Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt: "Cái kết đã được báo trước"
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia truyền thông cho rằng, vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng sẽ là một bài học lớn cho tất cả mọi người, ranh giới giữa tự do ngôn luận và vi phạm tự do của người khác rất mong manh.
"Không bất ngờ khi bà Phương Hằng bị bắt"
Sau một thời gian dài liên tục "gây bão" trên mạng xã hội bằng các livestream tố nhiều người nổi tiếng ăn chặn tiền từ thiện, ngày 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam đã bị khởi tố về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long, nhà sáng lập Truyền thông Trăng Đen chia sẻ, không cảm thấy bất ngờ khi nghe tin bà Hằng bị bắt vì đây là "cái kết đã được báo trước".
Theo vị chuyên gia này, nếu theo dõi các buổi phát trực tiếp của bà Nguyễn Phương Hằng, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy người phụ nữ này đã vượt quá những giới hạn về tự do ngôn luận.
Bà Hằng bắt đầu livestream để tố ông Võ Hoàng Yên, sau đó lại liên tục réo tên hàng loạt nghệ sĩ lớn như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, MC Đại Nghĩa ăn chặn từ thiện. Đôi khi, bà đề cập đến những mâu thuẫn cá nhân với người này người kia…
Theo ông Long, thông thường, một người livestream là để kéo follower (người theo dõi). Từ đó, họ thực hiện các mục đích như bán hàng, quảng bá hình tượng cá nhân.
"Nhưng một người rất giàu "như lời bà ấy nói" thì rõ ràng họ không có mục đích như vậy", vị chuyên gia này chia sẻ.
Luật sư Bùi Đình Ứng, Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội thì khẳng định, việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố là cái kết xứng đáng.
Ranh giới giữa tự do ngôn luận và sự tự do quá đà
Từ vụ việc này, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, cộng đồng mạng phải nâng cao nhận thức, tự mình phải biết phân biệt đúng, sai, không vì tâm lý a dua đám đông mà hùa theo người này người kia.
Theo luật sư này, quyền tự do ngôn luận không nên hiểu là muốn nói gì, nói ai... cũng được. Tự do ngôn luận phải nằm trong khuôn khổ giới hạn pháp luật và chuẩn mực của đạo đức.
"Tôi nghĩ, cơ quan công an cần xử lý nghiêm minh để từ đó răn đe, giáo dục những người khác", luật sư Ứng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng sẽ là một bài học lớn cho tất cả mọi người.
Theo vị chuyên gia này, truyền thông và mạng xã hội phát triển đã tạo cho các cá nhân cơ hội được cất tiếng nói một cách tự do và sẽ lan tỏa đến được nhiều người.
Trước đây, một người phải lên báo, lên ti vi, radio thì mới có thể tiếp cận được số đông. Tuy nhiên, sống trong thời đại 4.0, mỗi người có thể biến Facebook, Tiktok, Zalo… thành "kênh truyền thông" của chính mình.
Tuy nhiên những "kênh truyền thông đó" luôn tồn tại những hấp lực. Hấp lực về việc được tung hô, về "quyền lực" trên mạng xã hội dễ khiến người ta đi chệch đường lúc nào không thấy.
Chính vì vậy, mỗi người sẽ phải rất cẩn thận vì ranh giới giữa tự do ngôn luận và sự tự do quá đà dẫn tới vi phạm tự do của người khác rất mong manh.
Vị chuyên gia này phân tích: Bà Nguyễn Phương Hằng là tổng giám đốc một công ty lớn, từng làm được rất nhiều việc thiện nhưng cuối cùng vẫn đi sai đường. Vì vậy nên, bất kể các bạn là ai, đừng bao giờ các bạn nghĩ rằng vì mình rất giỏi, rất giàu và rất tốt thì cái gì mình làm mà được mọi người cổ vũ đều là đúng. Số đông ủng hộ chưa chắc đã đúng và bạn làm được rất nhiều việc tốt rồi bạn vẫn có thể sẩy chân.
"Chính vì vậy, cần cẩn trọng và tỉnh táo khi đưa ra phát ngôn trên mạng xã hội. Nếu không tỉnh táo, bạn sẽ bị kéo từ lằn ranh của cái tốt qua cái xấu, từ sự tự do của bản thân qua sự tự do của người khác. Các bạn hoàn toàn có thể vô tình bị như vậy nên lúc nào cũng phải tự nhắc nhở mình một điều rằng, sống và làm việc phải theo thượng tôn pháp luật", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.