Đề xuất để lăng mộ vợ vua Nguyễn bị san ủi tại vị trí cũ
(Dân trí) - Ngày 11/7, ông Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc Huế đã gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh, Ban Quản lý Di sản Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các cơ quan báo chí đề nghị để lại ngôi lăng mộ vợ vua Nguyễn vừa tìm thấy tại Dự án Bãi đỗ xe lăng Tự Đức - lăng Đồng Khánh.
Kiến nghị để mộ vợ vua Nguyễn tại vị trí cũ
Theo đó, trong quá trình thi công san ủi Dự án Bãi đỗ xe lăng Tự Đức - lăng Đồng Khánh (nằm trên địa phận phường Thủy Xuân, TP Huế) của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chuỗi Giá Trị, dòng họ Nguyễn Phúc Tộ đã tìm được tấm bia đá cổ trên ghi dòng chữ Hán là “Tiền triều, Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ” (bà Tài Nhân Cửu Giai họ Lê thụy Thục Thuận, vợ vua Nguyễn).
Song song với việc tìm kiếm bia đá, dòng họ Nguyễn Phúc Tộc cũng đã xác định được vị trí ngôi lăng của bà tồn tại trên mảnh đất này dưới sự chứng kiến của nhiều báo đài, Thanh tra Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và người dân quanh khu vực.
Qua 2 cuộc họp với các sở ban ngành, bà con dòng tộc Nguyễn Phúc tha thiết mong UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các ban ngành để lại ngôi lăng mộ của bà Tài Nhân họ Lê ngay tại vị trí ban đầu đã có (ở phần đất Dự án Bãi đỗ xe lăng Tự Đức - lăng Đồng Khánh) và xây dựng lại ngôi lăng của tại vị trí cũ, bản vẽ xây dựng lại ngôi lăng sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp đúng với vị trí và chức vị của bà.
Đồng thời, ông Tôn Thất Viễn Bào cũng yêu cầu Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chuỗi Giá Trị phải bồi hoàn để làm lại ngôi lăng mộ của bà Tài Nhân theo bản vẽ thiết kế của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thỏa thuận tại buổi họp ở trụ sở Thanh tra Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trước đó, Dự án Bãi đỗ xe trên đã “lỡ” san ủi phần lăng mộ của bà Tài Nhân họ Lê. Sau khi Nguyễn Phúc Tộc tìm được tấm bia và ngôi mộ bị san ủi của bà, chủ đầu tư dự án đã xin lỗi và hứa sẽ làm lại ngôi lăng mộ.
Được biết, khi bà con Nguyễn Phúc Tộc tìm thấy huyệt mộ bà Tài Nhân họ Lê vợ vua Nguyễn thì khu lăng mộ đã bị ủi bay phần trên, chỉ còn các lớp gạch xây huyệt mộ bên dưới, cách mặt đất 30cm. Qua quan sát, huyệt mộ được xây bằng loại gạch đặc trưng ở thời vua Nguyễn còn khá nguyên vẹn, có chiều rộng 1,2m, chiều dài 2,4m.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, phần mộ vợ vua Nguyễn - bà Tài Nhân họ Lê chưa từng được công nhận là di tích và nằm ngoài khu vực quản lý, bảo vệ di tích lăng Tự Đức.
Chính quyền muốn di dời lăng mộ vợ Vua nhưng bị phản đối
Tuy nhiên ở một diễn biến gần đây, UBND TP Huế vừa ban hành văn bản liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và trình tự thủ tục triển khai dự án bãi đỗ xe lăng Tự Đức - lăng Đồng Khánh. Việc chủ đầu tư triển khai san ủi khu vực triển khai dự án khi chưa nhận bàn giao mặt bằng và chưa tiến hành các thủ tục liên quan là chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định. Do vậy, mới xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa qua mà báo chí đã phản ánh, đó là tìm thấy bia đá, khuôn mộ của cửu giai tài nhân họ Lê, thụy Thục Thuận trong khu vực triển khai dự án.
Sau khi thống nhất ý kiến các bên liên quan, UBND TP Huế đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Theo đó, chỉ đạo Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị khẩn trương phối hợp với UBND phường Thủy Xuân, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế, Sở Văn hóa & Thể thao, Trung tâm Phát triển quỹ Đất TP Huế làm việc với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc thống nhất phương án khắc phục lăng mộ theo hướng di dời đến vị trí thích hợp. Nhưng ý định trên đã không được Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc đồng ý.
Theo đó, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc tán thành với lời phát biểu của PGS.TS. Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là “Phải tôn trọng nguyện vọng của con cháu Nguyễn Phúc Tộc, nếu họ muốn giữ nguyên thì giữ nguyên. Về huyệt mộ phải giữ nguyên trạng, thi hài để nguyên như vậy và xây lại lăng mộ theo quy cũ của thế kỷ trước. Về lâu dài, ngôi mộ sau này có thể sẽ trở thành một điểm tham quan của di tích. Về tâm linh, giữ nguyên như vậy đôi khi là điều hay cho bãi đỗ xe”.
Cũng theo nhận định của ông Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế “Ngôi mộ mặc dù chưa được công nhận di tích nhưng xét về mặt lịch sử thì nó cũng là một bộ phận của di tích có giá trị lịch sử gắn với tổng thể của di tích triều Nguyễn tại Huế. Một ngôi mộ được xây dựng ở một vị trí mới thì chỉ phục vụ được việc tâm linh, thờ cúng còn giá trị về mặt vị trí lịch sử sẽ không còn”.
*Hiện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc đã tiếp cận một bài vị bằng gỗ sơn son thếp vàng có dòng chữ "Tài nhân thụy Thục Thuận Lê thị" đang thờ trong lăng vua Tự Đức, đối chiếu với tấm bia mộ của vợ vua Nguyễn vừa tìm thấy ở Dự án Bãi đỗ xe trên, ghi "Tiền triều, Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ" thì khá trùng khớp. So sánh bài vị và tấm bia này, PGS.TS Đỗ Bang khẳng định lăng mộ bị san ủi là của vợ vua Tự Đức.
Đại Dương