Chuyên gia lý giải những kiêng kị sai lầm trong tháng cô hồn

(Dân trí) - Các chuyên gia văn hoá đều cho rằng, quan niệm tháng Bảy âm lịch là cô hồn gắn với những điều xui xẻo, không may mắn... đều là sai lầm, mê tín dị đoan.

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, trong Phật giáo không có tháng nào là tháng cô hồn mà chỉ có mùa Vu Lan báo hiếu ứng với tháng Bảy âm lịch hàng năm.

Theo đó, trong Phật giáo có “tứ ân” (bốn ơn) gồm: Ân Tam Bảo, ân Quốc gia xã hội, ân Cha mẹ sinh thành - Thầy cô dạy bảo và ân tất thảy mọi loại chúng sinh. Riêng tháng Bảy âm lịch hàng năm, người ta nặng về báo ân cha mẹ nên mới có câu “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Bảy”. Từ đó hình thành nên mùa tri ân - báo ân còn gọi là mùa Vu Lan báo hiếu.

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm.
Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm.

Trọng tâm của lễ Vu Lan báo hiếu nhằm giáo dục cho người Phật tử về lòng hiếu thảo, nhớ ơn các đấng sinh thành để từ đó mà tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo và thiện tâm với cuộc đời.

Phật giáo Việt Nam cũng gọi tháng Bảy là tiết “xá tội vong nhân” vì nhờ ơn của đức Phật mà tất cả các vong linh bị đọa trong chốn khổ đau được siêu thoát. Vì thế, vào những ngày này, người ta thiết lễ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ... để tỏ lòng hiếu đạo, đồng thời cũng sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung) thường gọi là thí thực cô hồn.

Phật giáo quan niệm phải yêu thương tất cả mọi loài, kể cả những người không mồ mả, chết không thờ tự hay còn gọi là cô hồn. Đây là một nét đẹp rất nhân văn và cao cả của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây đang có nguy cơ bị hiểu sai, bị dân gian hóa theo hướng nhuốm màu tà kiến, mê tín.

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, quan niệm kiêng mua bán, kiêng đi lại, kiêng ký kết, kiêng cưới hỏi, kiêng hợp tác làm ăn... trong tháng Bảy âm là không đúng. Tháng Bảy trong Phật giáo được coi là tháng tốt, mọi việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường, không phải kiêng kị.

“Chúng tôi là những người sống qua nhiều thời kỳ nhưng chưa bao giờ thấy quan niệm sai lầm và biến tướng như ngày nay về tháng Bảy. Ngày xưa, ông bà không bao giờ quan niệm tháng cô hồn hay tháng Bảy là tháng xui xẻo nên không có chuyện kiêng kị tới mức cực đoan.

Chỉ có kiêng kị một chút về tháng Ngâu là tháng mưa gió thất thường nên việc đi lại phải dè chừng cẩn trọng, nhất là đi thuyền bè, tàu xe... Những quan niệm sai lầm về tháng cô hồn đã làm ảnh hưởng không ít đến đời sống và sinh hoạt của người dân”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh.

GS. Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian cho rằng, quan niệm về tháng cô hồn và những điều kiêng kỵ - nên tránh trong tháng này thuộc về khía cạnh tâm linh. Và khi đã trở thành quan niệm xã hội thì tùy theo từng người mà ứng xử như thế nào cho hợp lý.

“Theo tôi, nếu mình coi đó là thứ đáng kiêng thì kiêng, còn không đáng kiêng thì không phải kiêng. Sự kiêng khem này phụ thuộc vào thời đại. Họ làm ăn thấy không may mắn nên đâm ra có những lối tư duy hơi thận trọng, còn ngày xưa có thể không có những quan niệm như thế.

Tháng Bảy âm chúng ta cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ... là để tỏ lòng hiếu đạo, tưởng nhớ về những người đã khuất. Đó là một nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống được gìn giữ và tiếp nối của nhiều thế hệ. Tuy nhiên, tôi thấy người ta thường đốt rất nhiều vàng mã vào dịp này gây lãng phí. Tôi cho rằng, không nên đốt quá nhiều vàng mã bởi không phải đốt nhiều thì tổ tiên, ông bà, cha mẹ... sẽ phù hộ cho con cháu. Quan niệm đó hơi khiên cưỡng và mê tín.

Tôi cũng được nhiều người khuyên tháng Bảy âm nên “cố thủ” trong nhà, đừng đi ra ngoài vì sẽ gặp nhiều chuyện xui xẻo... nhưng tôi cũng vẫn đi ra ngoài bình thường. Nếu đã bị xui xẻo đeo bám thì chưa chắc ở nhà đã thoát. Vì thế, cái gì chúng ta cũng nên tư duy một cách sáng suốt, khoa học... chứ không nên mê tín quá”, GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ thêm.

GS.VS Lương Ngọc Huỳnh.
GS.VS Lương Ngọc Huỳnh.

GS.VS Lương Ngọc Huỳnh cũng cho rằng, lễ rằm tháng Bảy không nhất thiết phải mâm cao cỗ lớn mới tỏ rõ lòng hiếu thảo với người đã khuất mà nên tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Quan trọng nhất chính là tâm thành và sự tôn kính mà mình gửi gắm trong những lễ vật dâng lên tổ tiên, ông bà, cha mẹ...

Theo GS.VS Lương Ngọc Huỳnh, ngày rằm tháng Bảy, người ta thường đua nhau đốt nhà lầu, xe hơi, máy bay, điện thoại, nồi cơm điện, tivi, tủ lạnh, quần áo, tiền vàng, đô la... đó là hành vi có phần mê tín dị đoan.

“Thực tế việc đốt vàng mã đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu đời với quan niệm “trần sao âm vậy”. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã chỉ nên mang tính hình tượng, tránh sa đà vào mê tín, dị đoan, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Không nên phô trương và sử dụng các loại tiền tệ hiện đại, các vật dụng công nghệ… sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của tập tục này”, GS Lương Ngọc Huỳnh nhấn mạnh.

GS.VS Lương Ngọc Huỳnh cũng cho rằng, nhiều kiêng kị trong tháng Bảy âm hiện nay không có cơ sở và nặng màu sắc mê tín dị đoan. Thực tế, người Việt quan niệm tháng Bảy là tháng “xá tội vong nhân” tức mở cửa địa ngục cho các vong hồn được đi khắp nơi để kiếm ăn. Vì lẽ đó người ta gọi là tháng cô hồn và thường quan niệm tháng này không may mắn. Vì không may mắn nên người ta thường tránh né làm những việc đại sự như: cưới hỏi, dựng nhà, ký kết, đi xa... Qua thời gian, những quan niệm này trở thành nỗi ám ảnh không tốt và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân.

GS.VS Lương Ngọc Huỳnh khuyên mọi người cứ sinh hoạt bình thường và làm nhiều việc tốt để nhân nguồn năng lượng tích cực trong mỗi người lên. Chuyện không may mắn trong tháng Bảy chẳng qua chỉ là những quan niệm thiếu cơ sở nên không vì thế mà khiến bản thân bị trở ngại hoặc bị ám ảnh.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm