Chi 30 triệu đồng làm vườn sân thượng, gia chủ Sài Gòn thu hoạch "mỏi tay"
(Dân trí) - Sắp xếp hàng chục chậu cây thành các tầng cao thấp khác nhau, anh Công làm khu vườn 20m2 như rộng gấp đôi trên sân thượng, giúp gia đình chủ động được nguồn thực phẩm sạch hàng ngày.
Anh Vũ Thế Công (ở quận 10, TPHCM) bắt đầu làm vườn sân thượng cách đây hơn 4 năm với mong muốn đảm bảo được nguồn thực phẩm sạch hàng ngày cũng như tạo không gian xanh để các con và gia đình có chốn thư giãn giữa phố thị.
Sân thượng rộng khoảng 20m2, nằm trên tầng 5 của ngôi nhà, được anh Công thiết kế theo mô hình thổ canh để thuận tiện thực hiện việc tái tạo rác nhà bếp, giữ gìn cảnh quan môi trường.
Gia chủ cũng phân chia vườn thành 3 tầng, tận dụng mọi không gian có thể nhằm mục đích tiết kiệm diện tích và trồng được nhiều loại rau trái hơn.
Ngoài các chậu thấp ở vị trí sát sàn, anh bố trí chậu cao cách sàn 1m và lắp khung làm giàn cho cây thân leo (cách sàn 2,5m). Xung quanh vườn còn được sắp xếp nhiều chậu treo. Với thiết kế như vậy, các tầng chậu đều nhận được đủ ánh nắng khoảng 8 tiếng/ngày, giúp cây cối phát triển khỏe mạnh và hạn chế sâu bệnh.
Thời gian đầu làm vườn sân thượng, anh Công cũng gặp nhiều khó khăn như phải vận chuyển đất, phân bón và vật tư từ tầng trệt lên tầng 5 khá vất vả. Về kinh nghiệm, anh lên mạng học hỏi, tham khảo kiến thức từ những người có cùng đam mê rồi áp dụng vào thực tế.
Sân thượng ở trên cao, không bị che khuất bởi các nhà cao tầng xung quanh khác nên nhận được nhiều ánh nắng mặt trời, giúp gia chủ thoải mái lựa chọn trồng nhiều giống cây khác nhau.
Gia chủ sử dụng chậu nhựa PE kích thước 45x65x20 để trồng các giống rau ngắn ngày, cho thu hoạch liên tục như rau cải, rau muống, mồng tơi, cúc tần ô, cần nước, củ cải…
Các cây thân leo và cây ăn trái như bầu, bí, mướp, khổ qua, khế,... được trồng trong chậu xi măng nhẹ, có kích cỡ 40x60x60cm và 40x80x40cm. Ngoài ra, trong vườn còn có nhiều rau gia vị như húng quế, húng lủi, ngò gai, rau hẹ, hành, tỏi,... và rau ăn sống gồm xà lách, rau mầm.
Chủ nhân khu vườn dùng gọng sắt không rỉ kết hợp với xơ dừa để làm giá thể trồng dâu tây.
Để tô điểm màu sắc cho khu vườn và có "món quà tinh thần" dành tặng bà xã trong những ngày đặc biệt hay dịp lễ Tết, anh Công còn đầu tư thêm nhiều chậu hoa lan, hoa hồng, hoa đồng tiền,...
"Để đảm bảo đủ không gian cho cây phát triển trong điều kiện hạn chế về mặt diện tích thì cần chú ý đặt các chậu lớn đúng vị trí chịu lực của tầng thượng, giảm tải trọng lên sàn. Với giàn leo thì nên làm sắt kẽm kiên cố vì trên sân thượng, gió rất mạnh. Các loại chậu treo cũng nên chọn kiểu chậu composite hoặc chậu có kết cấu chắc chắn. Việc thiết kế khoa học sẽ giúp phát huy tối đa công năng của khu vườn trên cao", chủ nhân khu vườn chia sẻ.
Về giá thể, sau mỗi vụ thu hoạch, gia chủ đem ủ 50% đất thịt trong chậu với 25% trấu, xơ dừa, 25% phân hữu cơ (phân bò ủ hoai và phân trùn quế) và ít vôi bột. Sau khoảng 4 tuần thì mang hỗn hợp đất ra trồng và bổ sung thêm ít NHK phù hợp với giống cây. Phần 50% đất còn lại đem trộn với 50% đất đã ủ và ít vôi bột, ủ 1-2 ngày là có thể trồng được.
Để đảm bảo rau trái sạch, an toàn cho sức khỏe của cả gia đình, anh Công "nói không" với chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng phân hóa học hay thuốc trừ sâu. Anh tự ủ các loại phân hữu cơ như phân bò, phân dơi, phân gà hoặc tự nuôi trùn quế bằng rác nhà bếp để lấy nguồn phân trùn và nguồn phân compost (bổ sung nguồn vi lượng rất tốt cho đất).
Anh tự chế hỗn hợp từ rượu tỏi ớt, dầu neem,... làm dung dịch phun phòng trừ côn trùng gây hại. Thậm chí, gia chủ còn bật đèn vào 9-10 giờ tối để bắt sâu thủ công, đảm bảo từng bữa ăn chất lượng cho cả nhà.
Thời gian đầu mới làm vườn trên cao, gia chủ thường tốn nhiều giờ mỗi ngày để thiết kế, lắp đặt, trồng thử nghiệm cây. Khi vườn hoạt động ổn định hơn, anh dành 1-2 tiếng đồng hồ vào sáng và chiều để chăm cây, thu hoạch, tưới nước. Khu vườn còn được bố trí hệ thống tưới nước tự động, giúp người "nông dân sân thượng" tiết kiệm thời gian và công sức chăm sóc.
Đầu tư chi phí khoảng 30 triệu để chống thấm, lát gạch, làm giàn, lắp hệ thống tưới, hệ thống kệ và thùng nhựa, đến nay, anh Công đã sở hữu vườn rau trái sum suê quanh năm. Nhờ đó mà gia đình anh cũng chủ động được nguồn thực phẩm sạch hàng ngày, hiếm khi phải đi chợ, nhất là trong mùa dịch.
Ngoài cung cấp nguồn rau trái sử dụng cho cả nhà, ông bố trẻ còn chia sẻ thành quả lao động với người thân, bạn bè và hàng xóm xung quanh.
Từ khi có khu vườn "trên cao" xanh tốt, các thành viên trong gia đình anh Công cảm thấy sống khỏe, tràn đầy năng lượng hơn. Con trai anh rất hào hứng khi được theo bố mẹ lên vườn, chăm sóc cây cối. Bé cũng thoải mái khám phá, tìm hiểu về thế giới tự nhiên.
Mỗi dịp cuối tuần, gia chủ lại tổ chức tiệc nướng ngoài trời trên vườn sân thượng, tạo không gian thư giãn lý tưởng để cả nhà quây quần, sum họp.
Gặt hái được thành quả từ vườn sân thượng, sau vài năm, anh Công cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân, nâng cao "tay nghề" trong quá trình trồng trọt trên cao. Để làm vườn hiệu quả, gia chủ cho rằng, cần phải xác định cách thức trồng trọt và quy hoạch sân thượng ngay từ đầu.
"Trước khi làm vườn, trồng trọt, bạn phải làm chống thấm, thoát nước thật tốt và sắp xếp các chậu cây phù hợp để giảm tải trọng cho sàn cũng như thu được lượng ánh sáng cần thiết với từng loại rau trái. Cách bố trí không gian khoa học còn đảm bảo tính mỹ quan, không làm ảnh hưởng đến việc quan sát bao quát cả khu vườn.
Bên cạnh đó, bạn cần xác định phương pháp canh tác để thiết kế, lên kế hoạch mua vật tư và thi công. Việc lắp đặt hệ thống tưới tiêu thuận tiện, phù hợp cũng giúp tiết kiệm thời gian và công sức chăm vườn. Mình sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có điều khiển tự động từ xa để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi vắng nhà vài ngày cũng không lo cây bị khô héo", anh Công bày tỏ.