Cuộc sống người Mông tươi đẹp trên phim

(Dân trí) - Năm 2005, khi bộ phim truyện điện ảnh “Chuyện của Pao” ra mắt và đoạt giải Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, khán giả Hà Nội bị “choáng ngợp” trước cảnh sắc hùng vĩ, tươi đẹp ở Sủng Là (Hà Giang) và cuộc sống đầy màu sắc của người Mông trên phim.

Bộ phim ''Chuyện của Pao'' sản xuất năm 2004 được chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn ''Tiếng đàn môi sau bờ rào đá'' của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Câu chuyện xoay quanh cuộc hành trình tìm kiếm mẹ đẻ của một cô gái Mông- tên Pao. ''Chuyện của Pao'' đề cập trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt và đời sống tâm lý, tình cảm của người Mông. Phim lấy bối cảnh tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Cuộc sống người Mông tươi đẹp trên phim

Sau quãng thời gian hơn 2 tháng ''đóng đô'' tại Hà Giang, đi qua những thắng cảnh ''đẹp như mơ'' của tỉnh Đông Bắc địa đầu Tổ quốc, đạo diễn Ngô Quang Hải từng chia sẻ, ''Tôi biết Hà Giang đẹp, nhưng đẹp đến mức như những gì tôi vừa được chiêm ngưỡng, tận ngắm vẫn khiến tôi bất ngờ. Hà Giang tuyệt đẹp!''.

''Chuyện của Pao'' với những thước phim đại cảnh đẹp lộng lẫy từng khiến khán giả cả nước ''choáng ngợp'' trước từng mái nhà, từng bờ rào đá, từng thửa ruộng bậc thang, từng vườn cải trổ vàng... ở Đồng Văn.

Để vào vai cô Pao- một cô gái Mông tươi trẻ, đầy sức sống, nữ diễn viên Đỗ Hải Yến đã lên sống cùng đồng bào Mông một thời gian dài, phải đi gùi ngô, kiếm củi, vác củi xuống chợ bán như một cô gái Mông thực thụ.

''Chuyện của Pao'' ngay khi ra mắt đã đoạt giải Cánh Diều Vàng ở các hạng mục giải thưởng dành cho diễn viên, phim, và đặc biệt giải cho ''Đạo diễn hình ảnh xuất sắc''. Trong ''Chuyện của Pao'', Đồng Văn vừa tươi đẹp, lộng lẫy, vừa gần gũi, giản dị; Vừa nên thơ vừa u buồn; Vừa lãng mạn vừa vất vả.

Sau thành công của bộ phim ''Chuyện của Pao'', xã nghèo Sủng Là bắt đầu manh nha làm du lịch cộng đồng. Gia đình đầu tiên làm thí điểm ''du lịch cộng đồng'' là anh công an viên Mùa Mí Mua, người dân tộc Mông ở thôn Lũng Cẩm Trên. Đặc biệt, ngôi nhà từng được chọn làm bối cảnh trong phim ''Chuyện của Pao'' đã trở thành địa điểm đắt khách du lịch.

Những phong tục tập quán trong đời sống người Mông cũng được quan tâm, chú ý và bà con đã biết đầu tư cho du lịch nhiều hơn sau bộ phim ''Chuyện của Pao''.

Năm 2013, bộ phim ''Và anh sẽ trở lại'' của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ cũng khai thác chất liệu từ cuộc sống của người Mông. Bộ phim chọn bối cảnh ở Mộc Châu, Sơn La. Câu chuyện phim quay quanh những mối tình ngang trái với khách du lịch ngoại quốc của những cô gái Mông. Khi du lịch phát triển, khách nước ngoài đến với Tây Bắc càng nhiều, những mối tình ''chớp nhoáng'' giữa những chàng trai ngoại quốc và những cô gái Mông xinh đẹp cũng bắt đầu nẩy nở. Hệ lụy đằng sau những mối tình ''chớp nhoáng'' là khôn kể, nhưng, các nhà làm phim vẫn tin tưởng vào tình yêu đích thực rồi đây sẽ khẳng định được giá trị của mình.

Cuộc sống người Mông tươi đẹp trên phim

''Và anh sẽ trở lại'' ca ngợi vẻ đẹp thuần khiết của những cô gái Mông, ca ngợi tình yêu trong sáng, không vụ lợi, ca ngợi cuộc sống giản dị, tảo tần của người Mông. ''Và anh sẽ trở lại'' với những thước phim đẹp đã tái hiện đời sống sinh hoạt đầy màu sắc của người Mông ở Mộc Châu, Sơn La.

Cuộc sống người Mông tươi đẹp trên phim

Khi phim ra rạp, các nhà làm phim đã chia sẻ, ''Cuộc sống ở Tây Bắc, Đông Bắc vô cùng đặc sắc. Đời sống của bà con dân tộc Mông mình có rất nhiều câu chuyện để kể. Chúng tôi bị mê hoặc bởi những câu chuyện ở đây''.

Khán giả hy vọng, sẽ có nhiều hơn những bộ phim về cuộc sống sau núi cao, cuộc sống ở nơi cheo leo trên những thửa ruộng bậc thang, réo rắt tiếng đàn môi, sặc sỡ những chiếc váy thổ cẩm... Để từ đây, du lịch ở Tây Bắc, Đông Bắc được đầu tư phát triển hơn.

Cuộc sống người Mông tươi đẹp trên phim

Và hơn thế, để tất cả chúng ta, để cả thế giới được biết hơn, hiểu hơn về cuộc sống đầy sắc màu, đầy sự bí ẩn trên núi cao, đằng sau những ''tiếng đàn môi sau bờ rào đá''.

 
Hào Hoa