Bài 2: Loay hoay giữ cổng làng
(Dân trí) - Những chiếc cổng làng xưa cũ vẫn đứng vững với thời gian nhưng không còn phù hợp với xu thế phát triển của người dân. Những chiếc ô tô lớn nhỏ đủ kích cỡ không thể đi qua những chiếc cổng để vào làng. Giữ cổng làng nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân là một bài toán khó.
Người dân xứ Nghệ nói chung, cũng như những người hâm mộ túc cầu ắt hẳn không thể quên cổng thành sừng sững uy nghiêm trên đường dẫn vào “chảo lửa” thành Vinh. Đây cũng là điểm nhấn thu hút khách du lịch về với thành phố "Đỏ" này. Thành cổ Vinh được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, gồm 3 cửa: cửa Tiền ở phía Nam, cửa Tả ở phía Đông, cửa Hữu ở phía Tây.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự phá hoại của chiến tranh, di tích Thành cổ hầu như không còn lại gì, chỉ còn lại 3 cổng thành và khu hồ bao quanh. Sau một thời gian dài “trơ gan cùng tuế nguyệt”, 2/3 cổng thành Vinh đã được trùng tu lại. Mặc dù theo một số nhà nghiên cứu các cổng thành đã được khôi phục chưa hoàn toàn đúng với nguyên bản nhưng những chiếc cổng này đã trở thành một chứng tích lịch sử, một điểm nhấn văn hóa, du lịch của tỉnh Nghệ An nói chung. Cổng thành Vinh là một nét cổ xưa, một nốt lặng giữa phố thị ồn ào, như một nét quê giữa phố.
Làng Vĩnh Yên (Diễn Lộc) có lẽ là là ngôi làng hiếm hoi của huyện Diễn Châu (Nghệ An) vẫn đang giữ được cổng làng cổ. Theo các cụ cao niên trong làng, cổng được xây vào năm 1937 (Đinh Sửu), do thực dân Pháp xây dựng. Cụ Nguyễn Thị Thung (105 tuổi, làng Vĩnh Yên) nhớ lại, vào những năm 30 của thế kỷ trước, làng Vĩnh Yên gần với ga Yên Xuân – ga đường sắt lớn nhất thời bấy giờ. Trong làng có một bộ phận quan lại phong kiến thân Pháp nên các quan Pháp vẫn thường ghé làng chơi. Về sau, các quan Pháp quyết định xây cổng cho làng Vĩnh Yên, gồm một cửa trước và một cửa sau.
“Cửa này chỉ dành cho các quan lại người Pháp và quan lại, địa chủ phong kiến ta đi lại thôi. Còn dân thường như chúng tôi sớm mai đi cắt cỏ tranh, cắt rành rành hay đi làm đồng phải đi bằng lối khác, có khi là rẽ qua bụi cây để đi. Bên cạnh cổng có điếm canh và trống canh, mỗi khi có giặc, trộm thì người ta đánh mấy hồi trống và đóng cửa lại”, cụ Thung kể.
Sau gần 1 thế kỷ, làng Vĩnh Yên chỉ còn một chiếc cổng ở phía trước. Cổng được xây bằng gạch sò, kết cấu khá đơn giản nhưng chắc chắn. Đỉnh cổng có tên làng được đắp nổi bằng tiếng Việt cách điệu, được điểm thêm những cành hoa, phía dưới là dòng chữ “Laporte Dentree”. Mặt sau là dòng chữ Đinh Sửu Niên (năm Đinh Sửu) - thời điểm xây dựng chiếc cổng. Hiện cổng chỉ còn hai trụ đá và mái vòm, cánh cổng bằng gỗ chỉ còn lại dấu tích là hai chiếc “bản lề” đục thẳng vào đá. Chiếc điếm canh và trống canh cũng không còn.
Sau nhiều lần nâng cấp đường thì khoảng cách từ mặt đất lên cổng chỉ còn khoảng gần 2m, chiều rộng khoảng 1,5m. Ông Nguyễn Văn Thủy xóm Vĩnh Yên cho biết: “Giờ con em đi ra làm ăn cũng sắm được cái ô tô nhưng cổng hẹp quá, ô tô không vào được hay ngàymùa, việc vận chuyển lúa bằng xe cơ giới gặp nhiều khó khăn. Nhiều người cũng đề đạt ý kiến xây dựng cổng mới hoặc cải tạo cổng cũ cho đủ rộng nhưng dân làng yêu cầu cổng mới phải đúng nguyên bản cổng cũ.
Sau nhiều lần thiết kế và cũng như bàn bạc, mọi người vẫn chưa chấp nhận phương án cải tạo cổng làng vì nếu mở rộng cổng mà yêu cầu giữ như nguyên bản thì rất khó, gần như không thực hiện được vì cổng được gắn bằng những tảng đá sò, kết lại với nhau bằng vôi và mật mía. Giờ đang tính đến phương án tôn cao cổng lên”.
Trong khi đó, cổng phủ Tương (xã Xá Lượng, Tương Dương, Nghệ An) giờ cũng chỉ là còn là những bức tường lở lói. Từ chiếc cổng thể hiện uy quyền của quan lại ngày trước thì nay, chiếc cổng phủ Tương trở thành cổng phụ của Trường THCS Xá Lượng. Nếu không có hệ thống rễ cây đa chằng chịt bao phủ bảo vệ, có lẽ chiếc cổng cổ này cũng đã không thể chịu được sự tác động của thời gian và biến thiên lịch sử cũng như tác động của khí hậu khắc nghiệt nơi đây.
Nói về việc bảo vệ, trùng tu cổng cổ này, ông Vi Sắc Son – Trưởng phòng Văn hóa huyện Tương Dương cho biết, hiện công trình này đã được đưa vào danh mục trùng tu bảo vệ, tôn tạo. Tuy nhiên hiện tại huyện cũng chưa bố trí dược nguồn nên cũng chưa có kế hoạch cụ thể. Bởi vậy, trong khi “chờ” nguồn thì số phận của cổng cổ này cũng chưa biết sẽ ra sao.
Ngoại trừ thành cổ Vinh, những chiếc cổng cổ hiếm hoi còn lại ở Nghệ An vẫn chưa được quan tâm, trùng tu, bảo vệ đúng mức. Với sự phát triển nhanh cùng với công cuộc “bê tông hóa” các làng quê như hiện nay, nếu không có những biện pháp căn cơ thì những chiếc cổng cổ còn sót lại chẳng chóng thì chầy cũng sẽ biến mất. Và rồi, những chiếc “cổng làng trong tre”, những chiếc cổng cổ - chứng tích một thời kỳ lịch sử của làng quê xứ Nghệ chỉ còn lại trong ký ức, trong những câu thơ hoài niệm mà thôi.
Hoàng Lam
(Còn nữa)