"Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé vì sao doanh thu vẫn kém xa "Mai"?
(Dân trí) - Ra rạp vào ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết), tính đến 1/3, "Đào, phở và piano" thu được 10 tỷ đồng (theo Cục Điện ảnh) trong khi "Mai" của Trấn Thành cán mốc hơn 500 tỷ đồng (theo Box Office Việt Nam).
Sẽ là khập khiễng nếu đem hai tác phẩm này đặt lên bàn cân so sánh, vì mỗi phim mang nội dung và ý nghĩa khác nhau, truyền tải những thông điệp không giống nhau.
Cũng phải nói thêm rằng, 10 tỷ đồng doanh thu hiện tại của Đào, phở và piano (con số này sẽ không dừng lại khi phim rời rạp) là thành công đáng nể của một tác phẩm điện ảnh về lịch sử được làm từ ngân sách Nhà nước.
Từ thành công ban đầu này của phim, có thể thấy, khán giả không quay lưng với phim Nhà nước đặt hàng như nhiều định kiến vốn vẫn tồn tại từ trước tới nay. Đồng thời, đơn vị phát hành tư nhân vẫn sẵn sàng hợp tác với Nhà nước để phát hành và phổ biến các bộ phim có chất lượng.
Song, không ít người cảm thấy tiếc nuối và băn khoăn vì sao Đào, phở và piano tạo được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ chưa từng có và gây nên "cơn sốt phòng vé" mà doanh thu lại kém xa Mai đến như vậy?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc Đào, phở và piano không tạo ra doanh thu vượt trội, mặc dù gây sốt truyền thông, chính là khâu phát hành không được thực hiện tốt.
"Dù phim có sức hút lớn, nhưng việc không được truyền thông mạnh mẽ và hạn chế về kênh phát hành đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của khán giả rộng rãi.
Bộ phim được Nhà nước rót kinh phí và có mục tiêu không phải lợi nhuận, dẫn đến việc không tập trung vào chiến dịch truyền thông như các dự án khác. Hơn nữa, việc hạn chế suất chiếu tại nhiều cụm rạp cũng là một yếu tố góp phần vào kết quả doanh thu không như mong đợi", ông Long nói.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, vấn đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hành trong việc quyết định thành công về mặt thương mại của một bộ phim.
"Dù Đào, phở và piano sở hữu chất lượng nội dung và nghệ thuật cao, nhưng khâu phát hành không được chú trọng đã khiến bộ phim không thể tận dụng hết tiềm năng về doanh thu.
Trong khi đó, Mai và các bộ phim khác với chiến dịch truyền thông và phát hành rộng rãi hơn đã dễ dàng thu hút được lượng lớn khán giả đến rạp, từ đó tạo ra doanh thu cao hơn.
Điều này cho thấy, dù chất lượng nội dung là yếu tố quan trọng, nhưng khả năng tiếp cận khán giả qua việc phát hành và quảng cáo cũng đóng vai trò quyết định đến thành công thương mại của một bộ phim", ông Long cho hay.
Đồng quan điểm, chuyên gia, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt chia sẻ: "Theo tôi, số suất chiếu của Đào, phở và piano vẫn không nhiều so với Mai, chỉ ở mức vài trăm suất trong ngày.
Ngoài ra, giá vé của các cụm rạp chiếu Đào, phở và piano chỉ ở mức 50.000 đồng - 60.000 đồng trong khi các phim khác chiếu ở những rạp tư nhân hiện nay có mức giá dao động từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/vé tùy khung giờ, từ đó dẫn đến doanh thu của phim Đào, phở và piano dù là rất nhiều so với các phim Nhà nước đầu tư ngân sách từng chiếu trước đó nhưng vẫn rất nhỏ so với các phim khác của tư nhân".
Ông Nguyễn Phong Việt cũng cho rằng, nếu Đào, phở và piano được chiếu rộng rãi ở tất cả cụm rạp khác ở Việt Nam có lẽ mức độ doanh thu sẽ tốt hơn nhiều so với con số hơn 10 tỷ đồng mà chúng ta vừa được biết sau khoảng 20 ngày công chiếu chính thức.
Việc thiếu quảng bá, chưa có cơ chế cấp kinh phí cho việc phát hành, phổ biến tại các cụm rạp để phim đến được với đông đảo khán giả ở mọi tầng lớp, tạo doanh thu đóng góp cho công nghiệp điện ảnh lâu nay vẫn đang là khoảng trống khá lớn.
Điểm bất cập này từng được ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) xác nhận với phóng viên Dân trí khi được hỏi về quy trình phổ biến phim Đào, phở và piano trên toàn quốc: "Hiện nay, theo quy định của Nhà nước, Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho việc sản xuất phim thôi, còn chưa có quy định về tỷ lệ % khi phát hành, phổ biến phim Nhà nước đặt hàng 100%".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cũng cho hay, về trường hợp của Đào, phở và piano nên có thêm nhiều sự đổi mới về quy tắc sản xuất phim bằng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh chi phí làm phim phải có chi phí phát hành, nếu không có % chia cho các nhà rạp thì không thể đem phim đến với rộng rãi công chúng được.
"Nếu ai theo dõi điện ảnh, nhất là các bộ phim trên thế giới, đều có thể hiểu nhiều bên sản xuất chịu chi phí phát hành lớn, có thể lên tới 30% tổng kinh phí làm phim.
Nhưng nếu không có tiền quảng bá, các phim sẽ không thể được khán giả biết tới. Bởi vậy, quy chế về quảng bá, chia phần trăm cho các nhà rạp là vấn đề cấp thiết phải giải quyết hiện nay nếu chúng ta không muốn phim Nhà nước bị mang tiếng là "cất kho" và không thu được lợi nhuận gì", ông Hải nói thêm.
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng Công ty cổ phần phim Giải phóng - thẳng thắn bày tỏ, phim Nhà nước muốn phát triển, đến với công chúng và cao hơn nữa là đạt được doanh thu phải có tư duy, cách làm mới và cơ chế cần thay đổi. Theo ông, đã có kinh phí sản xuất thì phải có phần cho quảng cáo và phát hành.
"Phim Nhà nước phải đảm bảo được các yếu tố: Đáp ứng thị hiếu của khán giả, bảo đảm được công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị nhưng đồng thời làm sao có được doanh thu ít nhất là hồi vốn được cho Nhà nước, để nguồn đó tiếp tục phục vụ công tác sản xuất gọi là tái sản xuất.
Chúng ta muốn làm được điều đó thì không thể đi ngược lại với thị hiếu khán giả và quy luật của thị trường, không thể đi ngược lại với các yếu tố xã hội hóa hiện nay", Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phim Giải phóng nhấn mạnh.
Bàn về chất lượng của phim Đào, phở và piano nói riêng và phim lịch sử được làm từ ngân sách Nhà nước nói chung, đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang cho rằng, phim Nhà nước đặt hàng đang tồn tại "vướng mắc chồng vướng mắc".
Theo nữ đạo diễn phim Thung lũng hoang vắng, khi phim không thể thu hồi vốn thì điện ảnh Nhà nước luôn trong tình trạng thiếu tiền. Bộ Tài chính hàng năm chỉ cấp kinh phí rất nhỏ cho phim.
"Làm phim lịch sử với kinh phí 20 tỷ thì nói là to nhưng nhìn ra bên ngoài mới thấy, một bộ phim như thế phải có kinh phí 50 tỷ thậm chí là hơn 50 tỷ. Và những nhà làm phim Nhà nước luôn chỉ làm được 1/3 so với phim lịch sử yêu cầu, nên cách làm phim nhiều khi cũng nghèo nàn, không thể hoành tráng được", NSND Nhuệ Giang bộc bạch.
Chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho hay, để nâng cao chất lượng phim Nhà nước đầu tư như chúng ta từng nhìn thấy hiệu ứng của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thì câu chuyện cũng cần giải quyết rất nhiều khâu.
Đặc biệt là chúng ta cũng hiểu với những người giỏi và cá tính sáng tạo mạnh, họ thích chủ động với việc phát triển dự án phim thay vì phải phụ thuộc vào những quy trình về việc giải ngân tiền Nhà nước rất phức tạp, các đòi hỏi về thông điệp và yêu cầu nội dung phim…
"Do đó, trong tương lai gần, để làm ra những bộ phim Nhà nước đầu tư mà hay, có lẽ phải nghĩ đến việc lập một quỹ văn hóa điện ảnh, tài trợ cho các tài năng trẻ ra nước ngoài học.
Sau đó, có những cam kết khi tốt nghiệp trở về để họ hợp tác làm các phim Nhà nước đầu tư với số lượng phim hoặc thời gian làm phim phù hợp. Khả dĩ đó là cách tốt nhất vào thời điểm này nếu chúng ta nghĩ đến tương lai gần sẽ có những bộ phim Nhà nước đầu tư sản xuất tạo được tiếng vang và sự hấp dẫn với khán giả để họ mua vé ra rạp xem, tạo doanh thu từ đó phát triển điện ảnh", ông Việt chia sẻ.