Giấu chồng làm vườn rau sạch, vợ đảm gây bất ngờ với thành quả trên mái tôn
(Dân trí) - Từ bỏ thói quen ngủ nướng, chị Nga sống khỏe hơn nhờ dành nhiều thời gian để làm vườn, trồng cây trên mái tôn, đồng thời có đủ rau trái sạch sử dụng giữa mùa dịch mà không cần đi chợ.
Đầu năm 2020 đến nay, gia đình chị Lê Thị Ngọc Nga (ở Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) không cần đi chợ thường xuyên mà vẫn có đủ thực phẩm sạch để cải thiện bữa ăn hàng ngày nhờ khu vườn "nhỏ mà có võ" trên mái tôn.
Trước đây, chị Nga từng trồng hoa để tô điểm không gian sống. Một lần vô tình lướt mạng thấy mọi người chia sẻ hình ảnh trồng rau trên sân thượng, chị mê ngay. Nhưng nhà không có sân thượng, chị quyết định tận dụng diện tích trên mái tôn để thỏa mãn niềm đam mê nhà nông.
"Mái tôn ở trên tầng 2, mình phải bắc ghế chui qua cửa sổ để vận chuyển thùng và đất. Tuy vất vả nhưng mà ham, nghĩ cảnh gia đình sẽ có rau sạch ăn hàng ngày mà không cần ra ngoài thường xuyên nên mình cố gắng từng ít một. Đầu tiên, mình chỉ làm vài thùng rồi sau đó tăng số lượng lên hàng chục thùng khác nhau", chị Nga nói.
Tuy nhiên, trồng trọt được một thời gian thì đất cằn cỗi, cây ngừng phát triển do gia chủ chưa biết cách cải tạo đất. Chán nản, chị bỏ mặc cho cỏ mọc đầy vườn. Thương vợ, chồng chị lại cặm cụi dọn dẹp, cất hết "đồ nghề" xuống nhà.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên, chị Nga có nhiều thời gian rảnh rỗi vì không phải đưa đón các con đi học. Chị lên mạng, tham gia các hội nhóm trồng cây. Ngắm nhìn thành quả lao động của mọi người, chị lấy động lực tiếp tục đam mê làm "nông dân sân thượng" lần hai.
Lần này, chị đầu tư bài bản hơn để trồng trọt, làm vườn trên mái tôn một cách chỉn chu và chuyên nghiệp. Sợ bị mắng, chị giấu chồng, tích cóp mua từng thùng nhựa rồi lén cất ngoài mái tôn. Sau một thời gian, khi vườn gần hoàn thiện với đủ các chậu đất, khay và cả hạt đang nảy mầm, chị mới kể với chồng.
Mái tôn rộng khoảng 40m2 được chị Nga phân tầng không gian giúp tối ưu diện tích và sử dụng thêm các chậu treo để có thể trồng được nhiều loại rau trái khác nhau. Nữ gia chủ cũng ưu tiên trồng rau theo mùa, sắp xếp luân phiên để cả nhà lúc nào cũng có thực phẩm sạch sử dụng.
Để làm vườn trên mái tôn hiệu quả, chị còn tìm tòi, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm từ những người có cùng đam mê. Khi nắm được cách cải tạo đất, ủ phân hữu cơ,... người mẹ trẻ ở Bình Dương trồng rau trái tự tin hơn và dần dần gặt hái được thành quả.
Ngoài các giống ngắn ngày, trong vườn còn có nhiều loại rau thơm, rau gia vị và các cây thân leo như bầu, bí, mướp, khổ qua,...
Chị ưu tiên trồng các loại rau trái mà gia đình thích ăn và thử sức thêm một vài giống lạ, không có bày bán ngoài chợ như mướp táo, bí hương, bầu khủng.
Để tiết kiệm diện tích và trồng cây đa dạng, chủ nhân khu vườn tận dụng các mặt thùng trồng dây leo. Khi dây bò lên giàn thì mặt chậu sẽ trống, lúc đó, chị mang cây con rau cải hoặc ghim nhánh rau thơm, bồ ngót trồng vào, vừa tránh lãng phí, vừa đỡ tốn đất và phân bón.
Gia chủ cũng trồng thành công trên mái tôn một số cây ăn trái như táo, cóc, ổi, sung Mỹ và cả dưa lưới.
Một số loại hoa như hoa cúc vạn thọ, trâm ổi, hương thảo,... cũng được bố trí trồng xen kẽ vừa để làm đẹp cảnh quan khu vườn, vừa ngăn chặn các loài côn trùng gây hại cho rau.
Mái tôn có nhược điểm là rất nóng nên chị Nga học cách tự chế các chậu thông minh giữ nước để cây không bị khô héo khi nắng nóng.
Các chậu nhựa treo cũng mau hư dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên chị thu gom những chiếc bình nước suối 5l, đem về tái chế làm thành chậu treo để trồng cây vừa bền vừa rẻ.
Người "nông dân thành thị" còn tận dụng rác thải nhà bếp để ủ thành phân bón, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa bổ sung nguồn dinh dưỡng cần thiết cho cây mà lại góp phần bảo vệ môi trường.
Đúc rút kinh nghiệm từ thực tế, chị Nga làm vườn ngày càng "lên tay" và cây trái trong vườn cũng phát triển khỏe mạnh, xanh tốt. Đều đặn mỗi ngày, chị lên vườn, chăm sóc cây cối từ 6h sáng.
Những ngày nông nhàn không có gì cần xử lý, chị chọn buổi chiều mát để ra mái tôn hít hà bầu không khí trong lành, thư giãn ngắm cảnh vườn và thành phố.
Gắn bó với vườn rau nhỏ, chị Nga không chỉ có nguồn thực phẩm sạch để cải thiện bữa ăn hàng ngày mà còn thay đổi lối sống và trở nên tích cực, lạc quan hơn. Không còn những ngày ngủ nướng đến gần trưa mới dậy, chị sống khỏe hơn nhờ làm vườn, trồng cây. Không chỉ thỏa mãn đam mê mà gia chủ còn thấy tinh thần sảng khoái hơn sau những bộn bề, lo toan của cuộc sống.
"Khu vườn là tài sản lớn nhất mà gia đình mình có được trong mùa dịch. Ai nấy đều bất ngờ khi ngắm nhìn thành quả lao động mà mình giấu chồng để làm. Nhờ có vườn rau trái mà cả nhà chủ động được nguồn thực phẩm sạch mỗi ngày, không cần lo lắng tìm chỗ mua rau củ quả khi dịch bệnh.
Vườn tuy nhỏ, đi lại và chăm sóc cũng bất tiện nhưng điều đó không ngăn cản được đam mê của mình. Mình cũng cố gắng học hỏi để làm vườn hiệu quả hơn nữa, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe của gia đình, vừa hồi xuân, tự tạo niềm vui cho bản thân", gia chủ bày tỏ.