Người đàn ông “trả nợ” quê hương bằng bộ nhạc cụ độc nhất vô nhị
(Dân trí) - Cuộc đời ông Võ Văn Bá, 73 tuổi (ngụ Nhơn Thạnh, TP Bến Tre, Bến Tre) gắn liền với đờn ca tải tử. Để “trả nợ” quê hương, ông làm ra bộ nhạc cụ dân tộc độc nhất vô nhị từ nguyên liệu dừa được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam.
Do đam mê văn nghệ nên năm 15 tuổi, ông Võ Văn Bá, (Ba Bá – PV) đã theo những anh chị trong xóm tham gia đờn ca tài tử và từ đó nghiệp “xướng hát” như gắn chặt cả cuộc đời ông. Ông Ba Bá kể lại: “Năm 1965 tôi tham gia Đoàn văn công giải phóng tỉnh Bến Tre vì đam mê văn nghệ. Đến năm 1975 vô tiếp quản tôi công tác tại TP Hồ Chí Minh phụ trách điện tử, âm thanh cho đoàn văn nghệ, làm được mấy năm thì xin về quê nhà ở Bến Tre sống cùng vợ, con nhưng vẫn chơi đờn ca tài tử”. Ông Ba Bá cũng như bao nông dân khác ở địa phương sống bằng nghề trồng dừa để nuôi vợ, con. Tuy nhiên do đam mê văn nghệ nên ông thường xuyên đánh đàn phục vụ các đám tiệc ở quê. Khi điểm du lịch sinh thái ở gần nhà hoạt động, ông tham gia đàn phục vụ khách du lịch. Những năm gần đây, ông giao toàn bộ việc chăm sóc vườn tược cho vợ, con để theo niềm đam mê đàn, hát của mình.
Chuyện mày mò, sách chế ra bộ nhạc cụ bằng dừa của ông cũng rất tình cờ, trong 1 lần họp mặt đoàn văn công giải phóng ông gặp nhạc sĩ Lê Dân và được nhạc sĩ này đưa ra ý tưởng làm ra những nhạc cụ bằng dừa để tham gia Festival dừa tổ chức tại tỉnh nhà vào tháng 4/2012. Vậy là ông chọn những cây dừa lão vài chục năm tuổi để làm ra bộ nhạc cụ bằng dừa tham gia tại Festival. Khi bộ nhạc cụ này được sử dụng để trình tấu thành công các tiết mục mở màn cho Festival dừa Bến Tre nhiều người rất thích thú vì lần đầu được nghe. Sau đó, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là bộ nhạc cụ dân tộc bằng gỗ dừa đầu tiên tại Việt Nam.
Từ thành công ban đầu, ông Ba Bá tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo ra gần 100 nhạc cụ như: đàn cò, kìm, gáo, tranh, sến, ghitar… làm toàn bằng dừa. Ông không chỉ làm nhạc cụ bằng gỗ dừa mà còn chuyển sang làm nhạc cụ bằng gáo dừa, vỏ dừa, mo nang dừa… rất độc đáo. Ông Ba Bá cho biết: “Sản phẩm từ dừa ở quê hương xứ dừa rất phong phú như: kẹo dừa, cơm dừa nạo sấy, mứt dừa, chổi dừa, mặt hàng mỹ nghệ bằng dừa… nổi tiếng khắp cả nước và còn xuất khẩu. Là dân chơi đờn ca tài tử nên tôi thấy rất thú vị khi làm ra những nhạc cụ được làm từ chính cây dừa của quê hương”.
Trong ngôi nhà nhỏ của ông hiện còn trưng bày 67 cây đàn các loại làm từ dừa, khi khách tới thăm ông đều đàn thử một vài điệu nhạc của mỗi loại đàn nên ai cũng thích vì âm thanh rất đặc biệt. Theo ông Ba Bá, trong khoảng gần 100 cây đàn của mình chủ yếu làm để tặng bạn bè, bán cho du khách nước ngoài chỉ để cho vui chứ không nhằm mục địch kinh doanh. Niềm vui lớn nhất của ông là gặp bạn “tri âm, tri kỷ” và được chơi đàn. Ông Ba Bá khoe: “Mấy cây đàn từ dừa của tôi đã bán cho khách du lịch ở Pháp, Úc, Đài Loan, Canada… Mới đây, một nhà hàng 4 sao ở gần phà Hàm Luông cũ đặt tôi làm trọn bộ 12 nhạc cụ bằng dừa với giá 12 triệu đồng. Số tiền chẳng bao nhiêu nhưng tôi thấy vui, hạnh phúc khi làm ra những bộ nhạc cụ độc đáo để giới thiệu, quảng bá cho khách du lịch khắp nơi”.
Ông Ba Bá biểu diễn nhạc cụ làm từ dừa
Mới đây, ông Ba Bá vừa hoàn thành cây đàn cò “siêu độc” bằng gốc dừa cổ thụ 70 năm tuổi, đường kính khoảng 0,6 m, chiều dài 1,2 m và cần đàn cao 2,6 m. Ông Ba Bá cho biết: “Cây đàn này tôi mất 2 tháng để hoàn thành vì gốc dừa cổ thụ rất to, khi đụt khoét chính giữa mất rất nhiều công sức. Do quá nặng nên tôi phải gắn bánh xe ở phía dưới để dễ di chuyển. Đây là cây đàn lạ nhất trong số những cây đàn làm bằng dừa của tôi”.
Ông Huỳnh Văn Út, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre cho biết: “Do đam mê, gắn bó với các nhạc cụ dân tộc từ rất lâu nên ông Ba Bá đã mày mò làm ra bộ nhạc cụ bằng dừa rất đặc biệt. Bộ nhạc cụ này đã được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam và sắp tới sẽ được trưng bày trong lễ hội dừa tổ chức tại tỉnh Bến Tre”.
Ở tuổi 73, ngày ngày ông Ba Bá vẫn miệt mày với đục, cưa để làm ra những bộ nhạc cụ dân tộc từ dừa rất độc đáo. Hiện tại ông Ba Bá đang nghiên cứu làm nhạc cụ bằng tre vì theo ông, cây dừa và cây tre mang hình hài, dáng vấp của xứ Bến Tre lên làm những bộ nhạc cụ dân tộc từ những loại gỗ này như cách để “trả nợ” quê hương, xứ sở. Một mai nếu chết đi cũng có tài sản để lại cho thế hệ mai sau là những bộ nhạc cụ dân tộc mang hơi thở của quê hương.
Minh Giang