Khảo cổ tìm dấu tích Tây Sơn/ Quang Trung:

Dấu vết một nền kiến trúc rộng lớn xuất hiện sau đợt khảo cổ dấu tích tại Huế

(Dân trí) - Đó là nhận định chung của PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học khi nhận xét về kết quả ban đầu đợt thám sát khảo cổ dấu tích phong trào Tây Sơn/ Quang Trung tại Huế.

Nền đá có chiều rộng 5,5m biểu hiện cho một công trình kiến trúc lớn

Sau khi kết thúc 15 ngày tiến hành thăm dò khảo cổ tại vùng gò Dương Xuân, phường Trường An (TP Huế) , đoàn thăm dò dưới sự chủ trì của Viện Khảo cổ học đã tiến hành mở 5 hố thám sát khảo cổ, gồm 2 hố ở chùa Vạn Phước, 1 hố nhà ông Nguyễn Hữu Oánh, 1 hố chùa Thuyền Lâm và 1 hố ở số nhà 13/120 Điện Biên Phủ.

Qua phát hiện ở cả 5 hố có các hiện vật như đồng tiền xu, đồ bằng sắt, bằng sành sứ, mảnh gạch, mảnh ngói… như dạng đồ dùng sinh hoạt.

Đặc biệt ở hố số 5 phát hiện được điều rất thú vị khi đoàn đã đào được dấu tích một nền đá có biểu hiện kéo dài với chiều rộng 5,5 mét, chiều dài chưa xác định, phía trên lớp nền đá có một đoạn có cát vữa.

“Rất may mắn khi chúng tôi tìm được nền đá biểu hiện cho 1 công trình kiến trúc lớn. Chúng tôi xác định được nền đá này có chiều rộng lớn đến 5,5 m, chiều dài còn bao nhiêu thì phải tìm kiếm tiếp. Do nền đá này nằm dưới, phía trên có vết vôi vữa và cát, dự đoán có thể có các giai đoạn lịch sử khác nhau, nên cần thiết được chỉnh lý khoa học, phân tích thạch học đối với lớp nền đá này” - TS Liêm nói.

Các ban ngành chức năng bên hố khảo cổ thứ 5 chiều 15/10 để nghe báo cáo sơ bộ ban đầu
Các ban ngành chức năng bên hố khảo cổ thứ 5 chiều 15/10 để nghe báo cáo sơ bộ ban đầu

Tuy chỉ tiến hành đào hố thăm dò khảo cổ theo quyết định của Bộ VH,TT&DL trong vòng 15 ngày từ 1-15/10 nhưng ở hố số 5 có những tín hiệu tốt về một nền đá biểu hiện công trình kiến trúc lớn rất đáng chú ý. Có ý kiến nền đá này có liên quan đến các kiến trúc khác như Phủ, Cung điện mùa đông, Thành, Tường thành… của Hoàng đế Quang Trung, theo TS. Liêm phải cần nghiên cứu kỹ, nếu kết luận là hơi vội, phải thêm thời gian.

Nhận định công việc sắp tới PGS.TS. Bùi Văn Liêm cho biết: “Có thể nền kiến trúc này sẽ kéo dài thêm. Đoàn chúng tôi sẽ mất một thời gian để chỉnh lý mẫu, phân tích mẫu, nghiên cứu đối sánh. Kết hợp qua sử chép, lời kể dân, truyền khẩu cùng với các cơ quan như địa chất, lý hóa, sử học, khảo cổ học đoàn sẽ có kết luận ban đầu khoảng tháng 12/2016 cho tỉnh Thừa Thiên Huế, khoảng 1 năm sau sẽ có báo cáo chính thức ở cấp trung ương.

PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học (trái) trò chuyện cùng ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh (giữa) và ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế
PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học (trái) trò chuyện cùng ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh (giữa) và ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế

Từ đó nếu có cơ sở, chúng ta sẽ trình cấp trên để tiến hành khai quật khảo cổ mức độ lớn hơn. Lúc đó có thể sẽ đào nhiều hố khai quật liên tiếp nhau ở vùng này nhằm biết thêm chiều rộng, chiều dài của nền đá và các điều liên quan đến triều Tây Sơn. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam không vào Huế được nhưng cực kỳ quan tâm đến công tác khảo cổ tìm dấu tích triều Tây Sơn, Quang Trung tại cố đô”.

Video:

PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học nói về phát hiện lớp nền đá có biểu hiện 1 công trình rộng lớn

Về 5 hố khảo cổ, đoàn sẽ lấp 4 hố có hiện vật, riêng hố thứ 5 có dấu tích nền đá sẽ được “lấp bảo tồn” (thuật ngữ chuyên môn khảo cổ học – PV) bằng 1 lớp cát, 1 lớp nylon, 1 lớp bạt để giữ di tích này thời gian sau nếu làm lại sẽ dễ dàng hơn.

Dấu hiệu đã khớp - cần làm rõ dấu tích Hoàng đế Quang Trung theo mong mỏi của dân tộc

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho hay công trình nghiên cứu của ông cho rằng vùng gò Dương Xuân có 1 quần thể kiến trúc liên quan triều Tây Sơn, Quang Trung bị đập phá và chôn vùi xuống đất. Đợt thăm dò khảo cổ đã có những biểu hiện của 1 vùng kiến trúc đã bị chôn vùi, chứng minh kết luận quan điểm của ông đã khớp. Để biết kiến trúc gì, ở thời đại nào thì cần có sự vào cuộc tiếp tục của cơ quan chuyên môn.

Ông Xuân cho rằng việc đào được nhiều đồ dùng sinh hoạt tại đây cho thấy bên cạnh kiến trúc có một đời sống, có thể nói đó là đời sống cao cấp chứ không phải bình thường. Thể hiện ở những viên đá tảng rất lớn, dân không thể có các viên đá tảng như vậy. Đó là những mảnh sành, sứ, gốm… nếu người dân bình thường ở đây thì không thể có cái đó. Nên đã có một đời sống của bậc vương giả, của vua chúa mới có cái đó.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (áo vét, đeo kính đen) trao đổi với mọi người về luận cứ của mình bước đầu đã cho ra kết quả tốt
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (áo vét, đeo kính đen) trao đổi với mọi người về luận cứ của mình bước đầu đã cho ra kết quả tốt

“Tôi nghĩ rằng đất nước Việt Nam mình có một vị vua, một hoàng đế vĩ đại như Hoàng Đế Quang Trung, đã bao năm nay không tìm ra được dấu tích lăng mộ. Nếu tìm ra được thì dân tộc cả trong và ngoài nước có khát vọng phục hồi lại thời đại Quang Trung, nơi Quang Trung đã trị vì, nơi vua đã xuất quân ra Hà Nội đánh thắng 29 vạn quân Thanh, đây là đòi hỏi của dân tộc này phải làm rõ nơi của vua Quang Trung” - nhà nghiên cứu trăn trở.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trao đổi, đây là tín hiệu đáng mừng, những hiện vật thu thập ở đây sẽ đưa về bảo tàng bảo quản (lau chùi, sắp xếp bố trí) chuẩn bị đợt sau Viện Khảo cổ sẽ tác nghiệp về mặt chuyên môn. Một số vật khác trên mặt đất sẽ bảo quản, để người dân tới xem có sự đối sánh. Hiện tất cả đều nằm trong diện nghiên cứu, chưa có kết luận cụ thể, sẽ chờ ý kiến chuyên gia và các chuyên môn ở kết luận sắp tới.

Dấu vết hố số 5 có 1 nền đá
Dấu vết hố số 5 có 1 nền đá
Nối với nền đá ở hố số 5 mở rộng ở nhà bên cạnh tạo cho nền đá này có bề rộng 5,5m - nghi là dấu vết 1 công trình kiến trúc cổ rất lớn
Nối với nền đá ở hố số 5 mở rộng ở nhà bên cạnh tạo cho nền đá này có bề rộng 5,5m - nghi là dấu vết 1 công trình kiến trúc cổ rất lớn

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh cho biết tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo tìm dấu tích Tây Sơn thì có nhiều ý kiến khác nhau. Qua ý kiến của GS. Phan Huy Lê cần thám sát để xem các công trình kiến trúc Tây Sơn vùng tại Huế. Kết quả bước đầu đã xuất hiện một dấu vết nền kiến trúc cổ nên đã khẳng định được một câu chuyện gây tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu là vùng này đã có dấu tích.

Nhưng theo quan điểm ông Dũng, muốn biết nhiều hơn dấu tích này thuộc thời đại nào thì cần phải có 1 cuộc khai quật khảo cổ diện rộng. Tuy nhiên thời gian này đoàn cần phải thí nghiệm, lấy một số vật liệu, một số mẫu đất, một số các di vật còn lại trên này, dùng các bon phóng xạ C14 và các phương tiện hiện đại, từ đó sẽ bước đầu xác định được thời đại, niên đại công trình này. Từ chỗ đó sẽ có cơ sở để mở khai quật khảo cổ rộng hơn trên yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ VH,TT&DL cấp quyết định.

Tiến hành lấp các hố khảo cổ thám sát sau đợt khảo cổ 15 ngày
Tiến hành lấp các hố khảo cổ thám sát sau đợt khảo cổ 15 ngày
Vùng đào hố thám sát khảo cổ số 5 có dấu tích nền đá cổ bề rộng 5,5 m ở số nhà 11/120 và 13/120 Điện Biên Phủ - thuộc vùng gò Dương Xuân, phường Trường An, TP Huế - nơi mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đặt giả thiết có dấu tích Cung điện Đan Dương của Hoàng đế Quang Trung
Vùng đào hố thám sát khảo cổ số 5 có dấu tích nền đá cổ bề rộng 5,5 m ở số nhà 11/120 và 13/120 Điện Biên Phủ - thuộc vùng gò Dương Xuân, phường Trường An, TP Huế - nơi mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đặt giả thiết có dấu tích Cung điện Đan Dương của Hoàng đế Quang Trung
Khu vực xung quanh chùa Thuyền Lâm (dấu đỏ) là gò Dương Xuân, nơi mà nhà nghiên cứu Nguyên Đắc Xuân đặt giả thiết có dấu tích cung điện Hoàng đế Quang Trung nằm ở đây
Khu vực xung quanh chùa Thuyền Lâm (dấu đỏ) là gò Dương Xuân, nơi mà nhà nghiên cứu Nguyên Đắc Xuân đặt giả thiết có dấu tích cung điện Hoàng đế Quang Trung nằm ở đây

Video:

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trả lời PV Dân trí về kết quả thám sát khảo cổ ban đầu với công trình nghiên cứu của ông

-Hiện tại dấu vết thời Tây Sơn tại Huế chỉ có một số sắc phong, bia đá, chiếc chuông ở chùa La Chữ, núi Bân nơi lên ngôi vua Quang Trung để tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh. Sắp tới theo ý kiến của Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cần có panô giới thiệu 5 địa điểm khảo cổ tìm dấu tích thời Tây Sơn/ Quang Trung trên, ghi rõ thời gian khảo cổ, thu được thông tin gì từ hố khảo cổ… cho người dân, du khách đi ngang được biết.

-Trong thời gian đoàn khảo cổ tiến hành công việc ở 5 hố thám sát thì một công trình đào đường ống nước thải qua vùng gò Dương Xuân đã phát hiện ra 4 chân đá táng lớn giống như một số đá táng tìm được tại chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước gần 30 năm trước.

Dấu vết một nền kiến trúc rộng lớn xuất hiện sau đợt khảo cổ dấu tích tại Huế - 9

c8-1-1476533968109

-“Tôi đã đã đi thực địa với bác Xuân tới những địa điểm chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước, Cồn Bông Sứ, Suối Tiên, Giếng Loạn… bàn chân Nguyễn Đắc Xuân đã đặt lên những mảnh đất nhỏ trong vùng này, sự phấn đấu của bác là một trong những động viên cho tổ chức, cá nhân, như kiến nghị của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế cùng với sự vào cuộc của Viện Khảo cổ học, Khoa Sử trường ĐH Khoa học Huế, Vietravel… để khảo cổ vùng có dấu tích triều Tây Sơn, Nguyễn Huệ. Cho nên có kết quả bước đầu đáng mừng như trên có sự đóng góp rất lớn, rất quý báu của bác Nguyễn Đắc Xuân” - PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học.

Đại Dương