Cổng làng - miền ký ức của những đứa con xa quê

(Dân trí) - Không phải làng quê nào cũng có cổng làng đối với những người con đi xa, nhưng hình bóng quê nhà vẫn in đậm trong tâm trí. Quê đối với họ là hình bóng đa, giếng nước đầu làng, là cây gạo đỏ rực mỗi tháng Ba sang...

Cổng đình làng Phù Xá đứng trơ trọi bên đường.
Cổng đình làng Phù Xá đứng trơ trọi bên đường.

Ai đi trên đường 12/9, qua địa phận xã Hưng Xá (Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng thấy một chiếc cổng cổ kính nằm đối diện với trụ sở UBND xã. Theo các cụ cao niên ở đây thì đây là cổng đình Phù Xá, cũng chính là cổng làng Phù Xá xưa. Đây cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của phủ Hưng Nguyên.

Trải qua nhiều biến thiên lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian, mưa nắng dấu tích còn sót lại của cổng đình làng Phù Xá là một chiếc cột nanh và chiếc cổng phủ đầy rêu phong. Giữa cột nanh và cổng đình Phù Xá trở thành lối vào của một quán cà phê. Cổng làng xưa giờ chỉ còn là phế tích với những mảng tường lở lói, nham nhở, rêu mốc, cỏ dại che lấp chân tường cũng với những bát hương vương vãi nền đất.

Thảng hoặc những người già nhớ về làng cũ vẫn dừng lại bên đường ngắm chiếc cổng rêu mốc, buông tiếng thở dài tiếc nuối hồn cốt ngày xưa rồi lầm lũi bước đi. Có lẽ bởi đứng trơ trọi bên đường nên nó không phải chịu chung số phận của nhiều cổng làng cũ khi bị “xóa sổ” để xây những cổng làng hiện đại, đồ sộ và hoành tráng.

Một cụ già tiếc nuối ngắm chiếc cổng làng xưa...
Một cụ già tiếc nuối ngắm chiếc cổng làng xưa...

Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nơi có cổng làng bạc tỷ vào loại hoành tráng nhất Nghệ An xưa vốn dĩ chẳng có cổng làng. Trong ký ức của những người làng Quỳnh xưa cũ ấy vẫn hằn nguyên bóng cây đa, cây gạo sừng sững nơi mảnh đất đầu làng ấy.

Cây đa, cây gạo ấy trồng từ bao giờ chẳng ai biết, có lẽ nó có từ thửa khai cơ lập làng. 4 mùa mưa nắng, cây đa, cây gạo trở thành chứng tích, chứng kiến sự phát triển của làng, trở thành một phần cuộc sống tinh thần, trở thành điểm tựa của người con xa quê. Các cụ cao niên ở đây vẫn nằm lòng câu nói “bóng cây đa, hoa cây gạo” là khi nói về làng xưa xóm cũ. Người đi xa về, chỉ nhìn thấy cây đa xum xuê tỏa bóng hay những bông hoa gạo đỏ rực tháng Ba là biết rằng mình đã về đến nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Sau nhiều năm bôn ba khắp chốn để thực hiện lý tưởng giải phóng dân nghèo, giành độc lập dân tộc, năm 1946, nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu - người con làng Quỳnh trở về thăm quê. Bước chân về đến đầu làng, ông ngơ ngác khi cây gạo đã biến mất. Hỏi thì được biết trong quá trình làm trường học, do thiếu gỗ để đóng bàn ghế nên lãnh đạo địa phương quyết định đốn hạ cây gạo để lấy gỗ.

Bóng cây đa, hoa cây gạo - khi đi xa về, nhìn thấy bóng cây đa sum suê hay hoa gạo đỏ rực tháng ba, những người con xa quê biết rằng mình đã về đến quê cha đất tổ (ảnh Cảnh Yên)
"Bóng cây đa, hoa cây gạo" - khi đi xa về, nhìn thấy bóng cây đa sum suê hay hoa gạo đỏ rực tháng ba, những người con xa quê biết rằng mình đã về đến quê cha đất tổ (ảnh Cảnh Yên)

“Không còn cách chi nữa à? Cây gạo quý lắm, từ khi khai cơ lập làng đến nay là mấy trăm năm rồi, thế mà bây giờ các anh chặt đi, các anh làm được cái gì mà các anh chặt cây của ông cha?”. Nói đến đấy, ông Hồ Tùng Mậu bật khóc…

Năm 1952, kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, ông Phan Hữu Thịnh khi đó là Thường vụ Đảng ủy xã Quỳnh Anh (gồm xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Thanh và Quỳnh Yên ngày nay) đã đề ra chủ trương chặt tỉa bớt cành đa để làm hầm trú ẩn, vừa tránh việc cây đa trở thành mục tiêu ném bom của địch. Nhưng ông không thể ngờ được rằng, chính những vết chặt đó đã giết chết cây đa làng Quỳnh. Mưa xuống, nước ngấm vào vết chặt, dần thối cả cành, thối vào tận thân cây. 3 năm sau thì cây đa làng Quỳnh - chứng tích duy nhất còn sót lại từ thủa lập làng cũng không còn.

Cây đa tỏa bóng, ôm ấy lấy cổng phủ Tương (xã Xá Lượng, Tương Dương, Nghệ An)
Cây đa tỏa bóng, ôm ấy lấy cổng phủ Tương (xã Xá Lượng, Tương Dương, Nghệ An)

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bôn ba khắp chốn để rồi ở cái tuổi xưa nay hiếm, khi trở về làng sinh sống ông Phan Hữu Thịnh vẫn day dứt khi những vết tích của làng xưa không còn giữ được. Quê hương phát triển thịnh vượng, là một người dân ông mừng chứ, nhưng bóng cây đa, cây gạo vẫn in hằn trong ký ức của ông.

Để rồi, không một ai trách cứ nhưng ông đã đứng lên trong một cuộc họp ở Quỳnh Đôi, đau đớn thốt lên rằng: “Đó là sai lầm của tôi. Tôi xin chịu trách nhiệm trước lịch sử về số phận của cây đa làng Quỳnh”!

Lịch sử sẽ không phán xét ông, con cháu làng Quỳnh cũng không vì thế mà trách cứ ông nhưng trong lòng ông, sai lầm ấy thật khó mà tự mình tha thứ dẫu rằng cái quyết định của hơn 50 năm về trước cũng vì an toàn của làng, của hàng trăm người dân làng Quỳnh trước bom đạn kẻ thù.

Tuổi thơ lớn lên bằng nhưng trò chơi bên cổng làng, dưới bóng cây đa, cây gạo...
Tuổi thơ lớn lên bằng nhưng trò chơi bên cổng làng, dưới bóng cây đa, cây gạo...

Tôi nhờ đến cái lắc đầu của cụ Phạm Mai Khôi – một người con làng Quỳnh khi nói về chiếc cổng làng của mình: “To thật đấy, đẹp thật đấy nhưng người đi xa về, nhìn thấy chiếc cổng làng không có được cái cảm giác là về quê. Người xa quê về làng, người ta mong được nhìn thấy chiếc cổng làng cổ kính, mộc mạc hay gốc đa, giếng nước, mái đình. Nơi ấy ngày còn nhỏ chúng tôi vẫn cùng nhau nô đùa, nơi mẹ tôi ngả nón những trưa hè làm đồng về qua, nơi cha tôi vác cày đi làm đồng vẫn cố nán lại nói dăm ba câu chuyện phiếm, nơi mẹ già tiễn con ra trận rồi mòn mỏi đợi con trở về…”.

Hoàng Lam

(Còn nữa)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm