Cô gái Đồng Tháp "bỏ phố về quê" trồng nấm, thu chục triệu đồng mỗi tháng
(Dân trí) - Vượt qua định kiến "về quê là thật nghiệp", Vân khởi nghiệp thành công với nấm sạch, mỗi tháng cô bán ra thị trường khoảng 2000-3000 bịch giống, đem về doanh thu khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học An Giang, Phạm Thị Phước Vân (25 tuổi, quê Đồng Tháp) đã có cho mình một công việc ổn định tại thành phố Sa Đéc.
Tuy nhiên, sau 2 năm làm việc, cô cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống nơi đô thị và không thể biến mọi thứ tốt đẹp lên như trong tưởng tượng và suy nghĩ. Vân quyết định nghỉ việc để về quê ở Tân Phú Trung (huyện Châu Thành, Đồng Tháp), khởi nghiệp với ý tưởng trồng nấm sạch.
"Thời điểm đó, ngoài những kiến thức có được về nấm khi học trong trường thì lý do đơn giản mà mình chọn nấm vì bản thân rất thích ăn nấm, và muốn giúp người nông dân có thêm mô hình nông nghiệp mới, tận dụng phế phẩm nông sản", Vân nói về quyết định khởi nghiệp của mình.
Ngay sau khi quyết định nghỉ việc, Vân chia sẻ, cô phải đối mặt với áp lực khủng khiếp vì vừa phải đấu tranh tâm lý với chính mình, vừa phải đấu tranh giữa được và mất. Bên cạnh đó, định kiến "về quê là thất nghiệp" đến từ phía hàng xóm, người quen luôn bủa vây khiến cô gái 25 tuổi buồn bã suốt một thời gian dài.
25 tuổi vốn liếng không có gì ngoài 2 năm kinh nghiệm, 4 năm lý thuyết trên giảng đường, không có nhiều vốn trong tay, Vân phải "gọi vốn" từ ba mẹ, anh chị trong nhà để đầu tư máy móc và nguyên vật liệu. May mắn, cô đều được mọi người ủng hộ từ vật chất đến tinh thần.
Vân chia sẻ, khi mới bắt tay vào khởi nghiệp cô chọn "kim chỉ nam" là việc làm đó phải có ích cho xã hội; Công việc khiến mình vui sướng, thoải mái; Làm ra tiền, không quá nhiều nhưng đủ sống qua ngày.
Lấy đó làm mục tiêu và động lực để phấn đấu mỗi ngày, Vân đã dành nhiều ngày nghiên cứu, thử nghiệm, hoàn thiện và dần đưa ra được phôi nấm chất lượng nhất để giúp mọi người có thể dễ dàng tự tay trồng được nấm tại nhà, vừa tiết kiệm chi phí và vừa đảm bảo an toàn.
Cô lựa chọn nghiên cứu các phôi nấm dễ trồng, ngắn ngày như: nấm bào ngư xám ngắn ngày, nấm Hồng Ngọc, nấm Hoàng Kim. Trên trang cá nhân của mình, cô thường xuyên chia sẻ cách trồng, chăm sóc nấm chi tiết và chế biến các món ăn từ nấm để mọi người tham khảo.
Từ bỏ đô thị tấp nập để về với làng quê, Vân không chỉ thay đổi từ điểm sống này tới điểm sống khác, mà là từ bỏ một lối sống quen và bắt nhịp bản thân vào lối sống mới. Điều này đồng nghĩa, bên cạnh những cái "được", Vân cũng phải đối diện với muôn vàn khó khăn.
Những mẻ phôi nấm đầu tiên, cô làm rất tỉ mỉ và cẩn thận từ những chi tiết nhỏ nhất bằng cả tâm huyết và năng lượng. Nhưng kết quả không như mong đợi, sản phẩm bị lỗi hơn 50% nên bị lỗ.
Sau đó, cô gái 9X ngồi xem xét lại và tìm hiểu các lý do, khắc phục, lần thứ 2 số phôi hỏng đã giảm, lần thứ 3 cũng tiến bộ hơn, rồi lần thứ 4, thứ 5,… Tiền vốn cạn, Vân phải bán bớt "tài sản" tâm huyết và yêu thích nhất của mình là những giò hoa lan đã sưu tầm trước đó. Kiên trì theo đuổi mục tiêu, dần dần Vân đã làm tốt hơn và số phôi hỏng nằm trong mức cho phép.
Hiện tại, Vân chủ yếu sản xuất giống nấm và cung cấp cho các trang trại, còn dư thì bán lẻ cho khách về trồng tại nhà. Trung bình, mỗi tháng 9X sản xuất khoảng 2000-3000 bịch giống đem về doanh thu khoảng 40 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cô gái Đồng Tháp còn mở các khóa học hướng dẫn online trồng nấm tại nhà trong mùa dịch và bán nấm tươi.
Sau nửa năm về quê khởi nghiệp, thu nhập của Vân cao hơn thời gian đi làm ở công ty, công việc chủ động được thời gian và đặc biệt là thỏa mãn với đam mê.
"Từng bước, mình đã chứng minh được cho gia đình thấy sự lựa chọn của mình đúng đắn. Mình cũng học được nhiều kinh nghiệm quý báu trong mảng kinh doanh, thị trường", Cô gái Đồng Tháp trải lòng.
Chia sẻ về một số dự định trong thời gian tới, Vân cho biết, cô sẽ hoàn thiện quy trình trồng các loại nấm, sau đó kết hợp với nông dân để nhân rộng mô hình trồng nấm, kết hợp bao tiêu, phát triển kênh bán hàng. Ngoài ra, cô gái trẻ vẫn tiếp tục mở lớp online chia sẻ cách trồng nấm cho các những ai muốn học nghề, khi đủ điều kiện sẽ đầu tư thêm máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất giống nấm.