Nhạc cụ dân tộc với tục làng, chuyện yêu của người Cơ Tu
(Dân trí) - Tết mừng lúa mới, lễ hội của người Cơ Tu mà không có tiếng trống, tiếng chiêng, không có tiếng tù và là không xong. Trai gái yêu nhau, giận hờn nhau đều trải lòng qua tiếng đàn, tiếng sáo.
Dưới mái nhà Moong ở thôn Tống Cóoi, xã Ba, huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam, già làng Y Kông - người được xem như bảo tàng văn hóa sống của người Cơ Tu - lần theo mỗi loại nhạc cụ kể chuyện lễ Tết, tục làng, chuyện yêu của người Cơ Tu. Những câu chuyện dệt nên đời sống văn hóa, sinh hoạt phong phú, đa sắc của đồng bào nơi đây khiến người nghe mải mê.
Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng tù và là rất thiêng liêng trong lễ Tết của người Cơ Tu
Lễ Tết của người Cơ Tu bao giờ cũng rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng. Dẫn chúng tôi vào gian nhà giữa nơi để những vật dụng quý báu nhất, già làng Y Kông cho chúng tôi xem đủ bộ trống, chiêng với hai chiếc trống chgơl, một chiếc chinh (người Kinh gọi là tạ), một chiếc chiêng cũng bằng đồng lớn hơn ching một chút, và một chiếc tỏong (dùi) đánh chiêng, đánh ching. Thường mỗi khi có lệ hội, Tết mừng lúa mới, làng tụ họp nhảy múa vui chơi trong tiếng trống, tiếng chiêng của những trai làng khỏe mạnh gọi giàng về. Tiếng trống, tiếng chiêng cũng vang lên trong những đám hội có mổ lợn, mổ trâu để gọi cả làng đến chia. Từng lễ hội hay từng đám tiệc lớn nhỏ sẽ có cách đánh trống, đánh chiêng khác nhau. Dân làng nghe tiếng trống, tiếng chiêng sẽ biết đó là đám gì mà sửa soạn tụ hội về gươl- nhà sinh hoạt chung của làng- hay những nhà có đám tiệc để chia thịt.
Những hôm làng tổng kết năm cũ, lễ Tết mừng lúa mới, hay có nhà nào trong làng tổ chức lễ cưới cho con có thịt trâu, theo tục lệ, già làng sẽ thổi Bhơlưa (một loại tù và) để mời giàng về. Thanh âm của Bhơlưa là âm thanh linh thiêng của người Cơ Tu. Chỉ có già làng mới được thổi Bhơlưa và cũng không được vô duyên vô cớ mà thổi nhạc cụ này.
Yêu nhau, ghét nhau người Cơ Tu cũng gửi tâm tình trong tiếng đàn, tiếng sáo
Những đêm khuya thanh vắng giữa núi rừng mênh mông, nghe đâu đó tiếng đàn Tơbhéh, người Cơ Tu biết rằng trong Moong (kiến trúc nhà ở truyền thống của người Cơ Tu), trong Cr'lăng (kho đựng lúa thóc) nào đó có đôi trai gái đang tâm tình với nhau.
Đàn Tơbhéh gồm một Aluôi làm bằng vỏ quả bầu khô tạo âm vang, thanh đàn làm bằng tre, trúc với hai dây đàn cho âm trầm âm vang. Khi đàn, vỏ bầu được áp vào lồng ngực, âm thoát ra như tiếng lòng người.
Những bài ca truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây ngân lên cùng đàn Tơbhéh thường là chuyện tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng... Khi tỏ tình với nhau, người ta đàn Tơbhéh. Mà khi giận hờn nhau, hay thất tình, trai gái cũng đánh cái đàn này. Khi tỏ tình, tiếng đàn tỉ tê, réo rắt. Khi không được đối phương đáp trả, tiếng đàn lại u buồn, thầm trách.
Những nhạc cụ gắn liền với đời sống của đông bào dân tộc phía tây Quảng Nam còn có đàn Abel. Người chơi Abel phải vừa kéo dây đàn, vừa nín thở ngậm kheel, một mảnh tròn mỏng chuốt từ vảy sừng con tê tê. Cây Abel trong nhà già làng Y Kông là một trong những nhạc cụ lâu năm nhất mà già còn giữ được. Mấy trăm năm có lẽ nhiều đôi lứa gái trai Cơ Tu đã tỏ tình cùng nhau qua tiếng đàn Abel.
Bộ sáo truyền thống của dân tộc Cơ Tu cũng rất phong phú với hàng chục loại như sáo Aluốt làm bằng ống trúc, Crdool làm bằng sừng con sơn dương hay Cốc làm bằng sừng trâu. Một loại cho một âm thanh trầm bổng khác nhau nhưng vang rất xa. Chàng trai nhiều khi đang thổi khèn thổi sáo đâu đó mãi tận trong rừng sâu mà tiếng khèn, tiếng sáo len lỏi hàng mấy cây số qua nương, qua rẫy khiến cho những thiếu nữ nghe mà xao xuyến.
Mỗi chiếc trống, chiếc chiêng, mỗi cây đàn, cái khèn, cái sáo được những già làng Cơ Tu truyền bày cách làm, cách chơi cho con cháu chính là di sản văn hóa. Mỗi thanh âm vang vọng góp một đường tơ dệt nên bức tranh đời sống văn hóa, sinh hoạt sôi động, trữ tình của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
Khánh Hiền