Chuyện về nhạc sĩ Thanh Tùng “đào hoa” và 2 ca khúc để đời tặng vợ
(Dân trí) - “Một mình” và “Hoa cúc vàng” là hai ca khúc ông viết cho vợ. Một được ông viết khi thấm đến tận cùng nỗi cô đơn khi không còn người bạn đời bên cạnh. Một ông viết khi nhìn thấy bà hiện về trong một giấc mơ. Cả hai bài đều những bài “đỉnh cao” trong sự nghiệp âm nhạc của ông.
Nhiều bóng hồng nhưng vẫn cô đơn
Lúc sinh thời, nhạc sỹ Thanh Tùng nổi tiếng là người đào hoa, đa tình và tài ba. Vì lẽ đó, cuộc đời của ông tràn ngập các bóng hồng từ Nam ra Bắc. Và đó cũng là lý do mà khi nói đến âm nhạc của ông, người ta thường nhắc đến những “nàng thơ”. Họ chính là ngọn nguồn cảm hứng, là căn nguyên nỗi buồn vui và là chất xúc tác cho sự thăng hoa khiến ông phải cầm bút lên để viết.
Chính ông từng nhiều lần nhắc đến họ. Những cái tên: Ngọc Bích, Ngọc Thúy, Tôn Nữ Minh Tâm… là “nguyên cớ” cho những “Chuyện tình của biển", "Giọt nắng bên thềm", "Phố biển", "Hát với chú ve con", "Hoa tím ngoài sân", "Lời tỏ tình của mùa Xuân", "Trái tim không ngủ yên"... ra đời đã được ông kể lại trong những lần trà dư tửu hậu cùng bè bạn.
Nhạc sĩ Thanh Tùng cũng từng thú nhận: "Tôi nói với bạn tôi, con đường âm nhạc của tôi đầy ắp tình yêu, chỉ tình yêu thôi. Nhân vật trong ca khúc của tôi bao giờ cũng là người phụ nữ, và đúng là có nhiều nhân vật lắm".
Nói là vậy nhưng thực tế thì Thanh Tùng chưa viết ca khúc nào tặng riêng cho người đẹp nào cả. Ông chỉ viết tặng riêng cho người vợ yêu quý của mình. Những “nàng thơ” trong ca khúc của ông xuất hiện cũng không rõ, ví như mái tóc cô này, nụ cười cô kia, mùi thơm cô nọ…
Trong số các ca khúc ông viết riêng tặng người vợ quá cố của mình, có hai ca khúc mà nhiều người biết đến đó là ca khúc “Một mình” và “Hoa cúc vàng”. Cả hai ca khúc này đều khiến người nghe rơi nước mắt vì xúc động.
Có một câu chuyện mà mỗi khi nhắc đến nhạc sỹ Thanh Tùng, người ta vẫn thường hay kể đó là trước lúc bà Minh, vợ ông lâm chung, có gọi ông lại bên giường bệnh, lúc đó có cả nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và bà hỏi ông: “Nếu em chết anh có lấy vợ mới và bỏ các con không?”. Thanh Tùng gọi đó là “tuyên án” chung thân bởi câu trả lời duy nhất lúc đó ông có thể nói chỉ là “Không”. Sau khi bà mất, dù mới chỉ 40 tuổi nhưng ông vẫn giữ lời hứa không tái hôn mà một mình nuôi hai con trai và một con gái khôn lớn. Ngay cả khi ba con đã trưởng thành và đã có gia đình hạnh phúc nhưng nhạc sĩ vẫn chọn sống “một mình”.
“Một mình” ra đời trong thời điểm ông thấu đến tận cùng nỗi cô đơn giữa cuộc đời, khi bên cạnh đã không còn tình yêu của bạn đời. Vì lẽ đó, những lời hát của “Một mình” thật đến xót xa mà khi nghe người ta có thể bật khóc: “Bao đêm tôi đã một mình nhớ em. Đêm nay tôi lại một mình...”. Ca từ thể hiện nỗi nhớ da diết của nhạc sĩ dành cho người vợ quá cố mà ông từng có 18 năm “đầu ấp tay gối”, “chung lưng đấu cật”.
Trong một lần chia sẻ trên báo chí, chính nhạc sỹ Thanh Tùng đã rút ruột: "Đúng là không mất mát thì không hiểu hết, không thể cảm nhận hết tình yêu của vợ cũng như nỗi cô đơn trên cuộc đời này. Người ra đi đã bù đắp cho tôi một hạnh phúc nhỏ nhoi”.
Ông Nguyễn Thế Khoa, nguyên Trưởng đoàn, Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng cho rằng: “Một mình” là bài hay nhất của Thanh Tùng mà ông biết. Vì thời đó, toàn bộ kinh tế gia đình ông đều do một người vợ lo hết. “Chị Minh mất vì bị ung thư, để lại 3 con nhỏ.
Khi nghe lại bài hát này, tôi xúc động và khi ấy tôi mới hiểu được phẩm chất của Thanh Tùng. Nổi tiếng là một người cao ngạo nhưng tình cảm của ông lại rất chân thật và khi đó tôi mới hiểu, thật ra, đấy là một con người rất chung thủy. “Một mình” đã vẽ nên một chân dung Thanh Tùng rất đáng được chúng ta yêu mến”.
“Một mình” lần đầu tiên được thể hiện bởi giọng hát của diva Hồng Nhung. Thời điểm đó, ca sỹ Hồng Nhung nhận được văn bản bài hát trong một buổi chiều ngồi trên bãi biển Đà Nẵng. Lời ca đầy ắp nỗi nhớ của một người đàn ông dành cho một người đàn bà và giai điệu thiết tha, đầy xúc cảm đã khiến Hồng Nhung xúc động. Và dù không được nhạc sỹ Thanh Tùng chỉ cho hát nhưng chị đã tự tìm thấy sự đồng cảm với tình yêu trong bài hát của ông nên tự chị cất lên hát một cách chân thành, mộc mạc nhất.
Mơ về vợ trước khi bị tai biến
Khác với “Một mình”, ca khúc “Hoa cúc vàng” lại được nhạc sỹ Thanh Tùng viết sau khi nhìn thấy vợ mình hiện về trong một giấc mơ. Theo ca sỹ Mỹ Dung (người học trò được ông lựa chọn để thể hiện ca khúc này đầu tiên) thì vào năm 2009, khi đó ông chưa bị tai biến, một đêm nằm ngủ ông đã mơ thấy vợ mình. Khi tỉnh dậy, ông đã viết nên ca khúc này.
Ca sỹ Mỹ Dung kể rằng, khi ông gọi cô đến và giao cho cô bài hát này ông không chia sẻ nhiều vì muốn cô tự cảm nhận tâm sự của ông trong bài hát. Ông chỉ cho cô biết, đó là ca khúc ông viết về người vợ của mình sau một đêm ông mơ thấy bà. Vì lẽ đó, bài hát ngập tràn những kỷ niệm và hình ảnh, đó là những hình ảnh mà ông không bao giờ quên được mỗi khi nghĩ về bà.
“Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về, ta lại ngồi bên nhau nghe gió lay cành khế. Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về, anh lại ngồi bên em chờ con nắng ghé qua thềm.
Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về, khi anh tuổi đôi mươi em mới lên mười tám. Trong tim em ngập nắng, mang theo đóa cúc vàng em tặng mùa thu sang, mùa thu bỗng hóa thiên đường... Muốn nói với em rằng, trái tim này mong manh, vẫn mong em về, dù bao tháng ngày, dù hoa đã phai tàn, dù mùa thu đi mãi, mãi mãi không nơi nào. Với anh là xa xôi dẫu nơi chân trời, dù cho bốn biển, rồi anh sẽ đi tìm, tìm lại bóng dáng em.
Đêm qua em vừa đến, sao chưa ghé qua nhà, sao chưa về thăm anh. Anh nhớ em nhiều lắm đấy. Bâng khuâng trong vườn nắng cô đơn khóm trúc vàng đang chờ mùa thu sang, chờ cho đến lúc phai tàn. Muốn nói với em rằng, trái tim này mong manh, vẫn mong vẫn mong em về, dù bao tháng ngày, dù hoa cúc phai tàn, dù mùa thu đi mãi, mãi mãi không nơi nào. Với anh là xa xôi dẫu nơi chân trời, dù cho bốn biển, rồi anh sẽ đi tìm, tìm lại bóng dáng em”.
Câu kết của bài hát “Với anh là xa xôi dẫu nơi chân trời, dù cho bốn biển, rồi anh sẽ đi tìm, tìm lại bóng dáng em” dù ông viết trong cảm xúc tự nhiên nhưng lại là một điềm báo bởi sau đó không lâu thì ông bị tai biến. Kể từ khi bị tai biến, phải nằm liệt giường một thời gian, rồi tập đi xe lăn, tập nói… ông không thể sáng tác thêm được nữa dù ông rất muốn.
Diễn viên Diệu Hương chia sẻ, cô được mời làm MC cho chương trình âm nhạc mừng ngày 8/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội cách đây khá lâu, đó là dịp ca khúc "Hoa cúc vàng" được ra mắt. Ngày đó, vì trẻ tuổi nên cô không hiểu sao khi ca khúc vang lên thì nhạc sỹ Trần Bình lại khóc như mưa như gió. Nhưng đến khi nhạc sỹ Thanh Tùng ra hát những câu nhạc cuối thì cô cũng bật khóc theo vì hiểu được sự tình. Sau đó một thời gian thì nhạc sỹ "Hoa cúc vàng" mắc trọng bệnh.
Nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh chia sẻ: “Thật lòng là tôi rất quý anh Thanh Tùng. Anh ấy sống với mọi người rất là tốt. Anh ấy cũng là người hào hoa phong nhã. Thời trẻ anh Tùng là người đẹp trai, sống rất Tây nên cũng có nhiều người yêu mến, nhất là cánh chị em. Tuy nhiên, phải nói rằng, dù là người đa tình nhưng anh Tùng rất trân trọng tình cảm vợ chồng. Khi chị ấy mất đi, anh Tùng đã không tái hôn nữa mà ở vậy nuôi con dù lúc đó đang còn trẻ.
Không những thế, anh ấy còn có nhiều tác phẩm âm nhạc sâu sắc dành cho vợ mình. Đó là điều khiến các con anh ấy rất trân trọng và tận hiếu chăm sóc bố cho đến những ngày cuối đời. Chỉ tiếc là anh ấy bị bệnh sớm quá. Cách đây hàng chục năm anh ấy đã bị tai biến rồi nên sự nghiệp sáng tác của anh ấy không dài và không nhiều tác phẩm âm nhạc. Nếu anh ấy mà khỏe chắc chắc nền âm nhạc Việt Nam đã có nhiều ca khúc hơn nữa”.
Vậy là chọn đúng vào tháng 3 mùa hoa bưởi, nhạc sỹ Thanh Tùng đã thực hiện lời hứa “Với anh là xa xôi dẫu nơi chân trời, dù cho bốn biển, rồi anh sẽ đi tìm, tìm lại bóng dáng em” đối với người vợ quá cố. Ông đã đi về nơi ấy, để thoát “cõi” một mình nhưng những tình khúc của ông thì vẫn mãi ở lại. Tạm biệt ông, người nhạc sỹ tài ba và đào hoa nhưng một đời trọn vẹn với tình yêu.
Hà Tùng Long