Bộ ảnh về bi kịch tảo hôn của cô dâu 15 tuổi
(Dân trí) - Cô gái trẻ bị buộc phải kết hôn với người đàn ông lớn gấp đôi tuổi mình. Trong ngày cưới, mọi người háo hức giúp cô chuẩn bị váy áo, trang điểm, chỉ riêng cô là lạc lõng trong chính hôn lễ của mình.
Ngày cưới thường được coi là ngày trọng đại và hạnh phúc nhất trong cuộc đời một cô gái, nhưng với cô bé 15 tuổi người Bangladesh - Nasoin Akhter - trông cô không thể đáng thương và tội nghiệp hơn thế trong “ngày vui” của đời mình.
Cô bé ấy bị cha mẹ ép gả cho một người đàn ông 32 tuổi dù thực lòng, bản thân Nasoin không hề mong muốn. Những bức hình chụp tại lễ cưới cho thấy cô bé còn đang tuổi đi học này trông thật thiểu não và cô độc, đôi khi còn để lộ ra sự sợ hãi khi quá trình chuẩn bị sẵn sàng cho hôn lễ đang càng lúc càng rút ngắn lại.
Nasoin Akhter sống ở huyện Manikganj, nằm ngay gần thủ đô Dhaka. Cô bé không phải một trường hợp hiếm gặp ở Bangladesh - đất nước có tỉ lệ tảo hôn thuộc vào hàng cao nhất thế giới.
Những tác hại xảy đến đối với một cô gái tảo hôn không thể đong đếm được. Ngay sau khi lấy chồng, các cô sẽ phải bỏ học bởi gần như không còn đủ tâm trí và điệu kiện về thời gian, sức lực để theo đuổi việc học hiệu quả được nữa. Thêm vào đó, sức khỏe sinh sản của bà mẹ và trẻ em thường không được đảm bảo ở đối tượng này.
Sự chênh lệch lứa tuổi giữa hai vợ chồng còn gây ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình, thậm chí là nguyên nhân sâu xa của những bất đồng, bạo lực xảy đến trong hôn nhân. Nguyên nhân chính của nạn tảo hôn ở đây là vì hủ tục, vì cái nghèo của gia đình và sự thiếu hiểu biết của cha mẹ.
Đối với những cô gái phải chịu cảnh tảo hôn, gia đình các cô thường nghèo, cha mẹ không thể lo cho con mình một tương lai xán lạn nên đành cho con đi lấy chồng sớm để đỡ phải lo lắng nhiều điều, lại bớt được một món hồi môn lớn phải chuẩn bị nếu để cô gái đến tuổi trưởng thành mới lập gia đình.
Ở Bangladesh, việc chuẩn bị hồi môn cho con gái về nhà chồng rất quan trọng, điều đó quyết định vị thế và hạnh phúc của cô gái ở nhà chồng. Đối với những gia đình nghèo, phải lo hồi môn cho con là một gánh nặng, vì vậy, nhiều nhà quyết định cho con lấy chồng sớm để bớt phải lo của hồi môn, vì nhà trai sẽ không đòi hỏi nhiều như đối với một cô dâu trưởng thành.
Ngoài ra, ở Bangladesh còn có nhiều vụ tạt axit xảy ra đối với phụ nữ trẻ, khiến những nhà có con gái rất lo ngại. Nguyên nhân thường thấy là do cô gái từ chối lời cầu hôn của một người đàn ông và bị trả thù… Đôi khi cha mẹ “tặc lưỡi” cho con đi lấy chồng sớm còn để khỏi phải lo những rủi ro có thể xảy đến.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail