Cây lá cẩm, bí quyết tạo nên món xôi đặc sản ở vùng cao Tây Bắc
(Dân trí) - Nếu từng đặt chân đến vùng cao Tây Bắc bạn nhất định phải thử món xôi ngũ sắc truyền thống của bà con đồng bào, một món được nhuộm bằng lá cẩm với đủ sắc màu bắt mắt.
Cây lá cẩm có vẻ ngoài trông như một loài cỏ dại, thân mọc bò, phân nhánh và có thể cắt một đoạn là có thể giâm trồng. Cây lá cẩm cũng rất dễ chăm sóc, dễ sống. Bạn chỉ cần giâm cành già xuống đất ẩm và tưới nước mỗi ngày, sau khoảng một tuần là cây có thể nảy chồi. Nếu chăm sóc tốt thì sau khoảng 45 ngày là bạn đã có thể thu hoạch.
Ở Việt Nam, cây lá cẩm được trồng nhiều nhất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, góp mặt trong những món ăn truyền thống của người dân bản địa. Nếu có dịp lên với bà con ở những tỉnh vùng cao Tây Bắc bạn sẽ có thể được thử món xôi ngũ sắc bắt mắt được đồ từ gạo nếp ngâm chung với nước xay từ lá cẩm.
Cây lá cẩm có 4 loại với các đặc điểm khác nhau, bao gồm:
Cây lá cẩm tím: Loại cây này còn được gọi là chằm lai. Lá của nó có màu xanh nhạt, mỏng, ít lông, hình trứng rộng. Diện tích mang đốm trắng ở dọc gân lá lớn và đặc biệt là dịch tiết ra có màu tím rất bắt mắt.
Cây lá cẩm đỏ: Cây này theo dân tộc Nùng còn được gọi là chằm thủ. Lá của chúng có hình bầu dục, gốc lá thon, xanh đậm và có nhiều lông. Mặt trên của lá không có bợt dịch trắng. Khi vò lá sẽ tiết ra dịch màu đỏ.
Cây lá cẩm tím đậm (cẩm Huế): Theo người Nùng, loại cây này còn có tên là chằm khâu. Nó có lá hình bầu dục, gốc tròn hoặc thon, lá có màu xanh đậm, dày và ít lông. Lá cũng ít gặp đốm trắng ở dọc gân. Khi vò lá sẽ tiết ra dịch có màu tím đậm.
Cây lá cẩm vàng: Người Nùng còn gọi loại cây này với cái tên là chằm hiên. Cây cẩm vàng vẫn còn mọc hoang khá nhiều nên nó cũng được gọi là cẩm dại. Lá của nó có hình trứng, gốc lá thon, đầu nhọn. Hai mặt lá đều có lông, phiến lá thường nhăn nheo, đặc biệt là phần mép lá. Khi vò lá sẽ tiết ra dịch màu vàng xanh.
Không chỉ đóng vai trò như chất tạo màu, cây lá cẩm còn được bà con vùng cao sử dụng như một vị thuốc giúp giảm ho và cầm máu. Bên cạnh đó, khi kết hợp với các vị thuốc khác nó còn có thể điều trị các chứng viêm phế quản, giúp tiêu đờm,…
Ngoài ra lá cẩm cũng được sử dụng để tắm cho trẻ nhỏ, đặc biệt vào mùa hè để làm giảm tình trạng rôm sảy.
Lá cẩm hỗ trợ rất nhiều cho các bà nội trợ trong quá trình nấu nướng, chế biến món ăn, làm nên những món ăn bắt mắt, hấp dẫn màu nhuộm thực phẩm, chế biến các món ăn như xôi, thạch, bánh chưng...