"Đào, phở và piano" không được quảng bá: Phim Nhà nước và số phận may rủi?
(Dân trí) - NSND Thanh Vân gọi việc "Đào, phở và piano" bỗng nhiên gây sốt là chuyện "hên xui". Bởi những phim Nhà nước ít được truyền thông, nhiều phim làm xong là... cất kho.
Phim Đào, phở và piano đã trở thành hiện tượng đặc biệt của điện ảnh Việt Nam mấy ngày qua khi khán giả chen chúc mua vé đi xem. Không chỉ sốt vé ở Hà Nội mà khi vào TPHCM và một số tỉnh thành, phim vẫn được khán giả quan tâm, mong ngóng.
Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của phóng viên Dân trí, phim Đào, phở và piano trước khi được phát hành không được quảng bá rộng rãi.
Phim làm xong cũng có một buổi ra mắt nhưng với quy mô nhỏ, chỉ có các nghệ sĩ tham dự mà không có truyền thông, PR. Cho đến khi phim bỗng nhiên gây sốt, khán giả mới... biết đến bộ phim này.
Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu phim Nhà nước đặt hàng đang "bỏ trống" việc quảng bá phim là do các thủ tục hành chính, hay do việc cấp vốn quá ít, không đủ để giới thiệu, quảng bá phim đến gần khán giả hơn?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân - Nguyên Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam - cho biết, phim Nhà nước đặt hàng có kinh phí dành cho truyền thông nhưng tỉ lệ rất thấp.
Theo ông, chỉ có khoảng mấy chục triệu cho việc phát hành phổ biến phim, so với các phim tư nhân đầu tư thì con số này rất ít, không nói lên điều gì cả. Vậy nên việc quảng bá phim chậm trễ, không bài bản và chuyên nghiệp được.
"Trong dự toán làm phim Nhà nước đặt hàng, chúng tôi đều muốn số tiền lớn hơn để quảng bá, giới thiệu phim nhưng các cơ quan chức năng duyệt một cách dè dặt. Có những phim chỉ khoảng 20-50 triệu đồng, số tiền này chỉ đủ một bữa liên hoan, ra mắt, không đủ kinh phí để đưa ra rạp nên phim làm xong là… cất kho luôn", ông Thanh Vân chia sẻ.
Nam đạo diễn nói thêm, ông từng làm phim Nhà nước đặt hàng là Sống cùng lịch sử nhưng phim không được ra rạp. Ông nhờ các mối quan hệ riêng của mình để phim được chiếu ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia, rạp Tháng Tám và rạp Kim Đồng, thế nhưng phim cũng được chiếu rất khiêm tốn, ít người biết vì không có sự quảng bá, giới thiệu đến khán giả.
NSND Thanh Vân cay đắng kể thêm, năm 1999, phim Đời cát của ông sau khi hoàn thành được chiếu ở rạp Tháng Tám nhưng chỉ có 8 người mua vé xem. Em rể ông đành phải trả lại tiền cho khán giả vì ít người xem quá.
Nhưng sau đó, Đời cát đã đoạt giải phim hay nhất ở Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 45 (năm 2000), được truyền thông nhắc đến thì nhiều rạp nhận chiếu phim này. Có những rạp phát hành đến 3 tháng vẫn có người xem. Rạp Tháng Tám đông người xem Đời cát đến nỗi xe phải gửi từ Hàng Bài đến Trần Hưng Đạo (Hà Nội).
"Việc Đào, phở và piano sốt vé, được phát hành khắp Việt Nam là tín hiệu vui cho các phim Nhà nước đặt hàng. Có lẽ, sắp tới sẽ có một cơ chế về quảng bá truyền thông rộng rãi hơn để các phim này được khán giả biết đến.
Nhưng phim cũng phải đảm bảo chất lượng để không bị "đứt đoạn" sự háo hức của khán giả với phim Nhà nước đặt hàng. Phim phải được đầu tư đồng bộ thì mới có hiệu ứng tốt nếu không sẽ là… trò chơi may rủi, hên xui, buồn bã của những phim làm xong rồi "đắp chiếu", ông Thanh Vân thẳng thắn.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì cho biết, bà từng biết đến phim Đào, phở và piano do quen biết với đạo diễn Phi Tiến Sơn chứ không phải qua truyền thông. Bà nói, có lẽ lâu lắm rồi, phim đặt hàng của Nhà nước như Đào, phở và piano mới có khán giả nô nức đi xem như vậy. Theo bà, các nhà làm phim từ ngân sách đã có ý thức để hướng tới thị trường, hướng tới thị hiếu khán giả.
"Thật đáng tiếc là phim không được quảng bá từ những ngày đầu, phim không có những xôn xao của khán giả mà "hữu xạ tự nhiên hương". Sau vụ này, có thể các đơn vị liên quan sẽ có những quy định, chế tài thông thoáng hơn cho việc quảng bá phim.
Ngày trước, có đạo diễn tự mang phim Nhà nước đặt hàng đi phát hành, giới thiệu ngay lập tức bị "thổi còi". Bởi vì thế, nhiều phim làm theo đơn đặt hàng xong là… "đắp chiếu". Cá nhân các đạo diễn muốn tự lực cánh sinh cũng khó vì gặp nhiều rào cản của các thủ tục hành chính", biên kịch Trịnh Thanh Nhã đồng quan điểm với NSND Thanh Vân.
Nói về việc phim Nhà nước không chú trọng đến việc truyền thông, quảng bá, đạo diễn Trần Chí Thành cho biết, khi giao phim về cho các đoàn, ở phần kinh phí dự toán có mục gọi là "Chi tài trợ phổ biến phim". Nhưng số tiền này không nhiều và thường để làm trailer, in pano và áp phích trong ngày ra mắt.
Ngay cả việc đoàn phim muốn thuê máy ảnh để chụp hậu trường phim từ A-Z cũng không đủ để trả phí. Vì thế, việc chụp ảnh là ê-kíp "tự xoay", mà đây là nghề tay trái nên anh em không tập trung, không có chuyên môn để làm.
"Phim Nhà nước đặt hàng chủ yếu là phim lịch sử, chiến tranh cách mạng, nêu cao tinh thần yêu nước… Như năm 2022, tôi và NSND Thanh Vân làm phim Bình minh đỏ, kể về đội nữ lái xe của tuyến đường Trường Sơn.
Làm xong chúng tôi cũng muốn phim ra rạp, nhưng chúng tôi không được phép phát hành vì vướng nhiều thủ tục. Phim không được tiếp cận khán giả vì không được quảng bá, phổ biến phim. Khán giả cứ nói phim đầu tư bao nhiêu tỉ mà lỗ nhưng không biết rằng, chúng tôi không được tự ý kinh doanh", đạo diễn Chí Thành tiết lộ.
Nam đạo diễn chia sẻ rằng, những phim Nhà nước đặt hàng thường để chiếu nội bộ xem vài lần, chiếu trong các ngày lễ lớn, đi dự các Liên hoan phim rồi có khi bị… quên lãng.
"Chúng tôi làm phim xong rất ngậm ngùi, luôn ước ao phim được quảng bá, đưa ra rạp. Nếu làm xong, phim bị "đắp chiếu" thì rất tiếc nuối. Vì làm phim bình thường vất vả 5 thì làm các phim lịch sử, chiến tranh sự khó khăn tăng lên 10 lần vì vừa phải hay, phải đúng. Bối cảnh cũng phải phục dựng rất cẩn thận nên tốn kém hơn nhiều", đạo diễn Chí Thành tâm sự.
Một biên kịch xin được giấu tên cũng tiết lộ rằng, ngoài những đạo diễn có tâm huyết, muốn quảng bá, phát hành phim chiếu tại rạp thì cũng có một số người có tâm lý ỷ lại. Họ làm xong phim Nhà nước đặt hàng thì nộp lại cho các cơ quan quản lý rồi "mũ ni che tai".
"Họ không mặn mà với việc đưa phim tới gần hơn với công chúng vì biết có muốn cũng khó thực hiện được. Có đoàn phim phải "co kéo" kinh phí để quảng bá nhưng không đủ đành ngậm ngùi.
Vì thế, thay vì chỉ trích, chúng ta hãy lên tiếng để có thể thay đổi các thủ tục hành chính, có tự do sáng tạo, quảng bá thì nghệ thuật mới phát triển được", biên kịch này cho hay.