Cô gái làm công việc thử quần áo cho người chết
(Dân trí) - Theo đuổi công việc "người mẫu vải liệm" bán thời gian, cô gái trẻ mong muốn giúp các gia đình lựa chọn trang phục cho người thân đã khuất, thể hiện sự tôn trọng với những người vừa qua đời.
Fang Fang (30 tuổi, quê ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc) hiện đang làm hộ tang. Công việc của cô là thử tất cả các loại quần áo được thiết kế cho người chết, từ trang phục truyền thống cho đến những bộ đồ hiện đại.
Với người Trung Quốc, có hai loại trang phục quan trọng cần được chú ý là đồ mặc trong ngày cưới và đồ mặc khi lìa đời. Khi theo đuổi công việc này, Fang đã giúp các gia đình lựa chọn trang phục cho người thân đã khuất, phần nào an ủi nỗi buồn với họ. Cô gái trẻ cũng cho rằng, đây là công việc thể hiện sự tôn trọng với người đã rời bỏ dương thế.
"Nhiều khách đến cửa hàng tang lễ không dám chạm vào quần áo bởi họ coi đó là điều cấm kỵ. Bởi vậy họ cần đến những người như tôi để có thể giúp họ thử trang phục xem có phù hợp với người thân đã khuất hay không, nếu trang phục có lỗi nào đó thì sẽ kịp thời xử lý", Fang nói.
Trong khi nhiều người chấp nhận làm công việc này vì không muốn thất nghiệp nhưng Fang xác định đây là con đường mình theo đuổi ngay từ khi cô tốt nghiệp ngành quản lý nghĩa trang năm 2013.
Hàng ngày, công việc của Fang là làm sạch cơ thể, trang điểm và mặc đồ cho người chết. Cô cảm thấy hạnh phúc khi có thể giúp người đã khuất rời xa nhân gian một cách thanh thản, phần nào tạo ra sự an ủi, đồng cảm với gia đình họ.
Ngoài những công việc trên, Fang còn đảm nhiệm thêm vai trò thử trang phục cho người đã khuất. Tuy nhiên việc làm của cô cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng Fang bỏ ngoài tai tất cả, luôn cảm thấy hài lòng và yêu mến, trân trọng nghề mà mình đã chọn.
Người Trung Quốc cho rằng, tiếp xúc với cái chết sẽ mang lại nhiều điều xui xẻo. Thậm chí bạn học cũ của Fang cũng rất ngạc nhiên khi biết về nghề nghiệp hiện tại của cô. Fang thừa nhận, thời gian đầu theo đuổi công việc, cô rất lo lắng và có chút sợ hãi. Nhưng khi kỹ năng đã thành thục hơn, cô gái trẻ đã tự tin và yên tâm.
Trong nhiều năm theo nghề, Fang đã chứng kiến cái chết dưới đủ hình thức. Với cô, điều ám ảnh nhất là khi chứng kiến những đứa trẻ mất bố mẹ hoặc bố mẹ làm tang lễ cho con cái.
Những năm gần đây, định kiến của người Trung Quốc đối với người làm hộ tang đã giảm đi rất nhiều, một phần do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ở đất nước tỷ dân.
Số người chết hàng năm ở nước này liên tục tăng kéo theo dịch vụ tang lễ cũng phát triển. Theo công ty nghiên cứu thị trường Qianzhan, tổng doanh thu ngành này từ 139,5 tỷ nhân dân tệ năm 2013 đã tăng lên 263,8 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020.
Bên cạnh đó, ngành dịch vụ tang lễ cũng có nhiều đổi mới. So với các nghi lễ truyền thống, những người hộ tang trẻ thường tạo ra những cuộc chia ly riêng tư, tình cảm hơn cho gia đình và người đã khuất.
"Ví dụ, thay vì sử dụng nhạc đám tang truyền thống, các gia đình giờ đây được khuyến khích chọn loại nhạc mà người đã mất từng yêu thích. Điều này khiến tang lễ ấm áp hơn, bớt cảm giác lạnh lẽo, buồn bã", Fang chia sẻ.
Bên cạnh những ý kiến trái chiều, công việc hộ tang của Fang cũng nhận được nhiều sự ủng hộ. Một cư dân mạng tên là Luo Liang chia sẻ: "Nhờ những người làm nghề như Fang mà chúng tôi thêm trân trọng cuộc sống và yêu gia đình hơn. Việc làm của cô ấy khiến người còn sống học được cách trân quý những gì mình đang có".
Năm ngoái, một nữ hộ tang tên Ren Sainan cũng thu hút đông đảo sự chú ý vì thiết kế và làm người mẫu quảng cáo quần áo cho người chết. Trong một video, Ren kêu gọi cộng đồng đối xử với công việc của cô "một cách hợp lý" và "ngừng coi tôi như dịch bệnh".
Còn Fang, cô chỉ mong muốn giúp đỡ mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn trong đời khi chứng kiến người thân mình không còn tồn tại nữa.