Đầu tư gần 500 tỷ đồng tôn tạo lăng miếu Triệu Tường

(Dân trí) - Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử lăng miếu Triệu Tường, tại thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung - nơi phát tích của vương triều Nguyễn, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư gần 500 tỷ đồng để phục dựng.

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Hà Trung tổ chức cho phóng viên các cơ quan báo chí đi thăm Khu di tích lịch sử Lăng miếu Triệu Tường tại thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung.

Đầu tư gần 500 tỷ đồng tôn tạo lăng miếu Triệu Tường - 1
Quy hoạch tổng thể lăng miếu Triệu Tường.

Theo thông tin từ UBND huyện Hà Trung, dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử lăng miếu Triệu Tường được điều chỉnh quy hoạch tổng thể có quy mô là 27,85ha (giảm 13,65 ha so với quy hoạch năm 2010).

Mục tiêu quy hoạch là bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích một cách có hệ thống, đảm bảo các nguyên tắc về bảo tồn di tích gốc. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đô thị Hà Long; xây dựng khu di tích thành điểm đến của du lịch Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đầu tư gần 500 tỷ đồng tôn tạo lăng miếu Triệu Tường - 2
Lăng miếu Triệu Tường đã được phục dựng lại một phần.

Không gian, kiến trúc cảnh quan khu vực quy hoạch tổng thể bao gồm 2 vùng chức năng: Vùng cảnh quan di tích gồm miếu Triệu Tường, lăng Trường Nguyên, đình Gia Miêu, đền Ông, nhà thờ họ Nguyễn Hữu.

Vùng hỗ trợ phát huy giá trị di tích, gồm khu đón tiếp quảng bá lễ hội - Khu bãi đỗ xe, dịch vụ và đường giao thông.

Đầu tư gần 500 tỷ đồng tôn tạo lăng miếu Triệu Tường - 3
Nhiều hạng mục trong khu di tích đã được tôn tạo lại.

Tổng vốn đầu tư cho dự án là hơn 460 tỷ đồng từ ngân sách và xã hội hóa (Hội đồng họ Nguyễn Việt Nam và các nguồn hợp pháp khác); dự án do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Giai đoạn I đầu tư một phần dự án số 1 (đã hoàn thành); giai đoạn II (2018-2022) triển khai phần còn lại của dự án số 1 và các dự án số 2, 3, 4.

Đầu tư gần 500 tỷ đồng tôn tạo lăng miếu Triệu Tường - 4
Đầu tư gần 500 tỷ đồng tôn tạo lăng miếu Triệu Tường - 5
Cơ quan chức năng đang tiến hành khai quật để phục vụ cho việc tôn tạo.

Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm, miếu thờ của vương triều Nguyễn, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí, điêu khắc. Các nhà sử học coi khu di tích này là “kinh thành Huế thu nhỏ”.

Thôn Gia Miêu, xã Hà Long, nơi đây xưa kia chính là Gia Miêu ngoại trang, thuộc tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa (nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).

Đầu tư gần 500 tỷ đồng tôn tạo lăng miếu Triệu Tường - 6
Lăng Trường Nguyên.

Đây là nơi phát tích của vương Triều Nguyễn và trở thành mảnh đất quý hương thờ tổ tiên. Vào cuối đời Hậu Lê, Nguyễn Kim (hậu duệ của Nguyễn Công Duẩn) là một tướng giỏi có nhiều công lao được phong tước An Thành Hầu.

Năm 1527, sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi lập nên triều Mạc. Không từ bỏ ý chí, Nguyễn Kim chiêu tập hào kiệt bốn phương lánh lên Sầm Châu - vùng Thanh Hóa giáp Lào lập bản doanh phò Lê diệt Mạc.

Đầu tư gần 500 tỷ đồng tôn tạo lăng miếu Triệu Tường - 7
Hình ảnh miếu Triệu Tường trước năm 1945.

Về sau, Nguyễn Kim tìm được Lê Duy Ninh (là con vua Lê Chiêu Tông ở Thanh Hóa). Sau đó mang sang Lào lập làm vua, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa (vua Lê Trang Tông 1533 - 1548), khởi đầu sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Nguyễn Kim được vua Trang Tông phong làm Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công Trưởng nội ngoại sự để phò vua diệt Mạc, lấy lại giang sơn.

Năm Ất Tỵ 1545, Nguyễn Kim khi đó đã 78 tuổi, bị Dương Chấp Nhất là tướng của nhà Mạc đầu độc chết. Vua Lê thương tiếc, truy ban tước Chiêu Huân Tĩnh công. Thi hài ông được đưa về táng ở núi Triệu Tường.

Tương truyền sau khi cha mất, anh trai bị bức hại, Nguyễn Hoàng (con trai của Nguyễn Kim) đã tìm đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin mưu kế. Sau khi được Trạng Trình khuyên câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng đã xin triều đình đi trấn thủ xứ Thuận Hóa để mưu đồ, tạo dựng sự nghiệp riêng cho họ Nguyễn.

Đầu tư gần 500 tỷ đồng tôn tạo lăng miếu Triệu Tường - 8
Đình Gia Miêu.

Năm 1558, rời Gia Miêu ngoại trang, Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn về phương nam khởi lập lên xứ Đàng trong với sự nghiệp mở mang bờ cõi lẫy lừng, trải 9 chúa, 13 vua.

Trải qua biến cố lịch sử, nhiều công trình kiến trúc nơi đây đã bị phá hủy. UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lăng miếu Triệu Tường.

Trần Lê