"Đổ xô" đi học làm "tiên cá", hóa "mỹ nhân ngư" đẹp như phim
(Dân trí) - Với tạo hình đẹp mắt, hấp dẫn, các khóa học làm "tiên cá" đã thu hút lượng lớn học viên tham gia, nhất là những người thích khám phá đại dương hay đơn giản là muốn "hóa thân" thành "mỹ nhân ngư".
Vài năm gần đây, nghề lặn tiên cá ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Nhiều trường đào tạo "mỹ nhân ngư" vì thế mọc lên "như nấm sau mưa", chủ yếu ở Singapore, Mỹ và Trung Quốc.
Theo ông Yan Lou - chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp (PADI) tại Trung Quốc cho biết, hiện trào lưu lặn tiên cá đang phát triển mạnh ở đất nước tỷ dân này.
Vào ngày 28/4, hơn 100 "nàng tiên cá" xuất hiện tại một thủy cung thuộc khu nghỉ dưỡng Atlantis Sanya (Trung Quốc). Hoạt động này nhằm phá vỡ kỷ lục Guinness về màn trình diễn lặn tiên cá lớn nhất thế giới nhân dịp kỷ niệm 3 năm thành lập khu nghỉ dưỡng trên.
Sau sự kiện này, PADI tung ra 4 khóa học lặn tiên cá từ cơ bản đến nâng cao và nhận được nhiều sự săn đón từ người dân. Nhờ tạo hình hấp dẫn mà chỉ sau 4 tháng ra mắt, các khóa học tiên cá đã "hút" lượng lớn học viên tham gia, chiếm 30% chứng chỉ địa phương tại Trung Quốc.
Theo Corinna Davids - người đứng đầu bộ phận phát triển các khóa lặn tiên cá do SSI (Hiệp hội lặn quốc tế) cung cấp cũng xác nhận xu hướng này.
"Nhu cầu học lặn tiên cá ngày càng cao tại Trung Quốc. Kể từ khi triển khai vào năm 2017, môn thể thao này đã phát triển theo cấp số nhân", cô nói.
SSI đã cung cấp các khóa lặn tiên cá độc lập tại hơn 3.000 địa điểm trên toàn thế giới với hơn 1.000 huấn luyện viên tiên cá tại Trung Quốc.
Khi tham gia các khóa đào tạo này, học viên được hướng dẫn tương tự lặn tự do và không sử dụng bình dưỡng khí hay dụng cụ hỗ trợ nào ngoài chiếc đuôi cá.
Dada Li - một trong những người đi đầu về bộ môn lặn tiên cá và cũng là đại diện PADI tại Trung Quốc cho biết: "Phần đuôi này làm hạn chế sự chuyển động của chân khiến việc lặn trở nên khó khăn hơn. Người lặn phải sử dụng bụng và eo để di chuyển. Qua quá trình dài tập luyện, học viên mới di chuyển dưới nước một cách thanh thoát, uyển chuyển như một nàng tiên cá thực thụ".
Năm 2015, sau khi hoàn thành khóa học quốc tế về hướng dẫn lặn tự do, Li trở thành nữ huấn luyện viên lặn tự do đầu tiên tại Trung Quốc. Cùng năm, cô thành lập đội thợ lặn tiên cá chuyên nghiệp để biểu diễn tại thủy cung và các sự kiện dưới nước tại Trung Quốc.
Sau khi trở thành bộ môn thể thao bắt mắt, thu hút nhiều tín đồ thích khám phá đại dương tham gia, lặn tiên cá còn là hoạt động hấp dẫn không chỉ dành cho trẻ em hoặc nữ giới mà còn phù hợp với cả đàn ông, ở mọi ngành nghề, lứa tuổi.
So với lặn tự do hoặc lặn có bình dưỡng khí, lặn tiên cá tập trung vào niềm vui, sự an toàn và tận hưởng cuộc sống. Nhiều người hào hứng tham gia các khóa học với hy vọng được trải nghiệm cảm giác "mỹ nhân ngư" hay đơn thuần là ngắm cảnh đẹp dưới nước.