Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận gần 300 hiện vật quý về tình thầy trò

PV

(Dân trí) - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức sự kiện "Người lái đò hạnh phúc" để tiếp nhận hiện vật của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Chiều 20/11, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức sự kiện Người lái đò hạnh phúc để tiếp nhận các hiện vật của nhà báo, nhà văn Trần Thị Mỹ Dung, đồng thời nhằm tri ân các nhà giáo trên cả nước.

Sự kiện có sự tham gia của nhiều học trò cũ từ những khóa đầu tiên khi bà giảng dạy tại trường cấp 3 Hải Hậu (Nam Định) và trường Đoàn Kết (Hà Nội). Các học trò cũ đã tặng bà Mỹ Dung nhiều bó hoa tươi, nhiều lời hát, câu thơ nhân ngày vui lớn này.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận gần 300 hiện vật quý về tình thầy trò - 1
Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung giới thiệu những hiện vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp của mình (Ảnh: Thanh Tú).

Tại buổi lễ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận gần 300 tài liệu hiện vật bao gồm hiện vật, hình ảnh, một số ấn phẩm tiêu biểu và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 200 lá thư chứa đựng tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình và tình cảm thầy trò vô cùng trân quý.

Nhà giáo Mỹ Dung cho biết, mỗi kỷ vật là câu chuyện về tình yêu nghề, tình cảm gia đình gắn bó và đặc biệt là tình đồng nghiệp, nghĩa cô trò sâu sắc. Bà muốn bảo tàng lưu giữ những kỷ vật này để nó được ở lại lâu hơn với đời.

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - chia sẻ, sự kiện tiếp nhận hiện vật của nhà giáo Trần Thị Mỹ Dung có ý nghĩa quan trọng với Bảo tàng trong việc kể lại những câu chuyện thú vị qua các góc nhìn đa chiều về người phụ nữ. Trong đó hướng đến tiếp cận các bộ sưu tập gắn với cuộc sống gia đình và hoạt động xã hội của người phụ nữ đương đại.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận gần 300 hiện vật quý về tình thầy trò - 2
Những hiện vật quý của nhà giáo Mỹ Dung tại sự kiện (Ảnh: Thanh Tú).

Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1939 ở Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1961, bà về giảng dạy tại Trường cấp 3 Hải Hậu (Nam Định), sau đó là trường Nguyễn Trãi, Đoàn Kết (Hà Nội) và đến năm 1993 thì nghỉ hưu.

Sau 32 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, bà tiếp tục cống hiến trọn vẹn cho nghiệp "cầm bút" khi đã nghỉ hưu như  thường xuyên viết báo, làm thơ, viết văn, chụp ảnh, vẽ tranh,…

Cho đến nay, bà đã xuất bản 6 cuốn sách trong tập ký in riêng: Những chân dung phác thảo (NXB Lao động, 2002), Con người và sự kiện (NXB Lao động, 2004), Sáng mãi tấm gương đạo đức thầy cô (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012), Gặp gỡ người trong cuộc (NXB Văn học, 2013), Tri ân Đại tướng - Người hiền (NXB Văn học, 2014), Một tâm hồn Việt Nam (NXB Hội Nhà văn, 2015).

Bà từng tổ chức triển lãm ảnh Theo dấu chân Đại tướng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Quảng Ninh, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thanh Tú

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm