Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyển chọn thiết kế Lễ phục

(Dân trí)- Sau nhiều hội thảo với mong muốn tìm ra tiêu chí của Lễ phục, sáng nay ngày 1/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức phát động cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế Lễ phục Nhà nước” tại Hà Nội.

Sau nhiều hội thảo với mong muốn tìm ra tiêu chí của Lễ phục, sáng ngày 1/8, Cục Mỹ Thuật nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra thông báo Tuyển chọn thiết kế Lễ phục Nhà nước với mục đích tìm ra bộ Lễ phục để sử dụng trong các hoạt động quốc gia và quốc tế, nhằm tôn vinh, thể hiện ý thức tự hào dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, khẳng định vị thế độc lập của một quốc gia có nền văn hiến lâu đời.
 
Bộ lễ phục được Việt Nam đưa ra nhân đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 14 năm 2006 (Ảnh: Hải Châu)

Bộ lễ phục được Việt Nam đưa ra nhân đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 14 năm 2006 (Ảnh: Hải Châu)

Theo đó, đối tượng tham gia cuộc tuyển chọn này sẽ là các cá nhân, tổ chức, nhà thiết kế chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp; người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài trên 18 tuổi.

Yêu cầu các thi sinh thiết kế 4 mẫu Lễ phục, gồm: mẫu Lễ phục của nam theo hướng hiện đại; mẫu Lễ phục nữ theo hướng hiện đại; mẫu Lễ phục nam theo hướng truyền thống và mẫu Lễ phục nữ theo hướng truyền thống.

Tiêu chí đánh giá sản phẩm dự thi phải mang tính biểu tượng văn hóa, có tính thời đại và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Mẫu thiết kế phải thuận tiện, phù hợp trong nghi lễ quốc gia và quốc tế, phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng của người Việt Nam. Cuộc tuyển chọn cũng khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện bằng chất liệu truyền thống được sản xuất trong nước.

Những mẫu tuyển chọn quy định mẫu thiết kế được vẽ bằng tay hoặc thiết kế bằng máy và các cá nhân, tổ chức tham dự chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm của mình theo quy định của pháp luật.

Được biết, vòng sơ khảo: Hội đồng Nghệ thuật sẽ xét chọn 20 mẫu thiết kế; trong đó, có 10 mẫu trang phục nam và 10 mẫu trang phục nữ vào vòng chung khảo. 20 mẫu thiết kế được chọn có giải thưởng trị giá 100 triệu đồng. Vòng chung khảo: Hội đồng nghệ thuật sẽ chọn 4 mẫu để trao 4 giải chính thức với tổng trị giá 120 triệu đồng.
 
Áo dài Việt Nam vừa truyền thống vừa tôn nét đẹp người phụ nữ Á đông

Áo dài Việt Nam vừa truyền thống vừa tôn nét đẹp người phụ nữ Á đông
 
 
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Vương Duy Biên thì những thiết kế được chọn vào Chung khảo sẽ được thể hiện thành sản phẩm và trình diễn để lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, báo chí… “Cuộc thi này nhằm tìm ra bộ Lễ phục để sử dụng trong các hoạt động quốc gia và quốc tế, nhằm tôn vinh và thể hiện ý thức tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, khẳng định vị thế độc lập của một quốc gia có nền văn hiến lâu đời”, ông Vương Duy Biên khẳng định tại Hội nghị.

Đến dự lễ phát động, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, nên có một bộ Lễ phục theo hướng truyền thống để tham gia vào các vào các buổi Lễ trọng của Quốc gia như Lễ giỗ tổ Hùng Vương chẳng hạn, nhưng cũng cần có một bộ Lễ phục theo hướng hiện đại để mặc trong những dịp giao tiếp ngoại giao. Tính hiện đại kết hợp với truyền thống sẽ giúp bộ Lễ phục mang tính hội nhập cao, hội nhập nhưng phải nhấn mạnh giá trị riêng biệt, đặc sắc. Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nêu ra các gợi ý trong thiết kế trang phục từ chính lịch sử của nước ta.

Theo đó, nhà sử học Dương Trung Quốc gợi ý từ trường hợp trang phục được cách tân của vua Khải Định, ông từng muốn có sự kết hợp giữa trang phục phương Tây  mà vẫn mang bản sắc Việt Nam, tuy nhiên trang phục này không thành công nên từng bị coi là lố lăng. Đáng khen ngợi hơn là trường hợp của cụ Phan Chu Trinh, ông vẫn dùng comple nhưng may bằng vải của Việt Nam, được khen ngợi khá nhiều. Một thời bộ vest từng được gọi tên là bộ cánh Phan Tây Hồ (tên khác của Phan Chu Trinh). Theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì hoàn hảo nhất là Vua Bảo Đại, ông là người Âu hóa từ gốc, nên sau khi đi du học ở Pháp về thì thay đổi toàn bộ trang phục của Cung đình theo hướng gọn nhẹ hơn nhưng mang tính truyền thống. Bộ áo dài của Nam Phương hoàng hậu chính là một thiết kế tiêu biểu nên học hỏi.

Những gợi ý của nhà sử học Dương Trung Quốc rất được các đại biểu tham dự đồng tình. Đây cũng là một trong những gợi ý hay để các nhà thiết kế tập trung sáng tác mẫu dự thi. Theo thể lệ cuộc thi thì các cá nhân, tổ chức, nhà thiết kế chuyện và không chuyên, người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài trên 18 tuổi đều được tham gia. Mỗi người đều có thể tham gia dự thi 4 mẫu Lễ phục: Nam/nữ theo hướng hiện đại, Nam/nữ theo hướng truyền thống.
 
Ban tổ chức sẽ nhận mẫu thiết kế từ ngày 1 đến 5/10/ 2013 tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm- 38 Cao Bá Quát, quận Ba Đình, Hà Nội.
 
Ban tổ chức cũng cho biết, buổi trình diễn các thiết kế sẽ không mời những người mẫu "chân dài" mà chỉ mời những người mẫu của đời thường để cho thấy tính ứng dụng cao trên sản phẩm.

 
Nguyễn Hằng- Nam Phong