Cục Di sản nói gì về công trình siêu “khủng” không phép trong di sản Tràng An?

(Dân trí) - Đại diện Cục Di sản - Bộ VHTT&DL cho rằng, Cục đã nắm được thông tin về công trình xây dựng ở vùng lõi di sản Tràng An và đang chờ Ninh Bình báo cáo để có phương án xử lý cụ thể.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTT&DL) cho biết, phía Cục Di sản đã nắm được thông tin về công trình xây dựng trong vùng lõi Di sản Tràng An qua truyền thông. Và hiện Cục đã có công văn đề nghị tỉnh Ninh Bình báo cáo.

“Nếu đúng là công trình đường lên đỉnh núi Huyền Vũ (núi Cái Hạ) do Công ty CP du lịch Tràng An xây dựng trong phạm vi vùng lõi di sản Tràng An là di sản đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 2014 thì rõ ràng đã vi phạm Luật Di sản. Và để có đầy đủ thông tin hơn, Cục Di sản đã đề nghị Bộ VHTT&DL đánh công văn cho tỉnh Ninh Bình để có báo cáo cụ thể về việc này.


Công trình siêu khủng được xây dựng trong 6 tháng trời ở vùng lõi di sản Tràng An mà không bị tuýt còi. Ảnh: Thái Bá.

Công trình siêu "khủng" được xây dựng trong 6 tháng trời ở vùng lõi di sản Tràng An mà không bị tuýt còi. Ảnh: Thái Bá.

Thông thường, những việc như thế này, sau khi có báo cáo từ địa phương, Bộ sẽ cho thành lập đoàn Thanh tra xuống tận nơi kiểm tra cụ thể và cùng phối hợp với các đơn vị liên quan để đưa ra phương án xử lí”, ông Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Trước câu hỏi “Vì sao một công trình đồ sộ được xây dựng ngay vùng lõi di sản nổi tiếng như Tràng An trong thời gian khá dài mà đến bây giờ Cục Di sản mới nắm được?”, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, việc này phải có thanh tra và xác minh cụ thể rồi mới trả lời báo chí được.

GS Trần Lâm Biền – Nhà nghiên cứu Văn hoá – Di sản bày tỏ, ông chưa nắm được cụ thể về công trình xây dựng ở Tràng An. Tuy nhiên, nếu đúng là công trình này xây dựng ở vùng lõi đã có quy định cụ thể trong Luật Di sản thì đó là hành động phạm luật – phạm pháp.

“Những di sản đã được UNESCO công nhận không thể dễ dàng xây dựng được. Những công trình xây dựng không nằm trong ý thức tôn tạo và không được cấp phép là đều vi phạm pháp luật. Nếu công trình này vẫn có thể được xây dựng trong vùng lõi di sản với quy mô đồ sộ và thời gian kéo dài cho đến khi đưa vào hoạt động mà không bị làm sao cả chứng tỏ đã có sự “chống lưng”. Vì có “chống lưng” nên một công trình như thế mới ngang nhiên tồn tại mà không hề hấn gì. Đó là mầm mống của sự tiêu cực dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng về mặt luật pháp trong lĩnh vực di sản nói riêng và nhiều lĩnh vực khác nói chung”, GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

Theo GS Trần Lâm Biền, đối với những vi phạm như thế này, việc phá bỏ để trả lại nguyên hiện trạng cho di sản là đương nhiên nhưng cũng cần phải có những biện pháp kỷ luật để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Như Dân trí đã đưa tin, từ nhiều tháng qua, ngay trong vùng lõi di sản Tràng An, một công trình “khủng” với quy mô lớn đã ngang nhiên mọc lên không phép. Theo đó, tại khu du lịch Tràng An cổ (xã Trường Yên), Công ty CP du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc (người dân địa phương) đã tự ý khoan núi Cái Hạ dựng cột bê tông, xây bậc thang lên xuống đỉnh núi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Công trình dù chưa hoàn thiện nhưng đã đi vào hoạt động. Ảnh: Thái Bá.
Công trình dù chưa hoàn thiện nhưng đã đi vào hoạt động. Ảnh: Thái Bá.

Theo tìm hiểu, công trình “khủng” được Công ty CP du lịch Tràng An xây dựng (đơn vị khai thác khu du lịch Tràng An cổ) từ tháng 8/2017. Trong vòng khoảng 6 tháng xây dựng, dự án được công ty gọi là đường lên đỉnh Huyền Vũ – nơi vua lập đàn kính thiên, hoàn thành và đưa vào khai thác từ Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay.

Công trình đường lên đàn kính thiên trên đỉnh núi Huyền Vũ (núi Cái Hạ) được doanh nghiệp xây dựng với quy mô lớn, hàng trăm cột bê tông được khoan, dựng trên đá tai mèo, hơn 2.000 bậc thang, hệ thống lan can, được lắp đặt với chiều dài toàn bộ con đường lên xuống là hơn 1km.

Không chỉ hàng chục tấn bê tông, cốt thép vận chuyển đến xây dựng bậc thang lên xuống làm phá vỡ cảnh quan của khu vực núi Cái Hạ (vũng lõi di sản), Công ty CP du lịch Tràng An còn tự ý xây dựng nhiều hạng mục liên quan đến “đường lên đàn kính thiên” này như: nhà vệ sinh, đền thờ, cầu… Việc làm này đã xâm hại nghiêm trọng đến Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới duy nhất ở Việt Nam.

Ngày 23/6/2014, tại Doha với sự đồng thuận tuyệt đối của Ủy ban Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tràng An hiện cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong quy hoạch phát triển du lịch tại Việt Nam, Tràng An cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.

Tràng An nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư với các huyện Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình. Về mặt hành chính, vùng lõi Tràng An nằm trên 12 xã: Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh Thắng (Hoa Lư); Ninh Nhất, Ninh Tiến (TP. Ninh Bình) Gia Sinh (Gia Viễn); Yên Sơn (Tam Điệp) và Sơn Hà, Sơn Lai, (Nho Quan).

Vùng lõi Tràng An có diện tích hơn 6.172 ha, chủ yếu thuộc 2 xã Trường Yên và Ninh Hải (huyện Hoa Lư) là vùng bảo vệ đặc biệt của danh thắng. Vùng bảo vệ đặc biệt này nằm trọn trong quy hoạch khu du lịch Tràng An với diện tích 12.252 ha.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là công trình vi phạm Luật Di sản một cách trắng trợ. Ảnh: Thái Bá.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là công trình vi phạm Luật Di sản một cách trắng trợ. Ảnh: Thái Bá.

Theo quy định về quản lý xây dựng trong vùng bảo vệ quần thể danh thắng Tràng An thì đối với Khu vực bảo vệ I (vùng lõi), vùng bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm: khu vực rừng đặc dụng Hoa Lư (gồm toàn bộ hệ thống núi đá và các thung lũng nằm trong núi đá), khu vực di tích Cố đô Hoa Lư (gồm toàn bộ hệ thống núi đá và khu vực phía trong các di tích đã được kiểm kê, xếp hạng), khu vực danh lam thắng cảnh Tràng An – Tam Cốc – Bích Động (gồm toàn bộ hệ thống núi đá; khu vực thung Đền Trần; khu vực phía trong các di tích, danh thắng đã được kiểm kê, xếp hạng; khu vực các hang, động khảo cổ).

Luật quy định phải được giữ nguyên trạng, nghiêm cấm mọi hành vi xây dựng công trình trong phạm vi Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Trường hợp đặc biệt, cần thiết phải trùng tu, tôn tạo hoặc xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích; việc xây dựng phải được sự chấp thuận bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định và điều ước Quốc tế có liên quan.

Hà Tùng Long