Chàng trai 9x tái hiện một góc Đà Lạt bằng mô hình nhà gỗ tuyệt đẹp
(Dân trí) - Trong thời gian ở nhà vì dịch Covid-19 bùng phát, anh Minh Tân đã đem những ký ức thật đẹp về Đà Lạt để làm nên mô hình "Đà Lạt và nỗi nhớ".
Anh Trần Minh Tân (Sinh năm 1994) hiện đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai. Là một chàng trai yêu nghệ thuật, yêu du lịch mới đây anh chàng 9x đã khoe thành quả mô hình nhà gỗ mang đậm phong cách Đà Lạt do anh tự tay làm.
Mô hình hoàn toàn được làm thủ công hoàn thành trong vỏn vẹn 4 ngày, từng chi tiết nhỏ được Minh Tân tái hiện một cách sống động. Minh Tân đặt cho mô hình này một cái tên thân thương "Đà Lạt và nỗi nhớ".
Chia sẻ những kỷ niệm về Đà Lạt, chất liệu ý tưởng chủ đạo cho mô hình anh Minh Tân cho biết: "Do mình ở Đồng Nai, cũng gần với Đà Lạt nên những dịp nghỉ nào đó mình thường chọn Đà Lạt để du lịch. Mình thích khí hậu, khung cảnh và ẩm thực trên Đà Lạt. Hơn nữa bản thân mình cũng có dịp công tác vài tháng ở vùng đất này nên có thời gian trải nghiệm tại đây.
Kỷ niệm về Đà Lạt thì rất nhiều, nhưng đáng nhớ nhất là lần đầu mình cũng người yêu (giờ là vợ mình) đi từ Đồng Nai lên Đà Lạt bằng con xe độ, do vừa đi vừa ngắm cảnh, cộng với thời tiết cả ngày hôm đó mưa liên tục nên mất 14 tiếng mới tới nơi.
Đi gần đến Đà Lạt, tới Phi Nôm mình quyết đình rẽ qua Quốc lộ 27, vì bên đoạn đó hoa dã quỳ rất nhiều và đẹp, nhưng lại xui là Quốc lộ 27 đang làm đường và do mưa nên đường cực kỳ khó đi. Do đi con xe đó, gặp trời mưa, mà vào những đoạn đường đang thi công, bùn đất bắn tung tóe khắp cả người hai đứa. Đó là chuyến đi thê thảm nhất, vừa tắm mưa, vừa phơi nắng, như hai con cá khô, người thì toàn bùn đất, vừa lạnh, mệt.
Khi về gặp xe bị nhóm phượt khác thiếu ý thức đẩy ngã bị gãy tay côn, mà đoạn đường dài không có chỗ sửa xe, nên đành chạy côn sống một đoạn khá dài mới có chỗ sửa", anh Minh Tân nhớ lại.
Chuyến đi "thê thảm" nhưng khó quên ấy đã khiến anh có một ấn tượng sâu đậm với Đà Lạt. Thời gian gần đây vì không thể đi đâu vì dịch Covid-19 nên anh Tân đã quyết định làm một mô hình nhà gỗ Đà Lạt để ngắm cho đỡ nhớ không khí nơi đây.
"Do đang nghỉ dịch nên mình cũng có nhiều thời gian, mình dành khoảng 5 ngày để hoàn thiện xong sản phẩm này. Mình cũng khá đau đầu khi lên ý tưởng thiết kế mô hình sao cho cân đối và hợp lý", anh Tân chia sẻ thêm.
Ý tưởng ban đầu của anh Tân xuất phát từ những con dốc ở Đà Lạt, anh chủ ý thiết kế một quán cà phê nhỏ trên con dốc đó, theo trí tưởng tượng của anh về Đà Lạt, chứ không theo bất kỳ một hình mẫu nào.
Minh Tân bật mí, tác phẩm "Đà Lạt và nỗi nhớ" được chia bố cục ra 5 phần. Phần đầu tiên là phần đế gỗ để tạo mặt bằng theo ý muốn. Phần thứ hai là làm phần khung tạo hình ngôi nhà, chất liệu từ que đè lưỡi. Phần thứ ba là các bộ bàn ghế. Phần thứ tư là tái hiện lại cây cảnh trang trí, và cuối cùng là lên màu cho ngôi nhà.
Chia sẻ về phần khó khăn khi làm mô hình này anh Tân cho biết: "Khó nhất chính là tạo hình cho ngôi nhà, từ phần khung cho tới khâu hoàn thiện. Không chỉ có vậy khâu làm các bộ bàn ghế mini cũng đòi hỏi một sự tỉ mỉ rất cao. Một chi tiết rất phức tạp đó chính là tạo dáng cây cho hai cây hồng sao cho chân thực nhất".
Mô hình "Đà Lạt và nỗi nhớ" của anh Minh Tân có kích thước khá nhỏ, chiều dài, chiều rộng và chiều cao bằng nhau, chỉ vỏn vẹn 15 cm. "Mình thích làm những sản phẩm nhỏ, vì kích thước càng nhỏ càng khó làm, cần nhiều thử thách và kiên trì hơn", anh Tân nói.
Là một nhân vật khá quen mặt với cộng đồng mạng về biệt tài xây nhà từ gỗ vụn, đến nay tác phẩm "Đà Lạt và nỗi nhớ" của anh Minh Tân vẫn là một mô hình khiến nhiều người trầm trồ về sự tỉ mỉ và chân thực.
Dưới bài chia sẻ của anh nhiều người để lại bình luận bày tỏ nỗi nhớ Đà Lạt:
"Ngắm mô hình này bao nhiêu kỷ niệm về Đà Lạt ùa về. Đợi hết dịch mình nhất định sẽ trở lại thăm Đà Lạt lần nữa", bạn Minh Quỳnh viết.