Bí mật về bia không chữ, tượng mất đầu ở lăng mộ Võ Tắc Thiên
(Dân trí) - Võ Tắc Thiên là nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bà đã tận hưởng tất cả vinh quang và sự giàu có trong cuộc đời và sau khi bà qua đời, lăng mộ đặc biệt của bà cũng rất được quan tâm.
Võ Tắc Thiên (tên thật không được ghi lại) sinh năm 624 và được vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân triệu vào cung, phong làm tài nhân khi mới 14 tuổi. Sau đó bà trở thành Hoàng hậu thứ hai của Đường Cao Tông Lý Trị, con của vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Sau khi Đường Cao Tông qua đời vào năm 683, Võ Tắc Thiên (khi đó lấy tôn hiệu Thiên hậu) từng là Hoàng thái hậu và cuối cùng trở thành Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu, triều đại mà bà sáng lập tồn tại từ năm 690 đến năm 705.
Võ Tắc Thiên là nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc và trong 15 năm cai trị (từ năm 690 - 705) với tôn hiệu Thánh Thần Hoàng đế, Võ Tắc Thiên đã góp phần mở mang lãnh thổ Trung Quốc, tập trung phát triển kinh tế, khuyến khích phát triển Phật giáo. Võ Tắc Thiên cùng 2 vị Nữ hoàng không ngai khác là Lã hậu và Từ Hi Thái hậu được coi là 3 người phụ nữ nắm quyền lực tối cao nhất từng xuất hiện trong các triều đình phong kiến Trung Hoa.
Tuy nhiên, việc Võ hậu lên nắm quyền cai trị đất nước bị các nhà sử học Nho giáo chỉ trích mạnh mẽ. Lại thêm tính cách độc ác, hà khắc của bà khiến đông đảo cựu thần nhà Đường không phục.
Đầu năm 705, Tể tướng Trương Giản Chi cùng các đại thần phát động binh biến, ép Võ hậu thoái ngôi và đưa con trai bà là Đường Trung Tông Lý Hiển lên ngôi. Võ Tắc Thiên bị giam lỏng ở Lạc Dương và qua đời vào cuối năm 705, thọ 81 tuổi. Bà là một trong 3 vị Hoàng đế Trung Hoa có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử.
Sau khi Võ Tắc Thiên qua đời, bà và chồng là Đường Cao Tông được chôn cất tại Càn lăng ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Sinh thời, Võ Tắc Thiên đã tận hưởng tất cả vinh quang cùng với sự giàu có và sau khi bà qua đời, các thế hệ tương lai vẫn tiếp tục tranh cãi về những việc làm của bà. Tại lăng mộ của bà, tấm bia không chữ hay tượng đá không đầu cũng đủ khiến thế hệ mai sau phải xôn xao bàn tán.
Tại Càn lăng, ngoài mộ phần dưới lòng đất của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên, còn có 17 ngôi mộ nhỏ hơn, hay còn gọi là mộ bồi táng chôn cất thành viên hoàng tộc và các vị anh hùng. Càn lăng là một trong số 18 lăng mộ của nhà Đường được bảo tồn tốt nhất. Tính đến năm 2013, chỉ có 5 ngôi mộ bồi táng đã được khai quật. Cục di sản văn hóa Thiểm Tây từng thông báo rằng sẽ không thực hiện bất cứ cuộc khai quật nào tại Càn lăng trong ít nhất 50 năm tới.
Càn lăng ban đầu được bao bọc bởi hai bức tường. Bức tường bên trong kéo dài 1,45 km từ tây sang bắc, 1,58 km từ nam lên bắc, dày 24 mét. Mỗi cổng trong bốn cổng lăng đều có đặt một đôi sư tử đá. Bên ngoài cổng Bắc có ba đôi ngựa đá. Các tác phẩm điêu khắc trên đá tinh tế và trang nhã rải rác khắp nơi trong các khu lăng mộ và vẫn nguyên vẹn sau hơn 1.300 năm.
Dọc theo con đường được gọi là trục Thần đạo, du khách sẽ tìm thấy những tượng ngựa có cánh, sư tử, chim đà điểu. Những vị Hoàng đế của Trung Quốc cổ đại muốn cuộc sống dưới lòng đất của họ sẽ thịnh vượng nên họ thường đặt những sinh vật như chim muông, thú dữ trước lăng mộ của họ để canh gác.
Những con ngựa có đôi cánh được trang trí bằng những đường nét mảnh mai, tinh tế, đang phi nước đại. Đôi chim đà điểu được bố trí dọc theo trục Thần đạo là những cống vật dành cho triều đình nhà Đường từ các nước Trung Á. Các bức phù điêu chạm khắc hình chim đà điểu có niên đại từ năm 683. Ngoài ra còn có hình phượng hoàng truyền thống của Trung Quốc được mô phỏng trên cơ thể của những con đà điểu.
Hoàng Sào, người phát động khởi nghĩa Hoàng Sào, đồng thời cũng là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 874 - 884 từng huy động 400.000 quân đào Càn lăng nhưng các đường hào đã được đào sâu hơn 40 mét mà vẫn không tìm thấy đường chính vào lăng mộ.
Vào những năm đầu của Trung Hoa Dân Quốc, tướng Tôn Liên Trọng của Quốc dân đảng từng điều động một sư đoàn đến cướp Càn lăng, quân lính đã dùng thuốc nổ nhưng vẫn không tìm thấy lối vào lăng mộ và sau đó, ngay cả thuốc nổ cũng không dùng được. Những câu chuyện đó khiến Càn lăng ngày càng trở nên bí ẩn.
Mộ phần của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên nằm sâu bên trong Lương Sơn, cách kinh đô Tây An của nhà Đường khoảng 80 km về phía tây bắc. Không giống như nhiều lăng mộ khác của triều đại nhà Đường, các bảo vật trong lăng mộ hoàng gia của Càn lăng chưa từng bị trộm mộ đánh cắp.
Trên thực tế, chỉ riêng trong lăng mộ của Lý Trọng Nhuận (cháu nội của Võ Tắc Thiên), người ta đã tìm thấy hơn 1.000 món đồ bằng vàng, đồng, sắt. Lăng mộ của Lý Hiển (con trai của Võ Tắc Thiên) và công chúa Lý Tiên Huệ (người từng được gả cho Võ Diên Cơ, cháu trai của Võ Tắc Thiên) cũng có hàng nghìn đồ vật trong phần mộ khi được các nhà khảo cổ học khai quật.
Tại Càn lăng có một bia đá dành cho Võ Tắc Thiên nhưng điều đặc biệt là tấm bia này không khắc chữ và ngày nay được gọi là Vô tự bia. Bia đá cao 6,3 mét, rộng 2,1 mét và dày 1,5 mét. Có nhiều cách lý giải về Vô tự bia. Cách giải thích đầu tiên đó là, theo quan điểm của Võ Tắc Thiên, những gì bà đã làm không thể được viết chỉ trên một tấm bia. Vì vậy, Võ Tắc Thiên đã để trống bia đá với dụng ý là thành tích của bà vượt xa cách diễn đạt bằng lời nói.
Ngoài ra còn có những lời giải thích khác như: Theo di chúc của Võ Tắc Thiên có ghi rằng: "Những thành tựu hay sai lầm của tôi nên được các thế hệ sau đánh giá, vì vậy hãy để trống tấm bia của tôi". Có giả thuyết cho rằng Võ Tắc Thiên hiểu rõ những gì bà đã làm là đi ngược lại truyền thống và biết rằng tốt hơn là không viết bất kỳ chữ nào trên bia đá của mình. Cũng có những suy đoán cho rằng Võ Tắc Thiên tin vào Phật giáo và hiểu rằng sống, chết là chuyện nhỏ, không có đúng hay sai trong cuộc sống của mỗi người. Do đó bà đã để lại tấm bia trống.
Tại Càn lăng còn có 61 bức tượng đá có kích thước tương đương người thật. 32 bức tượng ở phía tây và 29 bức ở phía đông. Các bức tượng đứng cạnh nhau, chắp tay trước ngực ngay ngắn và thành kính. Các bức tượng xếp hàng trước lăng và phần lớn đầu của các bức tượng đã biến mất.
Các nhà khảo cổ phát hiện ra rằng những tượng đá này có trang phục và ngoại hình rất giống với của người Đông Thổ, vì vậy những tượng đá này có thể là tượng của tù trưởng các dân tộc thiểu số Trung Quốc cổ đại và tượng các sứ thần từ các nước chư hầu.
Một giả thuyết cho rằng đầu của những bức tượng đá này đã bị chặt bởi người của nhà Minh. Chuyện kể rằng, vào thời nhà Minh, một sứ thần nước ngoài đã đến thăm viếng Càn lăng và phát hiện ra rằng tổ tiên của ông đã đứng ở đây để canh gác các lăng mộ của Hoàng đế nhà Đường. Người này cảm thấy điều đó vừa bất lợi, vừa làm suy giảm tinh thần của đất nước đồng thời khiến lòng tự trọng của ông bị tổn hại nên ông đã chặt đầu các bức tượng cho hả giận.
Bên cạnh đó, một số học giả suy luận rằng đầu của các bức tượng đã bị rơi trong một trận động đất mạnh được ghi lại trong lịch sử vào năm 1556. Trận động đất này là một trong những nguyên nhân chính khiến 61 tượng đá này bị gãy đầu và ngoài các tượng người bằng đá, nhiều tượng ngựa bằng đá ở đây cũng bị hư hỏng phần đầu. Do điều kiện lúc bấy giờ, hầu hết các tượng đá này đều được lấy từ đá tự nhiên nên chất liệu không được chắc chắn.
Càn lăng đặc biệt bởi đây là lăng mộ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc chôn cất hai vị hoàng đế là Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên. Trong 1.300 năm qua, vô số người đã cố gắng tìm kiếm lối vào cung điện huyền thoại dưới lòng đất này, nhưng những bí mật của lăng mộ vẫn là một bí ẩn.
Võ Tắc Thiên là một trong những nhân vật lịch sử truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng. Gần đây, bộ phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ, một bộ phim truyền hình lấy bối cảnh nhà Đường thế kỷ thứ 7 - 8 với Phạm Băng Băng là nhà sản xuất đồng thời là diễn viên chính trong vai Võ Tắc Thiên được khán giả rất quan tâm.
Võ Mỵ Nương truyền kỳ được cho là bộ phim truyền hình có kinh phí đắt đỏ nhất của Trung Quốc. Đây là bộ phim có tỉ suất người xem cao nhất trong năm 2014 tại Trung Quốc và trở thành bộ phim đề tài cung đình ăn khách nhất năm 2014.