Cấm Hoa hậu, người mẫu chụp ảnh nude là cản trở sáng tạo nghệ thuật?

(Dân trí) - Liên quan đến những quy định của Thông tư số 01/2016 do Bộ VH,TT&DL mới ban hành về việc cấm các người đẹp, người mẫu chụp ảnh nude…, luật sư Vi Văn Diện cho rằng quy định đó sẽ cản trở sáng tạo nghệ thuật.

Luật sư Vi Văn Diện - Công ty Luật Thiên Minh cho rằng, những quy định tại điểm a khoản 1 điều 3 của Thông tư số 01/2016 do Bộ VH,TT&DL mới ban hành là thừa thãi, không cần thiết.

Ông Diện giải thích, theo quy định tại Khoản 2, Điều 31, Bộ Luật Dân sự thì "Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác".

Khoản 3 Điều 31 còn quy định: “Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”

Luật sư Vi Văn Diện.
Luật sư Vi Văn Diện.

Điều 38 của Bộ Luật Dân sự cũng quy định về Quyền bí mật đời tư. Theo đó, Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Ngoài ra, Luật Công nghệ thông tin đã có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm đối với việc thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng. Đối với việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự.

“Trong trường hợp đối tượng thực hiện những bộ ảnh nude nghệ thuật hoặc bộ ảnh với trang phục gợi cảm nhưng không phô bày thô thiển thân thể và họ muốn đưa lên mạng để khoe nét đẹp xuân thì của mình thì không có cơ sở để xử lý họ được. Không phải cứ không mặc gì thì bị quy gán là phản cảm. Không mặc đồ nhưng họ có ôm bó hoa, quàng cái khăn hoặc chọn những góc cạnh nghệ thuật nhất để chụp, đó là quyền tối thiểu họ được phép. Như thế sao gọi là phản cảm. Phản cảm là xâm phạm đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. Những bộ ảnh nude nghệ thuật thì đâu có gây ảnh hưởng gì đến thuần phong mỹ tục”, luật sư Diện nói.

Theo luật sư Vi Văn Diện, việc Thông tư số 01/2016 quy định “người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông” sẽ cản trở khả năng sáng tạo của các người mẫu, người đẹp trong lĩnh vực họ hoạt động.

Ông Diện cho rằng, những quy định của Thông tư 01/2016 là thừa thãi, không cần thiết.
Ông Diện cho rằng, những quy định của Thông tư 01/2016 là thừa thãi, không cần thiết.

Ông Diện cho rằng, những quy định này thiếu tính hợp lý và đã có các văn bản khác quy định rồi nên không cần thiết phải quy định lại. “Trong Thông tư 01/2016 có sử dụng cụm từ “vô ý” tôi thấy là không hợp lý. Hình ảnh tôi lưu trong phương tiện cá nhân nhưng vô tình bị mất sau đó người khác sử dụng những hình ảnh hoặc thông tin lưu trong phương tiện cá nhân đó phát tán, cuối cùng tôi bị phạt. Điều này hoàn toàn không có cơ sở để xử lý. Tôi đang là nạn nhân sao tôi lại bị phạt? Theo tôi, nên bỏ cụm từ “vô ý” trong quy định này vì điều này đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự ở những điều khoản đã nói ở trên”. Bản thân việc xử phạt cũng nên có hội đồng xem xét mục đích của từng cá nhân đối với hành vi phổ biến hình ảnh của mình chứ không thể đưa ra một quy định chung chung để áp cho tất cả mọi người”, ông Diện kiến nghị.

Theo ông Diện, người mẫu hay Hoa hậu hoặc người đẹp đều là công dân và họ không thể bị đổi xử bất bình đẳng bằng những quy định riêng mang tính khắt khe. Bản thân người mẫu, người đẹp hoặc Hoa hậu là những người được một tổ chức hoặc đơn vị công nhận, họ phải có quyền được phô diễn nét đẹp của mình. Nếu cấm họ chụp ảnh nude nghĩa là xâm phạm đến quyền tự do thể hiện bản thân và quyền sáng tạo nghệ thuật cũng như quyền được công chúng ghi nhận.

Thạc sĩ, Luật sư Tô Đình Huy - VP Luật sư Tô Đình Huy (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình là một trong các quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, nguyên tắc sử dụng quyền là không được xâm phạm đến quyền khác cũng được bảo hộ.

Một tấm ảnh bán nude của siêu mẫu Ngọc Quyên.
Một tấm ảnh bán nude của siêu mẫu Ngọc Quyên.

Trở lại quy định tại điểm a khoản 1 điều 3 của Thông tư số 01/2016 của Bộ VH,TT&DL, Luật sư Tô Đình Huy cho rằng, Nhà nước cần có quy định điều chỉnh việc sử dụng hình ảnh trên các mạng viễn thông bởi việc sử dụng đó có thể ảnh hưởng tiêu cực (xâm phạm) đến giá trị, truyền thống văn hóa, các chuẩn mực đạo đức xã hội cần được bảo vệ.

Tuy nhiên, bản thân nội dung của những quy định này có những điểm chưa hợp lý. Theo ông Huy đó là những vấn đề: thứ nhất, thuật ngữ "phản cảm" không thể xác định được nội hàm của nó; thứ hai, hành vi "vô ý phổ biến, lưu hành" không thể là hành vi vi phạm được. Do vậy, Luật sư Tô Đình Huy kiến nghị Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét lại các vấn đề nêu trên theo hướng: thay thế thuật ngữ "phản cảm" bằng thuật ngữ "trái với giá trị, truyền thống văn hóa, các chuẩn mực đạo đức xã hội..." để quy định được rõ ràng hơn.

Còn đâu là giá trị, truyền thống văn hóa... thì cơ quan thực thi phải có nghĩa vụ chứng minh khi xử lý hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, bỏ từ "vô ý" trong quy định bởi vô ý không thể là lỗi trong trường hợp này, có như vậy quy định mới phù hợp với thực tiễn xã hội.

Hà Tùng Long