Độc đáo cách chế tác đàn tính từ quả bầu của người Tày ở Cao Bằng
(Dân trí) - Đàn tính (còn gọi là tính tẩu) là nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng, gắn liền với đời sống văn hóa dân gian, âm nhạc dân tộc của đồng bào nơi đây.
Với những người sinh ra và gắn bó với loại nhạc cụ dân tộc này, họ trân trọng, lưu giữ nghề làm đàn tính như một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống tinh thần.
Để làm được đàn tính, bà con dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng lựa chọn bầu già, lấy về phải cắt bỏ phần trên, bỏ ruột ra và ngâm nước một tuần rồi rửa sạch, phơi khô, sau đó ngâm vôi khoảng 2 - 3 ngày để không bị mọt.
Công đoạn tiếp theo là làm nắp đàn. Nắp đàn là một tấm gỗ nhẹ, thường dùng gỗ cây hoa sữa (phần thân), có nơi làm bằng gỗ cây vông, vì gỗ mềm để tạo tiếng vang, dày khoảng 3 mm. Trước kia, chưa có keo dính, người Tày phải vào rừng để kiếm nhựa cây hồng. Việc lấy nhựa cây không phải mùa nào cũng có bởi một năm chỉ có một mùa.
Trong tất cả các công đoạn làm đàn tính, việc làm cần đàn đòi hỏi phải tỉ mỉ và cẩn thận. Cần đàn hoàn toàn làm bằng thủ công và được làm bằng các loại gỗ dẻo được đẽo công phu, đánh giáp cho bóng.
Cần đàn có chiều dài trung bình từ 80 cm - 1 m, tùy theo sải tay của người chơi. Theo các nghệ nhân, kinh nghiệm dân gian mà sau này như một công thức cho tỷ lệ bầu đàn và cần đàn là "slam căm tẩu, cẩu căn càn" (tức là chiều rộng mặt bầu được đo bằng ba nắm tay, chiều dài cần đàn là chín nắm tay).
Cần đàn sau khi hoàn thành được gắn vào bầu đàn, đánh bóng và phơi khô. Cuối cùng là công đoạn lắp dây đàn. Đàn tính truyền thống có 3 dây. Ngày xưa, dây đàn được lựa chọn là tơ xe. Ngày nay người ta có thể thay tơ xe bằng các loại dây dễ có chất liệu khác như dây dù hoặc dây cước.
Một cây đàn tính tốt, có tiếng đàn hay, chuẩn cần có hội tụ đủ các yếu tố: Bầu đàn đủ kích cỡ, đục lỗ bầu và chỉnh dây chuẩn.
Người thợ làm đàn ngoài đôi bàn tay khéo léo, còn cần phải biết hát các điệu then, những quãng âm, nhạc lý cơ bản để kiểm tra chất lượng âm thanh của đàn.
Từ bao đời nay, cây đàn tính không thể thiếu trong các làn điệu then, trong các lễ hội, hoạt động truyền thống văn hóa, văn nghệ ở Cao Bằng. Đàn tính, hát then góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Tày Cao Bằng.
Nghệ thuật trình diễn hát Then cũng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vì thế, việc phục dựng, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống này luôn được các cấp chính chuyền địa phương quan tâm, bảo tồn. Đặc biệt là công tác bảo tồn vốn cổ về tư liệu sách, đạo cụ, trang phục; phát huy vai trò trao truyền của nghệ nhân; đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng; duy trì hoạt động các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính ở các xã, phường, thôn bản, các trường học; tổ chức tập huấn hạt nhân văn nghệ cơ sở…