Để có một năm 2021 hiệu quả hơn mà chẳng phải… "xoắn não"
(Dân trí) - Hãy coi khởi đầu của một năm mới là cơ hội để bạn tạo ra những thói quen mới giúp mang đến nguồn năng lượng dồi dào, loại bỏ căng thẳng và nâng cao hiệu quả làm việc.
Sự bùng phát của dịch bệnh bùng phát từ tháng 3 năm ngoái khiến cho cuộc sống và công việc của chúng ta bị đảo lộn, buộc mỗi người phải thay đổi để thích nghi và tồn tại trong những tháng vừa qua của năm 2020.
Trong năm mới 2021 này, đã đến lúc mỗi chúng ta cần cải thiện và thay thế những quy trình làm việc hiện hành bằng những phương pháp giúp bạn nâng cao hiệu quả công việc và mang lại cảm giác an yên.
Dưới đây là ba thói quen bạn có thể tham khảo để những tháng sắp tới của năm 2021 trở nên hiệu quả và ít căng thẳng hơn.
Trước hết, hãy tìm ra những khoảnh khắc khiến bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và động lực để sớm đạt được mục tiêu
Khi bạn cảm thấy cuộc sống của mình trong những ngày đại dịch trở nên ảm đạm nhạt nhòa, đã đến lúc cần xác định được những khoảnh khắc mà bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng nhằm lấy lại động lực. Dưới đây là bốn cách bạn có thể áp dụng để bắt đầu ngày mới của mình.
Chạy đua thời gian với chính bản thân mình
Hãy bắt đầu bằng cách dành thời gian nhất định cho một công việc hàng ngày. Ví dụ, bạn mất bao lâu để làm bữa sáng? Đọc và trả lời 12 email? Hay chuẩn bị báo cáo hàng tuần?
Hãy biến những công việc thường ngày này thành một cuộc chạy đua với chính bản thân và xem bạn có thể trở nên nhanh nhẹn đến mức nào. Bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ bạn có thể hoàn thành cũng như động lực để thực hiện công việc trong ngày.
Đánh thức con người cầu toàn trong bạn
Hãy chỉnh sửa không gian làm việc, hoàn thiện một email hoặc thậm chí sắp xếp lại thứ tự các loại gia vị trong bếp của bạn. Sau đó, hãy đứng lùi lại, chiêm ngưỡng thành quả và tự nhủ rằng bạn đã làm rất tốt. Bây giờ hãy chuyển sang nhiệm vụ đầu tiên trong danh sách của bạn với sự tự tin và mạnh mẽ.
Mặc những bộ quần áo khiến bạn cảm thấy tự tin, chuyên nghiệp và hiệu quả
Theo tiến sĩ Nina Vasan, bác sĩ tâm lý và trợ lý giáo sư tại trường Đại học Y Stanford (Mỹ): "Quần áo định hình trạng thái tinh thần và năng suất của bạn. Khi bạn bị mắc kẹt ở nhà cả ngày, những gì bạn mặc có thể quyết định tâm trạng của bạn như thế nào".
Vậy hãy tìm trong tủ quần áo rồi lấy ra chiếc áo khoác, váy hoặc áo sơ mi yêu thích của bạn, mặc chúng vào rồi sẵn sàng bắt tay vào công việc.
Vận động cơ thể
Chắc hẳn bạn đã nghe nhiều về việc tập thể dục giúp nâng cao năng lượng làm việc. Trong một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên của Đại học Georgia (Mỹ), các nhà nghiên cứu chia mọi người thành ba nhóm: cường độ thấp, cường độ trung bình và một nhóm không tập thể dục.
Trong thử nghiệm kéo dài sáu tuần, cả hai nhóm tập thể dục đều báo cáo mức năng lượng ngày càng tăng so với nhóm còn lại. Do đó hãy bắt đầu ngày mới của bạn với việc nhảy dây, đi bộ hoặc một vài tư thế yoga để giúp máu và năng lượng của bạn được lưu thông.
Thứ hai, hãy lập kế hoạch để đạt được mục tiêu
Lập kế hoạch có chủ đích là cách giúp bạn đạt được mục tiêu và giảm căng thẳng. Khi bạn lên kế hoạch cho tuần làm việc sắp tới của mình, hãy làm theo bốn bước sau:
Chiến lược: Xem lại các mục tiêu chiến lược của bạn trong tháng.
Nhiệm vụ: Xác định các nhiệm vụ hỗ trợ nhằm hoàn thành các mục tiêu chiến lược. Đây là các bước hành động tiếp theo mà bạn cần thực hiện. Sự rõ ràng là điều cần thiết. Hãy tập trung vào "việc cần làm", không phải "việc tốt nên làm". Tất cả các bước hành động cần phải bắt đầu bằng một động từ, ví dụ: gửi, gọi điện hoặc email.
Phân bổ: Phân bổ thời gian trên lịch để hoàn thành từng nhiệm vụ của bạn. Bạn có thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ cần thiết nhằm đạt được mục tiêu chứ? Nếu không, hãy tìm cơ hội dành ra thời gian cho các nhiệm vụ đó ví dụ như từ chối một cuộc họp không cần thiết hay rút ngắn thời gian cuộc họp.
Bây giờ, bạn đã sẵn sàng sắp xếp lịch để đạt được mục tiêu của mình.
Bạn có ba tùy chọn: dành từng khoảng thời gian nhỏ, dành khoảng thời gian lớn hơn để hoàn thành nhiệm vụ, hay tạo ngày theo chủ đề. Tùy chọn thứ 3 - tạo ngày theo chủ đề - nghĩa là bạn sắp xếp các ngày của mình xoay quanh một chủ đề, danh mục hoặc loại công việc. Ví dụ: quản trị, phát triển nhóm, bán hàng, tìm kiếm khách hàng tiềm năng hoặc viết lách.
Xem lại các nhiệm vụ của bạn và các trách nhiệm chính trong công việc mà bạn đang đảm nhiệm để xác định các chủ đề cho ngày. Khi bạn đã xác định được, hãy chọn một hay nhiều chủ đề cho mỗi ngày trong tuần. Ghi lại chủ đề cho ngày đó trên lịch của bạn, đồng thời hoàn thành các nhiệm vụ và dự án phù hợp với chủ đề đó.
Kết quả: Hãy cam kết để đạt được kết quả cuối cùng. Khi bạn được yêu cầu tham gia một cuộc họp mà không có chương trình làm việc hoặc tham gia một cuộc gọi không cần thiết, hãy nhớ rằng khi bạn nói có với một yêu cầu, bạn đang nói không với một điều khác. Hãy tôn trọng chính bản thân và thời gian của bạn bằng cách chủ động dứt khoát chấp thuận hay từ chối một lời đề nghị.
Thứ ba, hãy ăn mừng thành quả đạt được
Bạn có quyền thừa nhận và tán dương những thành tích và thành công của mình. Vào cuối tuần làm việc, hãy đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu chiến lược, xem xét số lượng các nhiệm vụ đã hoàn thành hoặc hồi đáp bất kỳ phản hồi tích cực nào mà bạn nhận được.
Tất cả chúng ta đều mong muốn được nhìn nhận và đánh giá cao năng lực, do đó, hãy tự xem xét và nhận ra cách mà bạn giúp gia tăng giá trị cho nhóm, công ty và khách hàng của mình.