Cặp vợ chồng làm món bánh cuốn đậm hương vị Việt giữa trời Âu

Thảo Trinh

(Dân trí) - Mong muốn lưu giữ hương vị truyền thống, vợ chồng anh Trường chị Thảo quyết định làm món bánh cuốn Thanh Trì, phục vụ nhu cầu thưởng thức của cộng đồng người Việt tại Hà Lan.

Chị Dương Thị Phương Thảo và anh Đỗ Văn Trường (cùng 37 tuổi, lớn lên ở xã Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên) học chung với nhau từ cấp 2. Khi chị Dương đi du học thì cặp đôi không còn gặp nhau nữa. Năm 2011, cả hai mới liên lạc lại qua yahoo. 

Anh Trường học hàng hải, thường xuyên theo tàu đi làm việc khắp nơi. Năm 2012, trong chuyến đi đầu tiên đến châu Âu, vì tàu gặp sự cố phải dừng ở Amsterdam, Hà Lan 20 ngày, anh chị đã gặp gỡ nhau, cùng khám phá thành phố  và ôn lại những chuyện thuở bé.

Những ngày ngắn ngủi ở trời Âu khiến cặp đôi tìm được sự đồng cảm, thấu hiểu ở đối phương. Nhận thấy "đây chính là nửa kia" của mình, cả hai quyết định tiến tới hôn nhân. Vì mỗi chuyến đi tàu của anh Trường kéo dài 9 tháng nên cặp đôi thông báo hai bên gia đình chuẩn bị trước, chờ anh xong nhiệm vụ là tổ chức đám cưới. Tháng 9/2013, anh chị về Việt Nam làm đám cưới, cùng chào đón cô con gái đầu lòng.

Cặp vợ chồng làm món bánh cuốn đậm hương vị Việt giữa trời Âu - 1

Tổ ấm nhỏ tràn đầy hạnh phúc của anh Trường và chị Thảo.

Vì công việc, anh Trường tiếp tục theo tàu lênh đênh trên biển còn chị Thảo đưa con gái qua Hà Lan sống và làm việc. Cứ sau mỗi chuyến tàu, anh lại bay qua Hà Lan với vợ con trong 3 tháng. Đến năm 2018, anh chính thức định cư sang trời Âu, đoàn tụ cùng tổ ấm nhỏ, mang theo "bí quyết" làm món bánh cuốn đã học được trong thời gian chờ đợi visa.

"Bánh cuốn là món mình rất thích, có thể ăn 3 bữa trong nhiều ngày. Thấy mình mê quá nên trong lúc chờ visa, ông xã quyết định dành nguyên một tháng để tham gia khóa học làm bánh cuốn, hy vọng khi gia đình đoàn tụ có thể làm cho mình món ngon chuẩn vị quê nhà", chị Thảo nói.

Thấy bánh cuốn chồng làm rất vừa miệng, thơm ngon nên chị động viên ông xã làm bánh để bán, vừa vơi bớt nỗi buồn xa xứ, vừa mang món ăn truyền thống tới gần cộng đồng người Việt tại Hà Lan và có thêm chút thu nhập.

Cặp vợ chồng làm món bánh cuốn đậm hương vị Việt giữa trời Âu - 2

Món bánh cuốn đậm đà hương vị Việt của anh Trường chị Thảo "hút khách" giữa trời Tây.

Thời gian đầu, anh chị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm loại gạo phù hợp để xay làm bánh. Nguyên 1 tháng trời, cặp vợ chồng Việt phải đi nhiều siêu thị châu Á, gom đủ loại gạo về thử. 

Thất bại liên tiếp khiến cả hai từng thấy buồn và nản nhưng rồi lại động viên nhau không được bỏ cuộc. Tới bịch gạo cuối cùng, anh chị vô cùng hạnh phúc và vui sướng vì đã làm thành công món bánh cuốn truyền thống. Sau lần đó, anh Trường chị Thảo quyết định làm bánh cuốn xay từ gạo tại Hà Lan

Ban đầu, cặp vợ chồng trẻ đăng bài trên trang facebook cá nhân, các hội nhóm mạng xã hội để "quảng cáo". Vì chưa có nhiều khách nên anh chị còn tặng miễn phí, khuyến mãi "quà quê" để mọi người ăn thử.

Cặp vợ chồng làm món bánh cuốn đậm hương vị Việt giữa trời Âu - 3

Phần nhân thịt mộc nhĩ được chế biến tỉ mỉ, có hương vị đậm đà và dậy mùi thơm.

"Người Việt ở Hà Lan sống rải rác, không tập trung nhiều trong cùng một thành phố nên thời gian đầu, vợ chồng mình phải lái xe ô tô đi giao xa để lấy khách, đơn 1kg bánh cũng nhận. Suốt nhiều ngày liền, chồng dậy chuẩn bị nguyên liệu, làm bánh từ đêm khuya tới sáng để mình kịp chạy xe đi giao cho khách ở các thành phố khác", chị Thảo nhớ lại chuỗi ngày vất vả mới "khởi nghiệp".

Từ những phản hồi đầu tiên của khách, nhận được lời khen về hương vị của món ăn, vợ chồng anh Trường chị Thảo thấy hạnh phúc và có thêm động lực gắn bó với công việc.

Mỗi sáng, anh Trường ngâm gạo từ sớm, chờ mấy tiếng rồi đem xay. Bột được ủ tiếp đến sáng ngày hôm sau mới có thể tráng bánh. Để làm bánh cuốn ngon, phù hợp khẩu vị, anh tráng bánh thật mỏng và cho đầy đặn nhân, hạn chế tối đa sử dụng dầu mỡ.

Cặp vợ chồng làm món bánh cuốn đậm hương vị Việt giữa trời Âu - 4

Bánh được làm từ gạo xay nên khách muốn thưởng thức phải đặt trước 2 ngày.

Cặp vợ chồng làm món bánh cuốn đậm hương vị Việt giữa trời Âu - 5

Lớp bánh trắng mịn, mềm mỏng được tráng thủ công.

Để bánh giao tới khách còn nóng hổi và đạt chất lượng nhất, anh chị chỉ làm số lượng vừa phải, không chế biến đại trà. Mỗi khi nhận được đơn đặt hàng, cặp vợ chồng trẻ mới đi mua thịt về làm nhân, hầm cả tiếng cho thịt mềm, đậm đà hương vị.

Bánh được làm với phần nhân đầy đặn nên khách chỉ cần ăn bánh cuốn kèm rau thơm, chấm cùng chút nước mắm đủ vị chua cay mặn ngọt. Phần nước chấm và hành khô được anh chị chuẩn bị sẵn và tặng kèm cho khách miễn phí.

Cặp vợ chồng làm món bánh cuốn đậm hương vị Việt giữa trời Âu - 6

Bánh cuốn nhân thịt đầy đặn, ăn kèm hành phi và nước chấm. Nước chấm vị không quá đậm, thực khách có thể chan, chấm hay húp tùy ý.

Tuy chưa mở quán, chỉ làm bánh bán mang về nhưng sau một thời gian, anh Trường chị Thảo đã nhận được lượng khách đặt bánh cuốn đều đặn. Thỉnh thoảng, đôi vợ chồng 37 tuổi lại mời mọi người tới nhà, thưởng thức bánh tráng cuốn nóng tại chỗ. 

Tại đây, khách có thể ăn thử tất cả các loại bánh anh Trường làm nhưng chưa từng đăng bán như bánh cuốn trứng, bánh cuốn tôm,... tùy theo sở thích. Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện đủ thứ rất vui vẻ. Nếu muốn, khách còn có thể trải nghiệm cảm giác tự tay tráng món bánh "trứ danh" của quê hương.

"Khách ăn bánh cuốn chủ yếu là người Việt và cả dâu rể Tây. Họ rất thích thú với hương vị của món truyền thống này. Một số khách nước ngoài được bạn bè mua mời ăn một lần cũng xin số để đặt bánh", chị Thảo kể.

Cặp vợ chồng làm món bánh cuốn đậm hương vị Việt giữa trời Âu - 7

Ngoài bánh cuốn, vợ chồng gia chủ còn làm món bánh phở cuốn với phần nhân là thịt bò xào, ăn kèm rau sống để giữ nguyên hương vị truyền thống.

Hiện cặp vợ chồng làm bánh cố định vào thứ 5 hàng tuần cho một siêu thị Việt online và phục vụ cho khách ngoài vào thứ 7. Mỗi lần như vậy, anh chị làm khoảng 20kg bánh cuốn.

Không chỉ mang lại nguồn thu nhập, công việc làm bánh cuốn còn giúp chị Thảo anh Trường vơi bớt nỗi nhớ hương vị quê nhà, đồng thời kết nối cộng đồng người Việt tại Hà Lan thêm tình cảm, gắn bó qua món ăn dân dã, bình dị đặc trưng.