Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: “Điện ảnh Việt Nam thiếu mỗi... tài năng”

(Dân trí) - Món nợ lịch sử của điện ảnh Việt đã được tranh luận cả chục năm nay. Thẳng thắn nhìn nhận, phim Việt đã có sự tìm tòi trong những đề tài lịch sử. Tuy nhiên, sự bế tắc vẫn thấy ở nhiều dự án. Món nợ lịch sử của điện ảnh Việt vẫn quá lớn!

Điển hình, bộ phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ được đầu tư 56 tỷ đồng mừng Đại lễ Ngàn năm Thăng Long hiện vẫn nằm đắp chiếu. Bộ phim Đường tới thành Thăng Long ngay sau khi hoàn tất đã bị cấm phát sóng vì giống phim Trung Quốc...

Xung quanh câu chuyện về phim lịch sử, cách thức đầu tư và nhìn nhận về lịch sử của các nhà làm phim, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn- NSƯT Nguyễn Hữu Phần. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vừa triển khai dự án chuyển thể những tác phẩm văn học giai đoạn 1930-1945 như Số đỏ, Tuổi thơ dữ dội, Bỉ vỏ, Tắt đèn... lên phim.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Xưa nay phim lịch sử của chúng ta vẫn yếu, kém về mọi mặt. Các nhà làm phim cho rằng, chúng ta thiếu kịch bản hay, chúng ta thiếu tiền, chúng ta không có trường quay... Theo ông, bản chất câu chuyện về phim lịch sử nằm ở đâu?

Điện ảnh Việt Nam lâu nay làm phim lịch sử chủ yếu theo mùa vụ, hay còn gọi là “cúng giỗ”. Nghĩa là, cứ sắp đến dịp kỷ niệm sinh nhật một nhân vật lịch sử nào đó, sắp kỷ niệm một sự kiện lịch sử nào đó, chúng ta lại cập rập triển khai một dự án phim, với mục đích chính là minh họa, tưởng nhớ, theo cách thức vội vã.

Không chỉ làm vội vã, phim lịch sử của chúng ta còn bị rập khuôn, khô cứng. Ví dụ, nếu làm về nhân vật lịch sử Lý Công Uẩn, chắc chắn phải nhắc đến chuyện Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, nếu làm về Quang Trung nhất định phải là anh hùng áo vải, tặng hoa đào cho Ngọc Hân... Nghĩa là, chúng ta đang làm phim mang tính minh họa. Những gì đọc được, nghe được trong lịch sử, lập tức đưa lên phim, và lúc nào cũng chăm chăm phải làm sao để nhân vật ấy, cuộc chiến ấy giống hệt như đã... nghe kể.

Phim lịch sử Việt Nam bao nhiêu năm nay vẫn không thể có được sự bứt phá. Chưa có bộ phim lịch sử nào dám làm theo quan điểm riêng của người nghệ sỹ về lịch sử.

Tần Thủy Hoàng là một vị hoàng đế tàn ác của Trung Hoa, nhưng có rất nhiều nhà làm phim khai thác theo cách riêng khác nhau. Mỗi bộ phim là cái nhìn riêng biệt của cá nhân đạo diễn về Tần Thủy Hoàng. Có đạo diễn xây dựng hình ảnh ông ấy tàn ác, có người lại ngợi ca sự tài trí mưu lược, có người lại xem ông ấy như một người hùng. Điều đó, điện ảnh Việt Nam chưa có được!

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần


Vì sao? Vì sao chúng ta chưa dám làm phim lịch sử theo quan điểm riêng của nghệ sỹ? Vì sợ kịch bản không được duyệt, hay vì không đủ... tài năng?

Vì nhiều lý do. Tôi đơn cử, trước khi trở thành Anh hùng áo vải của dân tộc, Quang Trung lúc ấy là Nguyễn Huệ đã cùng với anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ là những... thảo khấu. Ở Việt Nam, ai dám làm phim về Quang Trung là... thảo khấu?

Lý do khác, những nhà làm phim của chúng ta lười nhác. Chúng ta lười tư duy, lười sáng tạo. Chúng ta đã quen phản ánh lịch sử theo một định đề cho trước. Các nhà làm phim Việt Nam đã quen đi theo một lối mòn dễ dãi, dựa dẫm vào những tài liệu đã có để lên kịch bản.

Chúng ta không thể sáng tạo được, hình như, chúng ta sợ sáng tạo.

Tôi đã xem bộ phim Giải cứu binh nhì Ryan của điện ảnh Mỹ, tôi rất xúc động. Tôi xúc động với câu chuyện của họ, câu chuyện của những người lính, những người bạn hy sinh vì nhau. Tôi hoàn toàn không để ý xem đó là trận chiến nào, có chính xác như trong lịch sử không, có bao nhiêu người chết, vũ khí sử dụng là gì, quân phục phải ra sao... Họ đã có một câu chuyện đủ ấn tượng, đủ hay để Giải cứu binh nhì Ryan trở thành bộ phim xuất sắc.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng ông nhắc tới Giải cứu binh nhì Ryan khiến tôi nhớ đến bộ phim chiến tranh mới nhất của Việt Nam, phim Mùi cỏ cháy. Khi xem bộ phim này, nhiều người đã đặt câu hỏi, tại sao với trận chiến lịch sử bi hùng 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị đẫm máu, đẫm nước mắt, đẫm giai thoại như thế, mà các nhà làm phim Việt Nam bất lực?

Tôi đã xem Mùi cỏ cháy. Bộ phim có tái hiện được phần nào bối cảnh lịch sử những năm 1971, 1972, những sinh viên đại học xung phong lên đường tham gia trận chiến ở Quảng Trị. Quả thật, bộ phim chưa khiến tôi xúc động với câu chuyện về một thế hệ, khiến tôi chưa thể bị ám ảnh với những con người, với những nhân vật, đã sống và đã chết như thế. Lẽ ra, sự ám ảnh ấy phải có.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần


Có hai cách để tiếp cận đề tài lịch sử. Cách thứ nhất là sản xuất một bộ phim dã sử. Phim chỉ lấy bối cảnh lịch sử, nhưng câu chuyện của phim được viết theo giai thoại, theo cảm nhận của cá nhân người làm phim, có thể bịa đặt, thêm thắt. Cách thứ hai, sản xuất một bộ phim lịch sử. Như ông nói là “nhất nhất” bám vào tư liệu lịch sử làm sao cho thật đúng, thật chính xác... Cách nào sẽ giúp được điện ảnh Việt trả được món nợ lịch sử với khán giả, theo ông?

Trở lại với câu chuyện về tư liệu lịch sử. Thật ra, chúng ta có rất ít tư liệu. Ví dụ bây giờ muốn làm một bộ phim về triều Trần, chúng tôi không biết dựa vào cái gì, không biết dựa vào ai, chúng tôi không có “chất liệu” để làm. Mỗi nhà nghiên cứu viết một cách. Không có ai khẳng định được rõ ràng, chính xác về việc thời ấy họ mặc gì, trang phục thiết kế ra sao, họa tiết thế nào, bối cảnh hoàng cung, nhà cửa, kiến trúc thời đó... Tất cả đều thiếu, đều là giai thoại, đều không ai chứng thực được rõ ràng, cụ thể.

Vì thế, bao nhiêu năm nay, cứ làm vua Lý Công Uẩn là chỉ xoay quanh chuyện dời đô, làm về Quang Trung là anh hùng áo vải tặng cành đào cho công chúa Ngọc Hân... Những câu chuyện đã quá cũ, ai cũng nghe nói rồi, ai cũng đọc rồi, họ cần gì một bộ phim minh họa cho những điều ấy nữa?

Đã đến lúc, chúng ta không nên nhìn lịch sử một cách khô cứng, khuôn sáo như thế nữa. Hãy tìm một lối thoát khác. Hãy làm những bộ phim theo quan điểm cá nhân, những câu chuyện dã sử, hãy làm phim về những nhân vật lịch sử theo cảm nhận của nhà làm phim.

Thế giới họ làm Dũng sĩ giác đấu, Nữ hoàng Cleopatra... Có ai quan tâm đến độ xác thực của lịch sử đâu? Bộ phim hấp dẫn vì câu chuyện của nó, vì bối cảnh của nó, vì những nhân vật lịch sử của họ đã được xây dựng một cách oai hùng, đầy chất huyền thoại.

Nghĩa là, điện ảnh chúng ta thiếu những câu chuyện hay, thiếu một cách kể chuyện hay để làm nên sức sống cho lịch sử.... Điều đó không nằm ở máy móc, không nằm ở tiền, mà nằm ở tư duy. Ông có nghĩ như vậy?

Phim lịch sử muốn hay, muốn hấp dẫn, thu hút người xem, cần những nhà làm phim có cách làm mới, độc đáo, lạ, và biết biểu đạt những cái lạ, độc đáo, sáng tạo lên màn ảnh. Sự sáng tạo, độc đáo chỉ đến từ... Tài Năng. Nhưng, Tài Năng lại là thứ mà chúng ta thiếu nhất. Luôn thiếu. Từ xưa đến nay.

 
 
Hiền Hương