Việt Nam thân thương:

Chợ Cầu Muối của tôi

(Dân trí) - Sau bốn năm Đại học, tôi có cảm giác ngôi chợ này là ký túc xá mở rộng của mình, từ những người chạy xe ôm, xích lô, đẩy xe cho tới các bà, các chị bán rau củ, cá thịt, mới ngày nào còn xa lạ giờ đã thành quen biết, thân thiết.

Chợ Cầu Muối của tôi


Hồi nhỏ, ba thường dắt tôi lang thang ngoài đường, tới nhiều khu vực để chỉ cho biết cái hay cái đẹp của đời sống, của Sài Gòn.

Có lần, đi trên đường Trần Hưng Đạo, tới ngã tư Nguyễn Thái Học, thấy người ta đang chuyển bắp cải từ xe tải xuống, tôi đòi quẹo vào coi thì ba bảo “khu này không hay lắm, người ta rất dữ, hay cãi nhau và dùng từ không lịch sự…” Tôi hỏi vì sao người ta rất dữ thì ba hẹn lớn lên sẽ giải thích. Tôi cứ thắc mắc rất dữ nghĩa là sao?

Năm vào học diễn viên, viện cớ phải tập luyện khuya, tôi xin ba mẹ vào ký túc xá ở cho tiện, tôi không có tiêu chuẩn ở ký túc xá vì hộ khẩu thành phố, nhưng tôi quyết tâm xin cho bằng được vì hai lý do, một là đời sinh viên mà không nếm mùi ở ký túc xá thì phí, hai là vì ký túc xá Trần Hưng Đạo ở ngay sát bên cái chợ mà ba tôi bảo “người ta rất dữ”, tôi muốn tự tìm câu trả lời.

Đêm đầu tiên ở ký túc xá, tôi được nghe mùi tanh đặc trưng của chợ Cầu Muối khi những cơn gió từ sông thổi mạnh vào cửa sổ phòng tôi ở tầng 7, thì ra ban đêm, người ta khuân vác cá, sò, ốc từ tàu ghe xuống chợ Cầu Muối.

Sáng sớm trèo lên sân thượng, nhìn ra hướng Bến Chương Dương, dưới ánh đường màu vàng, tôi thấy được một phần mờ mờ ngôi chợ từ mé sông, tàu ghe san sát đậu quá nữa con sông, sát bờ là dãy mái che các sạp chợ, con đường nhỏ chật chội đầy người và cần xé, có rất nhiều người khiêng, vác, đẩy xe đi lại, tuy rất đông nhưng không lộn xộn, dường như nó có quy luật, trật tự nào đó. Tôi nghe tiếng xe tải gầm gừ nhưng không nhìn thấy, hướng đường Nguyễn Thái Học bị che khuất.

Chợ Cầu Muối của tôi


5h30, ký túc xá mở cửa, tôi ào ra đường đi bộ về phía chợ, xe lam, xe xích lô, xe gắn máy chất đầy ắp rau quả chạy ào ào ra khỏi chợ, tủa ra các ngã đường. Lòng đường Nguyễn Thái Học ngổn ngang, đầy những cần xé, thùng giấy, bao nilon, dây buộc, rơm rạ, nhiều bãi rác to đùng ngay đường đi, các xe đẩy vẫn tới lui thoăn thoắt với tiếng la tránh đường, dô dô ầm ĩ, thoáng nghe đâu đó tiếng chửi thề, rồi tràng cười khanh khách, câu chửi rủa của bà nào đó. Tôi tự nhủ, khu chợ này rất dữ mà, và chờ những điều kinh khủng hơn.

Dãy nhà hai bên đường, mỗi nhà chất một loại rau, củ, trái cây, cao lên gần tới nóc, tràn ra lề đường, cả khu vực thành một bức tranh rau củ nhiều màu tươi rói. Rất nhiều người đang miệt mài làm việc, vừa làm vừa cười nói chọc ghẹo nhau khá vui, người thì cân, đếm cho vào các cần xé, vào chạc, người thì úp lá chuối lên mặt các cần xé đầy rồi dùng dây cột chặt lại, kẻ thì khiêng cho lên xe đẩy, một số em bé, người già chầu chực quanh các núi hàng chờ lượm trái hư, trái đèo do người đếm dạt ra, nhiều người ngủ say trên lề đường, ghế bố, xe xích lô.

Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy nhiều hàng hóa tới như vậy, tôi cứ ngây ra nhìn, hết bên này, tới bên kia, màu xanh của bắp cải còn nguyên lá ngoài, màu đỏ của cà rốt, của ớt, màu vàng của bắp khác với vàng của bí đỏ của bưởi, màu xanh của trái su, ớt xanh, rau bó xôi, khổ qua, chuối… Tôi tự hỏi đẹp thế này, hay thế này sao ba tôi lại nói là không hay nhỉ. Tôi có thấy họ cãi nhau đâu dù nói rất lớn tiếng, cũng chưa thấy ai rất dữ.

Buổi chiều tan học, tôi không về ngay ký túc xá mà đi luôn ra chợ, các vựa rau củ phía ngoài có vẻ im ắng hơn, nhường chỗ cho hoạt động của một chợ chiều đúng nghĩa với tiếng rao hàng vang lên khắp bốn phương, ai bán món gì giá bao nhiêu thì rao ngắn gọn cho mọi người biết, hợp âm trầm bỗng nhiều lứa tuổi ấy nghe rất lạ tai, rất hay, nó làm tôi nhớ bài “Phiên chợ Ba Tư”. 

Hai bên đường người ta trải tấm nilon nho nhỏ, rồi bày ra đủ thứ loại rau, củ để bán, nhiều người xách trên tay những bó hành ngò hoặc tỏi, ớt, xả rao 50, 100, nhưng có lẽ đông và giọng khỏe nhất là lượng lực bán cá hấp. Tôi thích các giỏ cá hấp, đó là những con cá bạc má rất tươi nhờ hấp khi còn sống, tùy con lớn nhỏ mà mỗi giỏ từ 3 tới 6 con, bán đồng giá 1000 đồng. 

Hầu như đây là món ăn quanh năm của sinh viên ký túc xá Trần Hưng Đạo thời ấy vì không còn món nào rẻ hơn nữa, chỉ tốn 1000 đồng, mua giỏ cá hấp về chiên rồi kho ăn nhín từ 4 ngày tới cả tuần. Tôi thường mua rau, củ của các bà già hay trẻ con, họ bán như cho không vì đây là loại dạt, loại hư, đèo mà các vựa bỏ đi.

Chợ Cầu Muối của tôi


Càng đi xuống mé sông, chợ càng có vẻ lầy lội, mùi hôi của cá, ốc, nghêu, sò bốc lên, quyện thành một mùi hôi đặc trưng, người bán dưới này buổi chiều ít nhộn nhịp hơn, họ có vẻ trầm lặng, thong dong hơn, hình như họ sống trên ghe hay trên các sạp hàng thì phải. Hai bên đường, hàng hóa chất trong nhà cũng khác đi, nhà thì chứa than đá, nhà thì chất đầy những bao muối đan bằng bàng, nhà bán khoai lang, khoai tây, dây cước, đèn dầu, thùng, can… Tôi nhìn mặt từng người, cũng chưa thấy ai có vẻ gì là… rất dữ.

Tôi dẫm lên đường sình băng qua Bến Chương Dương, ra bờ sông, tàu ghe neo đậu sát rạt, nắng chiều yếu ớt, nhiều người phụ nữ đang nấu cơm ở mũi ghe, mùi thức ăn thơm phức, trẻ con, đàn ông tắm ở đuôi ghe, với sang ghe khác nói chuyện ồn ào. Ai đó cất giọng cải lương mùi mẫn, một thế giới nhấp nhô trên sông thật sinh động mộc mạc và chân tình. Nếu nhắm mắt, với những âm thanh nghe được trên khúc sông này, tôi tưởng mình đang đứng trên bến sông một vùng quê bình yên nào đó!

Men theo bờ sông, tôi đi ngang qua các sạp bán nghêu, sò, ốc, hến, tiếng hốt hàng sột soạt cân đong nghêu sò hòa cùng giọng nói rổn rảng và tiếng cười tươi của các chị, chuyện nhà, chuyện chồng con, thoải mái chia sẻ với nhau nơi phố chợ. Mấy cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi sử dụng xe đẩy thành thạo lạng lách rất tài tình, miệng lên giọng mũi “dô dô” góp với tiếng xe gắn máy tiếng rao làm khuấy động bầu trời bắt đầu sụp tối. 

Tôi đã quen một cậu bé như vậy khi xe đẩy của cậu đụng vào tôi, cậu cười hồn nhiên “Chị có sao không? Em la quá trời sao chị hổng tránh? Chị mới vô ở ký túc xá phải không? Chị nào mới lên cũng lơ ngơ vậy đó, năm nào em cũng đụng mấy chị… dô dô, tránh ra, dô dô…” Cậu bé nói nhanh và đẩy xe cũng nhanh, thoắt cái đã đi rất xa. Sáng sớm hôm sau chính cậu bé gọi tôi từ xa để hỏi thăm “cái chân chị có sao hông?” một cách thân tình như người quen. Cậu tên Đũi, tự xưng mình là dân bụi đời, ngủ chợ.

Chợ Cầu Muối của tôi


Tôi ở ký túc xá chừng một tháng thì đã quen khá nhiều các bà các chị bán rau củ nhỏ lẻ ngoài chợ Cầu Muối, họ nhận diện sinh viên trong ký túc xá rất nhanh, và thường bán rất rẻ, vừa bán vừa cho với vẻ rất thông cảm. Dĩ nhiên, tôi quen gần hết nhóm nhóc đẩy xe của Đũi. Chính Đũi đã dắt tôi thị sát chợ đêm, chỉ cho tôi biết vựa này là của bà nào, ông nào, họ từ đâu tới đây lập nghiệp, làm giàu ra sao, con cháu ra sao, có những vựa đã ba đời, tức gia đình họ bám trụ chợ này từ thời Pháp. 

Nhờ Đũi, tôi yên tâm la cà ngoài chợ tới 2 giờ sáng, biết quy luật ra vô đổ hàng của các xe tải, biết phân biệt xe đổ hàng và xe lấy hàng, biết quy luật phân chia địa bàng làm ăn ban đêm của các nhóm xe đẩy, biết các ông cầm đầu là ai, thường gầm gừ nhau vì những chuyện gì, biết uống cà phê lúc nửa đêm, biết sơ sơ về các ông tài xế xe tải chở hàng, ông xích lô, ông xe ôm, bà bán ớt, bán rau, chị bán thuốc lá, đám em gái bán chanh ớt… nhưng Đũi không bao giờ chịu kể về em cho tôi nghe, chỉ xin “mai mốt chị thành nghệ sĩ có đi hát thì cho em vé mời, em muốn được một lần vô rạp hát ngồi hàng nhất coi cho đã!”

Tôi ở ký túc xá một thời gian thì nghe các chị sinh viên ở các khóa trên kể với nhau vanh vách về gia cảnh từng bà, cô, chị, em bán ngoài chợ, thì ra mỗi sinh viên đều có mối ruột của mình, giữa sinh viên và các chị bán hàng đã hình thành mối quan hệ quen biết, thân thiết, tin cậy, họ biết sinh viên học trường nào, năm thứ mấy, quê ở đâu, ở phòng nào trong ký túc xá, họ đã bán thiếu cho sinh viên khi kẹt tiền. Văn hóa chợ ở Sài Gòn là thế, trao đổi qua lại mỗi lần vài câu, nhiều ngày gộp lại thành câu chuyện dài, người bán người mua hình thành mối quan hệ khắn khít và không giành mối, giành khách của nhau, buôn bán từ nhỏ lẻ tới bán sỉ, đều dựa trên chữ tín.

Sau bốn năm, tôi có cảm giác ngôi chợ này là phần ký túc xá mở rộng của mình, từ những người chạy xe ôm, xích lô, bán thuốc lá, đẩy xe cho tới các bà các chị các em bán rau củ, gia vị, cá thịt ngày nào xa lạ giờ thành quen biết, thân thiết, nụ cười thay cho câu chào, một lời hỏi thăm hôm nay được bán được không, chạy được không, đôi khi dừng chân nghe thêm vài lời than thở, vài lời trách móc hoặc họ hỏi chúng tôi về mùa thi, về nghỉ hè, nghỉ Tết, ngay cả chuyện mập, ốm, xanh xao, muộn phiền họ cũng nhận ra và hỏi thăm xem tại học thi mệt hay bị bệnh, hỏi cả chuyện tình yêu nếu vài lần ra chợ mà thiếu người kia. 

Chợ Cầu Muối của tôi


Cũng lạ, sinh viên đi chợ buổi chiều ở đây thường đi cả đôi, nên họ cũng nhớ cả cặp, thấy vắng là hỏi ngay. Cảm động nhất là mỗi khi báo đài đăng tin tỉnh nào bị bão lụt mất mùa, hầu như họ chờ sinh viên của tỉnh đó ra để hỏi thăm gia đình ở quê có bị làm sao không… Mọi thứ diễn ra dung dị, chân tình lạ lùng, họ yêu quý sinh viên vì trọng tri trức và thương xa nhà thiếu thốn, sẵn sàng san sẻ, mặc dù chính họ cũng chạy chợ ăn từng ngày. 

Bốn năm, nhiều lần tôi chứng kiến những cuộc cãi nhau, chửi nhau những từ rất thô tục, thậm chí đánh nhau, nhưng tôi không thấy có gì đáng sợ, không thấy họ rất dữ như từng nghe dư luận kể lại. Tôi nghĩ họ chỉ nhất thời nóng giận, phản ứng, chứ không phải bản chất, nó không che được cái tình của họ với nhau, của dân tứ xứ tụ về họp thành ngôi chợ này.

Có lần, tôi đã tranh luận quyết liệt với thầy ở trường khi trong một tình huống kịch, có một nhân vật buông lời có vẻ miệt thị “dân chợ Cầu Muối mà!” Cuối cùng tôi đã thuyết phục được thầy cắt bỏ câu thoại đó. Thật ra lúc đó tôi chỉ nghĩ tới Đũi, em rất ghét câu đó!

Khi Nhà nước quyết định di dời chợ Cầu Muối ra Tam Bình Thủ Đức, hầu hết cuộc sống của họ bị xáo trộn rất lớn, nhìn thấy cảnh buồn rầu, đau khổ của họ tôi thương lắm, không biết phải làm sao, lúc đó tôi mới thấm thía một điều, bao giờ đằng sau một chủ trương đúng, có ích cho xã hội, cho đám đông lớn thì cũng mang theo bất cập, thiệt thòi rất lớn cho đám đông nhỏ, vấn đề là làm sao hỗ trợ, đền bù, san sẻ thiệt thòi đó hợp lý, có tình và công bằng.

Sau ngày chợ Cầu Muối giải tỏa, tôi không còn gặp Đũi nữa, không biết em bây giờ ở đâu.

Chợ Cầu Muối của tôi


Ngày nay, mỗi ngày đi về, xuyên qua chợ Cầu Muối xưa, tôi chạy xe thật chậm để nhớ lại vị trí của những sạp hàng, hình dung ngày xưa ai đã đứng bán ở vị trí nào, và để đưa mắt tìm, lỡ Đũi có quay về đây chơi…

Con đường Nguyễn Thái Học giờ rộng sạch, thông thoáng, một cây cầu mới được xây nối liền quận 4, và quận 7, lòng kinh được nạo vét, đại lộ Võ Văn Kiệt rộng lớn khang trang, tôi dắt con gái đi vòng quanh và kể về Chợ Cầu Muối ngày xưa, con bé không thể nào hình dung nổi làm sao giữa trung tâm thành phố lại có tàu ghe neo đậu san sát, và từng đoàn xe tải chở hàng đổ xuống từ đêm tới sáng, không hình dung nổi có một ngôi chợ hoạt động suốt hơn một trăm năm không ngừng lại để ngủ.

Tôi tiếc ngày xưa mình chưa kịp quay những thước phim về khu chợ lạ lùng này.

Theo “Sài Gòn năm xưa” của cụ Vương Hồng Sển thì chợ Cầu Muối có từ triều Nguyễn. Hồi ấy, người ta đào một con kinh rẽ vào từ rạch Bến Nghé - tức đường Nguyễn Thái Học bây giờ - và bắc một chiếc cầu dưới bờ kinh để vận chuyển muối. Kho muối là những dãy nhà lá nằm dọc hai bên bờ kinh. Muối từ Phan Thiết và Bạc Liêu được vận chuyển về đây để xuất qua Campuchia. Đến khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn thì những kho muối trở thành hoang phế. Dân tứ xứ chạy giặc về đây cư trú rồi dần dần họp chợ, gọi là chợ Cầu Muối.

Theo nhà văn Sơn Nam thì chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối cùng ra đời vào một thời điểm như nhau, khoảng cách chỉ vài trăm mét bởi một dòng kinh. Cả hai chợ đều là "trên bến dưới thuyền" nhưng con kinh đào sau này lấp lại nên chợ Cầu Muối trở nên xa với bến sông.

Vì sao gọi là chợ Cầu Ông Lãnh? Một bài báo của Phong Vũ Trần Văn Hai (tức Khuông Việt) đoạt giải nhất cuộc thi lịch sử trên báo Tri Tân xuất bản tháng 6-1942 đã kể lại rằng: Năm 1874, triều đình Huế ký hiệp ước cắt đứt Nam Kỳ giao cho Pháp, theo hiệp ước này thì chính quyền Pháp được đặt lãnh sự quán ở Hà Nội và ngược lại, nhà Nguyễn được đặt lãnh sự quán ở Sài Gòn, trụ sở đóng tại góc đường Đề Thám - Trần Hưng Đạo ngày nay, vị lãnh sự ấy là ông Nguyễn Thành Ý (hiện còn tên đường ở phường ĐaKao, quận 1). 

Công việc chủ yếu của lãnh sự quán lúc bấy giờ là làm thị thực cho người miền Trung vào Sài Gòn mua bán nên ông Nguyễn Thành Ý thường đi chiếc xe song mã qua lại khu vực chợ dưới bến Chương Dương, chỗ chiếc cầu neo đậu xuồng ghe của giới thương hồ. Từ đó mới có tên gọi là chợ Cầu Ông Lãnh.

“Năm 1875, chính quyền Pháp ở Sài Gòn chính thức cho phép thành lập chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh. Nếu tính từ mốc thời gian ấy thì đến nay đã tròn 125 năm, còn khoảng thời gian trước đó bao nhiêu năm nữa thì vẫn chưa có lời giải đáp” - Võ Đắc Danh.

Nguyễn Mỹ Khanh