Bạn bè tiễn đưa nhạc sĩ Phan Nhân về nơi an nghỉ cuối cùng
(Dân trí) - Lễ động quan, đưa di thể của nhạc sĩ Phan Nhân về hỏa đài đã được bắt đầu từ 7h sáng nay (2/7). Đông đảo nghệ sĩ và thân hữu đã đến tiễn đưa tác giả ca khúc “Hà Nội - niềm tin và hy vọng” về nơi an nghỉ cuối cùng.
Từ 6h tại Nhà tang lễ Thành phố, thân nhân gia đình nhạc sĩ Phan Nhân đã tề tựu đông đủ để thắp nhang cho ông lần cuối, chuẩn bị cho lễ động quan và tiễn đưa nhạc sĩ về với đất mẹ.
Trong góc phòng, nghệ sĩ Phi Điểu ngồi một mình lặng lẽ. Khi thắp nhang cho ông lần cuối, bà chậm rãi nhìn ông và thầm thì lời chia biệt với người chồng đã gắn bó với bà hơn 60 năm cuộc đời.
Trong sáng nay, nhiều bạn bè lớn tuổi của ông bà đến từ rất sớm để thắp cho ông nén nhang và đưa tiễn ông đoạn đường cuối.
Bác sĩ Đoàn Thúy Ba, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã đến từ rất sớm, ngồi bên cạnh vợ nhạc sĩ Phan Nhân, cùng trò chuyện, thỉnh thoảng lại lấy tay lau nước mắt.
Bà chia sẻ: “Chúng tôi quen biết nhau từ thời trẻ, từ sau giải phóng, biết bà Phi Điểu từ khi bà làm ở đài phát thanh giải phóng. Tôi và gia đình nhạc sĩ rất thân thương, coi như gia đình ruột thịt của mình. Tôi đã lo cho ông từ khi phát hiện bệnh, nhưng khi kiểm tra đầy đủ thì đã muộn rồi. Khi mang qua bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thì đã bị ung thư di căn không cứu được nữa. Tôi cảm thấy ân hận vì mình không thể biết được bệnh tình của ông sớm hơn…”.
Đúng 6h30,công tác chuẩn bị lễ động quan bắt đầu. 7h, con trai trưởng của nhạc sĩ Phan Nhân đọc lời từ tạ, cảm ơn đến các cơ quan, đoàn thể và thân hữu đã đến chia buồn cùng gia đình, viếng tang cha anh… Ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND TP thay mặt thành phố đọc điếu văn chia buồn, nhắc lại những ca khúc và thành tựu lớn trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Nhân.
Khi lễ động quan diễn ra, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Lúc này, nghệ sĩ Phi Điểu cũng không thể kiềm được cảm xúc, bà không còn giữ được sự cứng rắn mà bà đã cố gắng giữ trong suốt những ngày tang lễ vừa qua để lo cho ông được trọn vẹn. Giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt buồn bã vì đau thương…
Ca sĩ Ngọc Ánh cũng có mặt trong sáng hôm nay để tiễn đưa cố nhạc sĩ Phan Nhân, chị xúc động chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất buồn, sự mất mát to lớn khi hai người đi cùng lúc. Lúc này, những tình cảm, những kỷ niệm như ùa trở lại. Tôi là hội viên hội âm nhạc cách đây 22 năm, là hội viên trẻ nên tôi được các nhạc sĩ gọi là con, xưng bố hết. Các bố rất thương tôi, mặc dù vẫn biết sinh lão, bệnh tử nhưng vẫn cảm thấy đau lòng. Tôi cầu mong cho bố sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc, bố đã sống trọn cuộc đời hạnh phúc trong âm nhạc”.
Trong sổ tang của gia đình, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, ghi nhận những đóng góp tích cực của nhạc sĩ Phan Nhân cho nền âm nhạc nước nhà: “Những bài tình ca của nhạc sĩ về đất nước, con người, về cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta sẽ mãi là tiếng lòng của người dân Việt Nam. Những sáng tác của nhạc sĩ dành cho thiếu nhi sẽ tiếp tục lan tỏa, nuôi dưỡng tâm hồn các cháu, góp phần hình thành nhân cách, tình yêu đất nước”.
Trong sổ tang tiễn biệt, nghệ sĩ nhân dân Đỗ Lộc cũng gửi bài thơ kính viếng tràn đầy cảm xúc về những nhân tài âm nhạc của đất nước đã lần lượt ra đi…
Bác Khê, bác Điểu, bác Nhân
Tuần nay các bác khuất dần non xanh
Hình như duyên đã hợp thành
Người hiền lại rủ người lành chơi xa
Nay vườn âm nhạc nước nhà
Cây cao bóng cả dần dà lưa thưa
Bầu trời thiếu vắng sao khuê
Biển xanh sóng vỗ thuyền về bến xa
Lung linh mặt nước bao la
Niềm tin hy vọng mãi là còn đây
Nhọc nhằn gửi lại chốn này
Danh thơm đất mẹ sum vầy ngàn thu…
Sáng nay, tiễn đưa ông lần cuối, ngoài người vợ đã gắn bó cùng ông mấy mươi năm trong cuộc đời, các con, các cháu, người thân trong gia đình còn có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, những người đã cùng nhạc sĩ gắn bó một thời trong chiến tranh lẫn hòa bình.
Ngày 2/7, nghệ sĩ ưu tú Lê Thiện đã có mặt rất sớm ở nhà tang lễ, cố giữ bình tĩnh để an ủi nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu. Nhưng trên chuyến xe đưa nhạc sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng, bà cũng không ngăn được dòng cảm xúc của mình. Bà nghẹn ngào: “Tôi không dám khóc nhiều, vì người ta nói khóc thì anh sẽ không yên tâm đi. Tôi thương chị Phi Điểu nhiều, chị là người phụ nữ rất giỏi chịu đựng, trong đám tang của anh, chị cũng không dám khóc…”.
Nghệ sĩ Lê Thiện chia sẻ thêm: “Cách đây gần 60 năm, khi tôi còn là một cô bé “đen đúa, ốm nhách, xấu xí” đi vào đoàn văn công. Anh Phan Nhân và chị Phi Điểu là một trong những người như thay cha, thay mẹ, thay gia đình chăm lo cho tôi từ thuở bé. Hôm nay nếu nói bùi ngùi xúc động thì chưa đủ với tâm trạng của tôi bây giờ. Tôi thấy như mất đi người anh, cao hơn nữa là người cha của mình trong những ngày đầu. Vẫn biết là quy luật của trời đất nhưng vẫn thấy đau…”.
Trong niềm xúc động về sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa, soạn giả Bạch Yến cũng không nói nên lời: “Tôi nói không được đâu, vì buồn lắm, từ thời còn cố soạn giả Trần Nam Dân, chúng tôi đã cùng lặn lội đi thực tế để viết bài. Nhạc sĩ Phan Nhân là người rất lạc quan, lúc nào cũng pha trò dí dỏm. Trong những chuyến đi nhờ có ông Phan Nhân mà chuyến đi bớt xa, bớt vất vả…”.
Nhạc sĩ Phan Nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân, sinh ngày 15/5/1930 tại Long Xuyên, An Giang. Nhạc sĩ Phan Nhân tham gia quân đội từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Genève, ông chuyển từ quân đội sang văn công, tham gia công tác tại các đơn vị nghệ thuật thuộc các đoàn văn công. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông chuyển về Phòng Văn Nghệ Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam II cho đến khi nghỉ hưu.
Các sáng tác của Phan Nhân thắm đượm cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước. Bài hát nổi tiếng Hà Nội - niềm tin và hy vọng của nhạc sĩ được đông đảo công chúng rất yêu thích. Ngoài ra, nhạc sĩ Phan Nhân còn viết bài hát viết cho trẻ em: Em là con gái má Út Tịch, Chú ếch con, Chú cừu Mộc Châu, Em là bông lúa Điện Biên, Hàng cây ơn Bác...
Nhạc sĩ Phan Nhân được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc, cùng nhiều huy chương và giải thưởng khác của các tổ chức Trung ương và địa phương…
Hôm nay, tiễn đưa nhạc sĩ về với đất trời, nhưng sự cống hiến cho âm nhạc và những gì nhạc sĩ để lại sẽ còn mãi trong lòng của khán giả, của nhân dân…
Bắt đầu lễ di quan, đoàn người kéo dài dằng dặc sau bức di ảnh của ông, đi ngang qua linh cữu nói lời tâm tình tiễn biệt ông. Gương mặt phúc hậu, râu tóc bạc phơ và nụ cười hiền lành của ông sẽ còn mãi trong lòng những người đã có mặt tiễn ông lần cuối.
Đoàn đưa tang lặng lẽ đi bộ tiễn ông từ Nhà tang lễ Thành phố sang đường Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa rồi mới lên xe chở linh cữu về nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Vợ ông – nghệ sĩ Phi Điểu nhất định phải đi bộ cùng tiễn đưa ông. Dù mọi người ngăn cản vì lo lắng cho bà tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn muốn được đi tiễn ông cùng dòng người…
8h, đoàn xe tang đã rời thành phố. Linh cữu nhạc sĩ Phan Nhân được đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Tro cốt của ông sẽ được gửi về thờ cúng tại chùa Hải Tuệ (quận 3), nơi vợ ông – nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu, vẫn thường đến thắp nhang và nghe kinh. Bà cho biết, ở đây bà có cảm giác rất yên tĩnh, thanh bình nên bà muốn đưa ông về ở đó. Bà sẽ được đến thăm ông nhiều hơn.