Chuyện người đàn ông dùng "vũ khí Thánh Gióng" làm nhạc cụ
(Dân trí) - Hơn 40 năm làm nghệ thuật, sau khi về hưu, nghệ sĩ Nguyễn Đức gắn bó với công việc phục chế và sáng tạo các nhạc cụ dân tộc. Điều đặc biệt, các nhạc cụ ông làm đều có nguồn gốc từ tre, nứa.
Phải lòng với tre, nứa
Nắng vừa lên đỉnh đầu cũng là lúc chúng tôi tìm về nhà nghệ sĩ Nguyễn Đức (SN 1960, trú xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ngay từ sáng, tiếng đục đẽo đã vang lên trong một góc nhà sàn nhỏ. Nơi đây, ông Đức hàng ngày vẫn cặm cụi hết đục rồi lại đẽo, cưa mài... từng chiếc đàn, ống sáo.
Nghệ sĩ Nguyễn Đức sinh ra tại mảnh đất cố đô Huế. Năm 1982, ông tốt nghiệp chuyên ngành Sáo trúc ở Trường Quốc gia âm nhạc Huế và theo đuổi thể loại âm nhạc dân gian. Ra trường, ông lên Đắk Lắk và làm công tác văn hóa qua nhiều ban ngành tại đây.
Năm 2011, ông về hưu và chỉ hơn một năm sau ông bắt đầu mày mò, chế tác những nhạc cụ từ tre, nứa.
Đến với căn nhà sàn của ông, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng với những nhạc cụ có hình dáng độc đáo và kì lạ. Trong số đó, có nhiều nhạc cụ đã thất truyền của các dân tộc thiểu số, tiêu biểu là nhạc cụ của người M'Nông như Wao, M'Blodit, M'blodơng, Lôt N'hum.
Kể về thời gian đầu, nghệ sĩ Nguyễn Đức cho biết, việc phục chế lại những nhạc cụ dường như đã thất truyền của người đồng bào rất khó khăn. Bởi có nhiều loại đã không còn nguyên mẫu đời thực ở bên ngoài. Trong số đó, có nhiều nhạc cụ ông phải mày mò trong sách vở và tái hiện lại.
"Ban đầu rất khó bởi vì tất cả đều là mày mò, không ai chỉ dẫn nên tôi phải tự tìm hiểu về âm. Ví dụ như cây Đinh Pá kêu kiểu gì, ống T'rưng lại kêu kiểu gì, ống dài ống ngắn ra sao", ông Đức bộc bạch.
Gõ một lượt trên các ching của dàn Ching Kram cộng hưởng, ông thích thú với âm thanh vang lên. Đây là một trong những nhạc cụ được ông biến tấu từ những chiếc Ching Kram truyền thống của người Ê Đê.
"Nhờ gắn những chiếc ching thành dàn, người biểu diễn được tự do diễn tấu hơn. Vả lại, khi gắn thêm các ống cộng hưởng bên dưới thì tiếng ching được khuếch tán bay cao hơn và vang xa hơn so với Ching Kram ban đầu của người Ê Đê mình", ông Đức hào hứng kể.
Hiện nay, nghệ sĩ Nguyễn Đức đã mày mò nghiên cứu phục chế và sáng tạo thêm một số nhạc cụ như Đinh Pá, cây Ching Kram không cộng hưởng, Ching Kram cộng hưởng, bộ Ching Kram truyền thống 7 ống, Ching Đing Arap M'ô 7 tay cầm để đánh, sáo các loại. Mỗi khi những sản phẩm hoàn thành, ông lại hào hứng cùng các nghệ sĩ, nhạc sĩ biểu diễn nhạc dân tộc cùng mình thẩm âm cho các nhạc cụ.
Trao truyền tình yêu âm nhạc dân tộc
Ngoài việc sáng chế nhạc cụ, ông còn tổ chức dàn dựng biểu diễn âm nhạc dân tộc cho các đơn vị, các ban, ngành, trường học trong các hoạt động phong trào. Nhờ thế, không ít lần cá nhân ông cũng như các đơn vị trong tỉnh đạt được những thành tích không hề nhỏ.
Niềm vui của nghệ sĩ Nguyễn Đức là được thấy những giai điệu vang lên từ các nhạc cụ của mình. Nhưng không những thế, ông còn đau đáu một nỗi niềm về sự phát triển của âm nhạc dân tộc đang dần tụt lại phía sau so với những dòng nhạc khác.
Với ông, những người nghệ sĩ yêu nhạc cụ dân tộc họ thường có tuổi, còn đối với giới trẻ lại không mấy mặn mà.
Chính vì những nỗi niềm ấy, nghệ sĩ Nguyễn Đức luôn nghĩ ra những giải pháp nhằm gìn giữ và phát triển âm nhạc cổ truyền. Ông đã tự viết các giai điệu rồi đưa âm nhạc dân tộc giảng dạy cho các học sinh tiểu học, trung học phổ thông để từ đó khơi gợi sự yêu và quý thứ âm nhạc độc đáo này.
"Cái này là mình chung tay với người đồng bào, giữ gìn văn hóa vốn có của âm nhạc dân tộc. Làm sao để nó được nhân rộng lên trong trường học, trong các cơ quan. Đó chính là cách bảo tồn thiết thực", ông tâm sự.
Văn Trực