Giai điệu "Hoa cúc vàng" tiễn biệt nhạc sĩ Thanh Tùng về nơi xa
(Dân trí) - Giai điệu “Hoa cúc vàng” cũng đã được ngân lên tiễn biệt nhạc sĩ Thanh Tùng. “Hoa cúc vàng” cũng là ca khúc mà ông hát cùng cô học trò nhỏ Mỹ Dung trong live show 2008 - live show cuối cùng nhạc sĩ Thanh Tùng đứng được trên sân khấu và đó là giây phút ông rưng rưng hướng về hình ảnh người vợ quá cố của mình.
Sau thời gian bị bệnh nặng, nhạc sĩ Thanh Tùng đã qua đời lúc 5 giờ 45 phút ngày 15/3/2016 (tức ngày 7 tháng 2 năm Bính Thân) tại Bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 69 tuổi.
Lễ viếng và truy điệu nhạc sĩ Thanh Tùng được tổ chức vào hồi 8 giờ đến 10h30 ngày hôm nay, 22/3/2016 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ an táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).
***
Ông cùng nhà sử học Dương Trung Quốc đã có mặt từ 7h sáng để chuẩn bị lễ viếng nhạc sĩ Thanh Tùng
Nhà sử học Dương Trung Quốc xúc động nói về nhạc sỹ Thanh Tùng
7h00 NSND Trần Bình có mặt tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng từ sớm cùng với gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng chuẩn bị cho tang lễ của người bạn tâm giao. Sự ra đi của Thanh Tùng để lại khoảng trống lớn trong tâm hồn người bạn mà ông gắn bó cả chặng đường dài trong cuộc đời.
Trong những ngày trước tang lễ, NSND Trần Bình luôn qua lại cùng các con của Thanh Tùng bàn bạc chuyện hậu sự của vị nhạc sĩ. “Vị thuyền trưởng” của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cho biết, giai điệu ca khúc Một mình sẽ tiễn đưa hương hồn nhạc sĩ Thanh Tùng về nơi yên nghỉ.
Còn Nhà sử học Dương Trung Quốc mặc dù đang họp Quốc hội nhưng ông vẫn đến từ rất sớm để dự lễ tang nhạc sĩ Thanh Tùng. Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: "Thời điểm tôi quen biết nhạc sĩ Thanh Tùng, anh đã ốm yếu và ngồi xe lăn. Tôi trân trọng anh Tùng và yêu thích tất cả các ca khúc của anh".
7h30 rất nhiều người đã bắt đầu tới hỏi thăm, chia buồn với gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng. Người thân cũng ngậm ngùi chia sẻ phút lâm chung của nhạc sĩ "Chuyện tình của biển".
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ những dòng cảm xúc trong cuốn sổ tang nhạc sĩ Thanh Tùng
Theo thông tin chính thức từ Ban lễ tang, lễ viếng nhạc sĩ Thanh Tùng sáng nay bắt đầu lúc 8h00, và kết thúc vào lúc 10h15phút. Lễ Truy điệu từ 10h15 phút đến 10h30 phút. Lễ di quan diễn ra từ 12h đến 14h; 14h - 15h00 đưa linh cữu nhạc sỹ Thanh Tùng về an táng tại Công viên Nghĩa trang Thiên Đức; 15h00 - 15h30': Lễ an táng tại Công viên Nghĩa trang Thiên Đức (Phú Thọ). Ban Tổ chức lễ tang gồm: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Trưởng ban Lễ tang, Nhạc sĨ Trọng Đài cùng đại diện hai gia đình nội ngoại của nhạc sĩ Thanh Tùng.
Các vòng hoa của Hội nhạc sĩ, các ca sĩ tên tuổi đã được gửi tới Ban tổ chức tang lễ
Các con nhạc sĩ Thanh Tùng xúc động khi đi qua linh cữu cha.
8h Hội nhạc sĩ Việt Nam chuẩn bị vào viếng. Đoàn Hội nhạc sỹ Việt Nam vào viếng do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân dẫn đầu.
8h10: Đoàn viếng do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Lê Khánh Hải làm trưởng đoàn vào viếng. Tiêp đến là Đoàn của anh em nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Mỹ Hạnh vào viếng.
8h14: Đoàn của gia đình Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam vào viếng.
Tiếp đó, dòng nối dài các nghệ sĩ vào viếng... Các vòng hoa của đông đảo nghệ sĩ lần lượt được chuyển vào bên trong nhà tang lễ viếng nhạc sĩ Thanh Tùng.
Di ảnh nhạc sĩ Thanh Tùng
8h49': Gia đình nhạc sĩ Trần Lập nén đau thương vào viếng nhạc sĩ Thanh Tùng.
Có mặt tại lễ viếng nhạc sĩ Thanh Tùng, MC Thảo Vân chia sẻ: “Nghe tin nhạc sĩ Thanh Tùng mất trái tim tôi như vỡ vụn, tạm biệt Thanh Tùng nghĩa là tôi tạm biệt thời tuổi trẻ của tôi bởi vì những ca khúc của ông gắn liền với tuổi trẻ chúng tôi. Giọt nắng bên thềm, hoa tím ngoài sân,… là hai ca khúc tủ của tôi thường hát thời sinh viên và giúp tôi đạt được nhiều huy chương. Tôi yêu những ca khúc của Thanh Tùng và thấy những ca khúc của ông chưa bao giờ cũ cả”.
MC Thảo Vân xúc động nhớ lại những lần hát ca khúc của nhạc sỹ Thanh Tùng
9h07: Gia đình nhạc sĩ Nguyễn Cường đến viếng. Nhạc sĩ Nguyễn Cường bày tỏ: “Nhạc sĩ Thanh Tùng là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nền nhạc nhẹ Việt Nam. Từ đầu những năm 80, nhạc của Thanh Tùng đã như một luồng gió mới. Tôi có nhiều kỉ niệm với nhạc sĩ Thanh Tùng qua những lần chấm liên hoan âm nhạc, anh Thanh Tùng là người khẳng khái, là người đàn ông đích thực”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường nhìn mặt nhạc sĩ Thanh Tùng lần cuối
Các đoàn, các nghệ sĩ tiếp tục vào viếng...
MC Phan Anh viết vào sổ tang nhạc sĩ Thanh Tùng bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn với nhạc sĩ mà anh yêu thích
9h25 Đoàn do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Vương Duy Biên làm trưởng đoàn vào viếng. Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định: "Sự ra đi của nhạc sĩ Thanh Tùng là một mất mát lớn, nhạc sĩ Thanh Tùng có đóng góp rất lớn với nền âm nhạc Việt Nam nói chung, nền nhạc nhẹ Việt Nam nói riêng. Tôi vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của ông".
Nhạc sỹ Nguyễn Cường nhớ lại những lần cuối cùng được làm việc cùng nhạc sỹ Thanh Tùng
NSND Thanh Hoa và nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư đến viếng nhạc sĩ Thanh Tùng. NSND Thanh Hoa chia sẻ: "Anh Thanh Tùng là người chỉ huy đầu tiên của tôi, tôi rất mến mộ tài năng, nhân cách anh Thanh Tùng. Hôm nay tôi đến tiễn anh, mong anh yên nghỉ nơi suối vàng".
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh (bên phải) cùng nghệ sĩ Mạnh Cường tới viếng nhạc sĩ Thanh Tùng
Đồng nghiệp, bạn bè chia sẻ nỗi mất mát của gia đình nhạc sĩ "Chuyện tình của biển"
NTK Đức Hùng
Đạo diễn Việt Tú
Nhạc sĩ Thanh Phương
Ca sĩ Thanh Lam (thứ 2 trái sang) - người nổi tiếng với phần thể hiện ca khúc Giọt nắng bên thềm của nhạc sĩ Thanh Tùng, vẫn chưa tin sự ra đi của ông.
Nhiều nghệ sĩ, bạn bè... tiễn biệt người nhạc sĩ mà họ yêu mến
NTK Đức Hùng lưu lại dòng sổ tang những dòng cảm xúc của mình
Ca sĩ Mỹ Dung không kìm được nước mắt khi đến viếng nhạc sĩ Thanh Tùng. Cô là học trò được Thanh Tùng ưu ái. Mỹ Dung buồn thương và cảm thấy mình thiếu sót khi thời gian cuối đời không thường xuyên thăm hỏi thầy được.
Là người học trò mà Thanh Tùng rất yêu mến khi sinh thời, nhạc sĩ Quốc Trung có một tình cảm đặc biệt đối với ông. Nhạc sĩ Quốc Trung đã viết trong sổ tang: "Kính chào thầy, ngôi sao cô đơn của tụi em. Bọn em sẽ luôn nhớ tới thầy, cách xa đâu là lãng quên…".
Nghệ sĩ Trung Hiếu
Diễn viên Thanh Quý
Viết trong sổ tang, ca sĩ Thanh Lam viết: "Ai vội đi để ai còn đứng đó, tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi... Nhớ Thầy vô cùng, tiễn biệt".
Ca sĩ Tùng Dương viết vào sổ tang
10h20 lễ truy điệu bắt đầu, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc điếu văn.
Nói lời cuối trong giây phút tiễn biệt người cha của mình, con trai trưởng của nhạc sĩ Thanh Tùng nói: “Chúng con rất hạnh phúc vì có một người bố như bố, bao nhiêu năm nay bố hi sinh hạnh phúc riêng để nuôi chúng con… Bố hãy yên lòng về với mẹ, bố nhé. Thay mặt gia đình, con xin chào bố!”.
Giai điệu “Hoa cúc vàng” cũng đã được ngân lên tiễn biệt nhạc sĩ Thanh Tùng. “Hoa cúc vàng” cũng là ca khúc mà ông hát cùng cô học trò nhỏ Mỹ Dung trong live show 2008 - live show cuối cùng nhạc sĩ Thanh Tùng đứng được trên sân khấu và đó là giây phút ông rưng rưng hướng về hình ảnh người vợ quá cố của mình.
“Đêm qua tôi nằm mơ, tôi mơ thấy em về, khi anh tuổi đôi mươi, em mười tám. Trong tim em ngập nắng, mang theo đoá cúc vàng, em tặng mùa thu sang, mùa thu bỗng hóa thiên đường…”- “Hoa cúc vàng”. Vĩnh biệt nhạc sĩ Thanh Tùng!
***
Nhạc sĩ Thanh Tùng (tên đầy đủ Nguyễn Thanh Tùng) là một nhạc sĩ với nhiều ca khúc nhạc trẻ rất được yêu thích.
Ông sinh năm 1948 tại Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Năm 6 tuổi ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Sau đó ông sang học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên và tốt nghiệp năm 23 tuổi.
Từ năm 1971 đến 1975 Thanh Tùng là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II. Sau 1975, Thanh Tùng về sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và là người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và khai sinh nhóm hợp ca Những làn sóng nhỏ. Ông còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen.
Nhạc sĩ Thanh Tùng được đánh giá là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh, Cánh chim báo tin vui của Đàm Thanh...
Năm 1975 Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay Cây sầu riêng trổ bông cho một vở cải lương. Từ 1987, Thanh Tùng trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều sáng tác, trong đó rất nhiều ca khúc được giới trẻ yêu thích như Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về...
Nguyễn Hằng - Mạnh Thắng - Quý Đoàn - Phương Nhung
Video: Xuân Ngọc