Dấu ấn của nhà văn Lê Văn Thảo trong mắt đồng nghiệp

(Dân trí) - “Sự ra đi của anh không chỉ là mất mát của đất nước, những người làm văn nghệ miền Nam, mà đối với cá nhân tôi, tôi cảm thấy như mất một người anh”, đạo diễn Việt Linh chia sẻ.

Nhà văn Lê Văn Thảo vừa mất vào ngày 21/10/2016 vì bạo bệnh. Ông nguyên là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, Phó tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ TPHCM. Với những đóng góp trong văn đàn từ thời kháng chiến, ông nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Nhà văn Lê Văn Thảo ra đi, nhưng trong lòng của nhiều người, nhất là những tác phẩm ý nghĩa của ông vẫn còn tồn tại mãi...
Nhà văn Lê Văn Thảo ra đi, nhưng trong lòng của nhiều người, nhất là những tác phẩm ý nghĩa của ông vẫn còn tồn tại mãi...

Trong mắt đồng nghiệp và các thế hệ nhà văn trẻ, ông luôn vui tươi, lạc quan và hóm hỉnh. Đặc biệt là sự hào sảng trong cách sống của người Nam Bộ đã giúp ông nhận được tình cảm đáng quý từ mọi người. Sự ra đi lần này của ông cũng khiến nhiều người cảm thấy tiếc thương và là một mất mát to lớn.

Nữ đạo diễn Việt Linh ghi dấu ấn đặc biệt với nhiều tác phẩm điện ảnh làm nên tên tuổi của chị như Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư và Mê thảo - thời vang bóng - với tư cách là một đạo diễn đầu đàn.

Nữ đạo diễn cũng từng chuyển thể truyện ngắn “Hai người cha” của nhà văn Lê Văn Thảo thành tác phẩm điện ảnh “Ba người đàn ông” và nhận được giải thưởng của Hội điện ảnh. Đạo diễn Việt Linh cho biết, bà chọn chuyển thể tác phẩm này vì thấy có nhiều sự đồng cảm.

Bà có mặt trong đám tang của nhà văn Lê Văn Thảo chiều ngày viếng thứ 2, 22/10 tại nhà riêng của nhà văn tại quận Bình Thạnh.

Đạo diễn Việt Linh từng chuyển thể thành công truyện ngắn Hai người cha của nhà văn Lê Văn Thảo sang phim điện ảnh Ba người đàn ông
Đạo diễn Việt Linh từng chuyển thể thành công truyện ngắn "Hai người cha" của nhà văn Lê Văn Thảo sang phim điện ảnh "Ba người đàn ông"

Chia sẻ về mối thâm tình của mình và nhà văn Lê Văn Thảo, bà nói: “Tôi và anh Thảo có nhiều kỷ niệm vì cùng ở kháng chiến, anh là thế hệ đàn anh, tôi và anh đều là người miền Nam. Chính ra, là anh đã cho tôi động lực để làm nghệ thuật, nhất là đi vào đường viết lách. Tôi có xuất bản vài quyển sách, nhưng không phải là nhà văn. Tôi và anh Thảo là bạn vong niên. Sự ra đi của anh không chỉ là mất mát của đất nước, những người làm văn nghệ miền Nam, mà đối với cá nhân tôi, tôi cảm thấy như mất một người anh”.

“Anh Thảo là một nhà văn từ cách viết cho đến cách sống đều điềm đạm, thẳng thắn và có trách nhiệm. Anh không chỉ là một nhà văn mà còn là một công dân, tư cách công dân trong văn học của anh rất quan trọng. Anh dùng văn học như một phương tiện thể hiện quyền công dân của mình”, bà Việt Linh chia sẻ thêm về cách sống và con người của nhà văn Lê Văn Thảo cả trong đời sống lẫn văn chương.

Em trai của nhà văn Lê Văn Thảo, đạo diễn - nhà văn Lê Văn Duy - ông và nhà văn Lê Văn Thảo gắn bó trong suốt những năm tuổi thơ, cho đến khi học đại học, khi vào chiến khu. Ông cũng từng là người biên tập đầu tiên cho các truyện ngắn của anh trai khi chuyển thành phim.

Nhà văn - đạo diễn Lê Văn Duy, em trai ruột cũng là đồng nghiệp của nhà văn Lê Văn Thảo
Nhà văn - đạo diễn Lê Văn Duy, em trai ruột cũng là đồng nghiệp của nhà văn Lê Văn Thảo

“Đối với tôi, hiếm có hai anh em ruột có cùng những kỷ niệm, ký ức, cùng nghề nghiệp, có mối đồng cảm và quá trình kháng chiến như vậy. Anh Thảo ra đi là sự mất mát lớn nhất đời tôi, vì so với anh em thì chúng tôi gắn bó nhất. Trong những lúc anh Thảo bệnh, tôi mất ngủ vì buồn và lo lắng”, ông chia sẻ về những ngày cuối đời của anh mình sống trong bệnh tật khiến ông cảm thấy rất đau lòng và mất mát.

Đạo diễn Lê Văn Duy từng có khoảng thời gian đi dạy học từ Huế vào Nam. Đối với ông, trong khoảng thời gian đó, ông cảm nhận tên của anh mình đi sâu vào trong lòng nhiều thế hệ khắp đất nước. Khi đi đến đâu, nhắc đến tên anh trai cũng được nhiều người chúc mừng và bày tỏ sự ngưỡng mộ.

“Việc đó không chỉ ngưỡng mộ tài năng mà còn là việc giúp đỡ anh em, lớp trẻ. Công việc của anh gắn bó với từng hội viên một và cách sống của anh với anh em có sự khoan dung, độ lượng. Không phân biệt chức tước hay người mới vào nghề. Anh sống rất hòa đồng. Một người phải trải qua nhiều mất mát, chứng kiến nhiều sự ra đi trong chiến tranh mới có được tình cảm lớn như thế”, ông chia sẻ về tình cảm, nhân cách sống mà anh mình có được trong lòng của nhiều thế hệ.

Nhà văn Bích Ngân hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM. Chủ tịch Hội đồng văn xuôi TPHCM - Hội Nhà văn TPHCM nhiệm kỳ 7 cũng có nhiều chia sẻ về nhà Văn Lê Văn Thảo.

Nhà văn Bích Ngân
Nhà văn Bích Ngân

Bà cũng cho biết, sau lần lần đến thăm nhà văn Lê Văn Thảo gần đây nhất, bà nhận một bản thảo dở dang từ nhà văn, một bản thảo tiểu thuyết mà khi gửi qua email cho bà, ông viết: “Tiểu thuyết này đã ấp ủ và viết hơn mười năm rồi, giờ đành bỏ dở”.

Theo như bà Ngân chia sẻ: “Đó là bản thảo tiểu thuyết Đồng Tháp Mười mà nhà văn Lê Văn Thảo đã viết được hơn 90.000 chữ. Một tiểu thuyết mang yếu tố tự truyện. Một quyển tiểu thuyết viết về một vùng đất nhưng đầy nỗi ưu tư về số phận con người. Giờ ông đi rồi, cuốn tiểu thuyết 10 năm ông ấp ủ thành dang dở, mãi mãi...”

Băng Châu

Dấu ấn của nhà văn Lê Văn Thảo trong mắt đồng nghiệp - 5

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm