“Bố ơi, mình đi đâu thế?” bị loại bỏ khỏi sóng truyền hình Trung Quốc, vì sao?

(Dân trí) - Loạt chương trình truyền hình thực tế “Bố ơi, mình đi đâu thế?” và những show tương tự, khai thác hình ảnh “con sao”, đã đưa lại nguồn lợi khổng lồ cho các đài truyền hình Trung Quốc. Nhưng giờ đây, những show này sẽ bị “cắt sóng”. Tại sao?

“Bố ơi, mình đi đâu thế?” bị loại bỏ khỏi sóng truyền hình Trung Quốc, vì sao? - 1

Mới đây, Trung Quốc đã ra lệnh hạn chế đưa trẻ em vào các chương trình truyền hình thực tế, những chương trình sử dụng đối tượng trẻ em làm nhân vật khai thác chính sẽ càng bị siết chặt. Nhà chức trách Trung Quốc cho biết quyết định này được đưa ra nhằm mục đích bảo vệ trẻ em khỏi việc trở nên nổi tiếng một cách “quá nhanh, quá nguy hiểm”.

Khi trẻ em nổi tiếng “quá nhanh, quá nguy hiểm”

Nhà chức trách Trung Quốc nhấn mạnh rằng những chương trình truyền hình thực tế khai thác nhân vật chính là con của những người nổi tiếng cần phải được quản lý sát sao. Tuyên bố này coi như đã đặt “dấu chấm hết” cho loạt những chương trình gây sốt trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc thời gian qua, mà người ta có thể hiểu ngay trong đó có “Bố ơi, mình đi đâu thế?”.

Trong thông báo về việc định hướng và kiểm soát chương trình truyền hình, Ủy ban Báo chí, Truyền thông, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình cấp Nhà nước của Trung Quốc khẳng định rằng con của những người nổi tiếng sẽ không được tham gia vào những chương trình truyền hình thêm nữa.

Ngoài ra, các phương tiện tin tức khác bên cạnh truyền hình cũng không được đưa tin, khai thác hình ảnh các em hay thực hiện những cuộc phỏng vấn đối với các “sao nhí” này. Nhà chức trách trong lĩnh vực truyền thông của Trung Quốc thường xuyên “đo nhiệt” cho từng “cơn sốt” của công chúng.

Đối với cơn sốt dành cho những chương trình truyền hình thực tế lấy “con sao” làm đối tượng khai thác chính, quyết định mới này được cho là giúp các em nhỏ còn chưa có đầy đủ sự phát triển về thể chất và tinh thần khỏi trở thành “mồi săn” của danh tiếng.

“Bố ơi, mình đi đâu thế?” bị loại bỏ khỏi sóng truyền hình Trung Quốc, vì sao? - 2

Hệ lụy từ việc trở nên nổi tiếng quá nhanh, quá sớm có thể ảnh hưởng tới cuộc sống riêng và sự phát triển bình thường của những em nhỏ này.

Đài truyền hình Hồ Nam (Trung Quốc) - đơn vị sản xuất loạt chương trình đình đám “Bố ơi, mình đi đâu thế?” - đã vừa phải nhanh chóng dừng việc thực hiện mùa 4 của loạt chương trình này, vốn được dự kiến ra mắt vào mùa hè năm nay.

Lần đầu lên sóng màn ảnh nhỏ Trung Quốc vào năm 2013, loạt chương trình truyền hình thực tế dành cho gia đình đã ngay lập tức khiến khán giả Trung Quốc “phát sốt” với những ông bố nổi tiếng và những đứa con nhỏ của họ.

Khi trẻ em trở thành công cụ kiếm tiền “siêu lợi nhuận”

Đài truyền hình Hồ Nam được cho là đã thu lợi lớn từ chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?” khi chi phí để được làm nhà tài trợ vàng đã tăng từ 28 triệu tệ (96 tỉ đồng) vào mùa đầu lên 500 triệu tệ (1700 tỉ đồng) vào mùa ba.

Thêm vào đó, các tờ tin tức Trung Quốc còn đưa tin rằng nếu mùa bốn được lên sóng, đài truyền hình Hồ Nam đã có thể thu hút hơn 1,5 tỉ tệ (5150 tỉ đồng) tiền quảng cáo.

Trước quyết định của nhà chức trách, các tờ tin tức chính thống của Trung Quốc đều thể hiện sự đồng tình, cho rằng những chương trình thực tế đang khai thác hình ảnh trẻ em thái quá, xâm phạm tới sự riêng tư của các em.

“Bố ơi, mình đi đâu thế?” bị loại bỏ khỏi sóng truyền hình Trung Quốc, vì sao? - 3

Một em nhỏ dù là “con sao”, nhưng vẫn có thể có được một cuộc sống tương đối bình thường, tuy vậy, sau khi tham gia vào một show truyền hình, các em liền trở nên nổi tiếng ngay lập tức và bỗng đắt show quảng cáo, sự kiện, đem về lợi nhuận lớn cho cha mẹ.

Dù cha mẹ các em có thể không có ý lợi dụng hình ảnh con mình, nhưng việc để trẻ nhỏ sớm liên quan đến các hoạt động thương mại, vô tình đã gây nên những tác động không lành mạnh cho sự phát triển tâm lý và thể chất của trẻ.

Trước đó, đã có những tin bài xuất hiện trên mặt báo Trung Quốc cho biết những em bé trở nên nổi tiếng sau các show truyền hình, mỗi khi xuất hiện cùng cha mẹ tại một sự kiện, sẽ nhận được rất nhiều “chi phí cảm ơn”.

Nhà chức trách Trung Quốc cũng thông báo một con số cụ thể rằng những show truyền hình thực tế đã thu lợi hơn 10 tỉ tệ (34300 tỉ đồng) doanh thu từ các hoạt động thương mại bên lề trong năm 2015.

Gần đây, nhà chức trách Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với cả các chương trình giải trí được thực hiện để phát trên mạng Internet nhằm tránh để những nội dung như tình yêu đồng tính, cảnh nóng khiêu dâm và cảnh bạo lực đẫm máu bị khai thác quá đà trên mạng.

“Bố ơi, mình đi đâu thế?” bị loại bỏ khỏi sóng truyền hình Trung Quốc, vì sao? - 4

Trước sự thành công của “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, đài truyền hình Hồ Nam dự định tạo thêm cơn sốt mới với “Mẹ tôi là siêu nhân”, khai thác câu chuyện xoay quanh những bà mẹ là người nổi tiếng và con nhỏ của họ.

Chương trình được lên sóng vào đầu tháng 3 vừa qua, nhưng cho tới giờ, show đã bị dừng phát sóng. Dù vậy, đài truyền hình Hồ Nam quyết định vớt vát bằng cách đưa show này lên phát sóng trên trang điện tử của đài vì khâu sản xuất đã hoàn thành.

Việc bất ngờ đưa ra lệnh cấm đối với show truyền hình thực tế khai thác hình ảnh trẻ em ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc các đài truyền hình sẽ bị mất một lượng doanh thu cực lớn đến từ quảng cáo mà đáng lẽ họ đã thu được rất dễ dàng.

Việc đưa ra lệnh cấm lần này được nhà chức trách Trung Quốc thực hiện sau một quyết định hồi năm ngoái yêu cầu các chương trình truyền hình thực tế phải phản ánh những “giá trị cốt lõi của đời sống người dân” thay vì trở thành “một kênh để những người giàu có, nổi tiếng trưng trổ”.

Khi Hàn Quốc cũng lo sợ vì “Bố ơi, mình đi đâu thế?”

Ở Hàn Quốc, ngay khi “Bố ơi, mình đi đâu thế?” mới ra mắt công chúng, báo chí nước này đã đặt câu hỏi: Liệu những đài truyền hình này có đang khai thác sức lao động của đối tượng trẻ em nhằm mục đích tăng lượng người xem?

Khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục của Hàn Quốc đã thể hiện sự lo lắng khi có những em nhỏ nhanh chóng trở nên nổi tiếng, được người dân cả nước biết đến sau khi góp mặt trong chương trình truyền hình thực tế. Điều này có thể gây áp lực không cần thiết đối với các em.

Cô bé Yoon Da Young, một cô bé xinh xắn mang hai dòng máu Hàn - Việt đã trở nên nổi tiếng tại Hàn Quốc sau khi tham gia vào chương trình “Chào bé con”, em bắt đầu nhận được những lời mời làm người mẫu thời trang nhí và tham gia đóng phim.
Cô bé Yoon Da Young, một cô bé xinh xắn mang hai dòng máu Hàn - Việt đã trở nên nổi tiếng tại Hàn Quốc sau khi tham gia vào chương trình “Chào bé con”, em bắt đầu nhận được những lời mời làm người mẫu thời trang nhí và tham gia đóng phim.

Mức độ phủ sóng rộng khắp của các chương trình truyền hình cũng đem lại những yếu tố bất lợi không ngờ cho các em nhỏ. Thực tế, khán giả khi xem chương trình luôn dành tình cảm rất cá nhân cho các em. Họ bình luận, yêu ghét theo cảm tính của riêng mình.

Thực tế, đã có những em nhỏ sau khi tham gia truyền hình thực tế, do không gây được thiện cảm với khán giả đã bị “tẩy chay”, bị bêu xấu trên mạng xã hội Hàn Quốc.

Nhiều nhà nghiên cứu xã hội nước này cho rằng luật pháp Hàn Quốc hiện chưa theo kịp sự phát triển của truyền thông, rằng họ đang thiếu luật bảo vệ đối tượng trẻ em khi làm việc trong môi trường truyền hình.

Nếu không được điều chỉnh kịp thời, những vấn đề nhức nhối sẽ xuất hiện trong tương lai khi đối tượng trẻ em bị khai thác sức lao động thái quá.

Nhiều người hiện đang nhầm lẫn khi cho rằng các em chỉ đơn thuần đang vui chơi trong một show truyền hình thực tế trong khi sau khuôn hình, các em bị yêu cầu thực hiện đi thực hiện lại những cảnh quay không đạt và phải hoàn thành những yêu cầu do đơn vị sản xuất chương trình đặt ra không khác gì người lớn.

Đối với những nước có nền công nghiệp truyền hình phát triển, họ có những quy định rõ ràng và chặt chẽ về việc trẻ em lao động trong lĩnh vực truyền hình.

Chẳng hạn, nhà đài có trách nhiệm phải giữ kín thông tin cá nhân của các em, hạn chế khung giờ làm việc của các em trong ngày và phải tôn trọng thời gian đi học của các em. Trong các điều luật này, trẻ em được coi như một đối tượng lao động đặc biệt, cần được quan tâm bảo vệ.

Bích Ngọc
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm