang chú trọng bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Trong đó, điển hình là dòng họ Mùa ở xã Tỏa Tỉnh, huyện Tuần Giáo.
Dòng họ Mùa ở Tỏa Tình có 200 hộ (còn 49 hộ nghèo) với hơn 900 người, sinh sống và làm việc ở nhiều địa bàn khác nhau, tập trung chủ yếu tại Tuần Giáo, TP. Điện Biên Phủ và một nhóm tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La (từ Tỏa Tình đi làm ăn, xây dựng kinh tế đã nhiều năm).
Hơn 40 con cháu dòng họ Mùa hiện đang công tác ở nhiều địa phương khác nhau, không ít người giữ vị trí lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị Nhà nước các cấp.
Ông Mùa A Dình, Trưởng dòng họ Mùa, xã Tỏa Tình chia sẻ: "Mặc dù con cháu trong họ đi sinh sống, làm ăn ở nhiều nơi, có người đã đảm nhiệm những chức vụ cao nhưng vẫn không quên nguồn cội, gốc gác từ mảnh đất Tỏa Tình. Anh em họ Mùa vẫn luôn yêu thương, giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau để gìn giữ văn hóa tốt đẹp này và vươn lên trong cuộc sống, xây dựng quê hương".
Một trong những minh chứng của điều ấy là lễ cúng dòng họ (lễ dù su) được họ Mùa tổ chức vào ngày 27/7 âm lịch mới đây. Mỗi năm một lần, anh em họ Mùa từ khắp mọi nơi lại có 1 dịp tập trung đông vui để cùng cầu chúc những điều tốt đẹp. Theo tiếng dân tộc Mông, dù có nghĩa là nhốt, gói chặt; su theo nghĩa là những điều rủi ro, đen đủi. Lễ dù su là nghi thức nhằm nhốt những điều rủi ro, đen đủi, không may, cầu mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với cả dòng họ.
"Lễ dù su có từ rất nhiều năm rồi. Những năm 1950, khi người họ Mùa sinh sống tập trung ở Tỏa Tình đã tổ chức dù su và duy trì cho đến ngày nay. Các nghi thức của lễ cúng dòng họ thường diễn ra tại một gia đình, trước kia thì theo thứ bậc, cha, chú rồi mới đến con cháu được tổ chức.
Nay thì gia đình nào trong họ có điều kiện thì đứng ra "đăng cai" tổ chức. Các hộ còn lại trong họ cũng sẽ đóng góp thêm tiền bạc, công sức cùng giúp gia chủ thực hiện", ông Dình cho biết thêm.
Sau khi thực hiện xong các nghi lễ trong lễ dù su, mọi người cùng nhau ăn bữa cơm ấm cúng. Trước khi mọi người vào mâm, trưởng dòng họ thông tin tình hình phát triển của dòng họ, căn dặn mọi người chịu khó làm ăn, nuôi dạy con cháu biết giữ gìn truyền thống văn hóa của cha ông. Đồng thời cũng biểu dương các gia đình tiêu biểu, làm ăn giỏi, có nhiều con cháu học hành cao, đỗ đạt, có tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống.
Bà Vàng Thị Khua, bản Hua Xa, xã Tỏa Tỉnh làm dâu họ Mùa, cho biết: "Năm nào tôi cũng cùng các thành viên gia đình tham gia lễ cúng dòng họ. Vui lắm, vui hơn tết vì anh chị em từ khắp nơi về đông đủ, ai cũng xúng xính váy, áo truyền thống, trò chuyện, chia sẻ với nhau về cuộc sống. Có năm còn hát múa, chơi trò chơi dân gian. Đây cũng là dịp để các con, cháu gặp gỡ, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và tự hào về dòng họ, dân tộc mình, có ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống".
Lễ cúng dòng họ năm nay, anh Mùa A Phía, Tổ trưởng một nhóm hộ họ Mùa hiện đang sinh sống ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu cũng về tham dự. Anh Phía chia sẻ: "Nhóm chúng tôi có 21 hộ họ Mùa gốc Tỏa Tình, nhưng đi phát triển kinh tế tại Phổng Lái từ đời bố mẹ.
Dù đã hàng chục năm đi ở nơi khác nhưng các con cháu họ Mùa vẫn hướng về đất tổ tiên, biết ơn các thế hệ đi trước. Dịp này 15 hộ trong nhóm cùng về tham gia lễ cúng, dù đi đâu chúng tôi vẫn là anh em trong dòng họ, trân trọng, giúp đỡ lẫn nhau".
Trước khi bữa cơm thân tình bắt đầu, trưởng dòng họ và gia chủ tổ chức lễ dù su năm nay cùng trao lại mũ, dao của thầy cúng (tượng trưng xua đuổi những điều không hay) và phông tổ chức lễ dù su cho gia đình đăng ký tổ chức cúng dòng họ năm tới.
Cứ như vậy, từ năm này qua năm khác, lễ cúng dòng họ Mùa ở Tỏa Tình cũng như văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông nơi đây được truyền nối, gìn giữ và duy trì.