Ba người phụ nữ có ảnh hưởng đến cuộc đời nhà viết kịch Lưu Quang Vũ
(Dân trí) - Trong buổi họp báo giới thiệu về đêm thơ nhạc kịch "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi", Ban Tổ chức đã chia sẻ về các "bóng hồng" đã đi qua và để lại dấu ấn với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
Sáng 8/8, nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh tác giả Lưu Quang Vũ, 35 ngày mất cặp vợ chồng tài hoa bậc nhất của văn chương, kịch nghệ Việt Nam, gia đình hai cố tác giả Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã phối hợp cùng báo Nông thôn Ngày nay tổ chức họp báo thông tin về đêm thơ nhạc kịch mang tên Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi.
Theo đó, chương trình sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 16/8 tới.
Phát biểu tại sự kiện, nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay, Trưởng Ban Tổ chức đêm thơ nhạc kịch, em trai nhà thơ Lưu Quang Vũ cho biết, di sản của nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ để lại rất đồ sộ. Những năm vừa qua, gia đình, đồng nghiệp và những người hâm mộ anh trai ông đã làm nhiều chương trình nghệ thuật khác nhau, nhưng mới chỉ mang tới khán giả một phần rất nhỏ trong số di sản đó.
"Có hai nguồn cảm hứng lớn nhất trong thơ và kịch Lưu Quang Vũ. Đó là gió - biểu trưng cho khát vọng tự do, cho quê hương, đất nước; Đó là tình yêu - với những bài thơ tình say đắm, lãng mạn.
Anh Vũ có một loạt tác phẩm với đầy cảm xúc công dân, tinh thần trách nhiệm của một nhà thơ trước các vấn đề lớn của xã hội, tình thương dành cho những con người nhỏ bé, yếu thế. Tại chương trình này, lần đầu tiên những tác phẩm như thế sẽ được trình diễn trên sân khấu", Trưởng Ban Tổ chức chương trình chia sẻ
Nhà báo Lưu Quang Định khẳng định, đêm thơ nhạc kịch lần này được tổ chức dưới không ít sức ép. Thứ nhất là bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Thứ hai là sức ép về sự sáng tạo, khi đây không phải lần đầu một đêm thơ nhạc kịch tưởng nhớ hai tác giả Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh được tổ chức nên ê-kíp sẽ cố gắng mang đến sự mới mẻ nhất cho khán giả.
Chia sẻ cảm xúc của mình, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, cho biết, anh đã nhận lời mời viết một số ca khúc phổ thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ và có những cảm nhận riêng của mình về nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa này.
"Tôi nhận thấy những tác phẩm của các nhà thơ lớn như Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và nhiều nhà thơ khác… thường ít được phổ nhạc. Vì thế, những đêm thơ kết hợp với nhạc là điều rất ý nghĩa. Có thể nói âm nhạc chính là sự kết nối để thơ được hay hơn, lưu truyền rộng rãi hơn và dễ đến hơn với khán giả", nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho hay.
Đêm nhạc được dàn dựng công phu, sáng tạo, quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi: NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Chức, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Trang, NSƯT Tạ Tấn Minh, diva Mỹ Linh, ca sĩ Vũ Thắng Lợi…
Tổng đạo diễn chương trình là NSƯT Trần Lực, đạo diễn âm nhạc là nhạc sĩ Trần Đức Minh, chỉ đạo nghệ thuật là NSƯT Đỗ Kỷ, thiết kế sân khấu - NSƯT Doãn Bằng…
Theo đó, chương trình sẽ gồm 3 chương: Chương 1 là Hồn dân tộc dậy ta làm thi sĩ nói về tính công dân trong thơ Lưu Quang Vũ.
Chương 2: Anh yêu em và anh sẽ tồn tại sẽ nhắc tới ba người phụ nữ đã ảnh hưởng tới cuộc đời, cũng như để lại nhiều dấu ấn trong các sáng tác của Lưu Quang Vũ.
Với diễn viên điện ảnh Tố Uyên - nữ chính trong bộ phim Con chim vành khuyên, ông đã trao cho bà tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ, để rồi chia tay sau đó khi nhận thấy có quá nhiều điều không hòa hợp. Hai người có con chung là Lưu Minh Vũ. Do sức khỏe yếu, diễn viên Tố Uyên không thể tham dự đêm nhạc.
Người thứ hai là nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền - con gái nhà văn Kim Lân, là tri kỷ của ông trong những "tháng năm đau xót và hy vọng", những tháng năm mà Lưu Quang Vũ lận đận kiếm sống cũng như đi tìm con đường của mình trong nghệ thuật.
Trong bài thơ Gửi Hiền, mùa đông, ông bộc lộ ở đó nhiều nỗi buồn, trăn trở: Phút bàng hoàng nhớ hết mọi buồn đau/ Tôi khóc trên tay em lặng lẽ/ Tôi sợ lắm, mùa đông sương buốt thế/ Em có là mãi mãi để tôi yêu. Bà cũng sẽ có mặt trong đêm thơ, nhạc kỷ niệm của ông ngày 16/8.
Người thứ ba là Xuân Quỳnh - người bạn thơ đồng điệu, người đã có 15 năm đi bên cạnh Lưu Quang Vũ, người đã cùng ông đi qua những tháng ngày thăng hoa cả về tình yêu và sự nghiệp.
Nếu như Tố Uyên là tình yêu say đắm, trong sáng của một chàng trai mới lớn; Nguyễn Thị Hiền là tình yêu của những năm đất nước chiến tranh, gian khổ, thì khi gặp Xuân Quỳnh vào năm 1973, tình yêu của ông trọn vẹn, trưởng thành, đằm thắm, với những cung bậc phong phú nhất, từ lãng mạn, đắm say, đến giản dị, đời thường…
Chương 3 là Hồn Trương Ba - Da hàng thịt với vở kịch cùng tên được làm mới lại với Lucteam - đội kịch của nghệ sĩ Trần Lực biểu diễn. Đây là vở kịch luôn được các chuyên gia đánh giá là xuất sắc nhất, hay nhất của Lưu Quang Vũ, từng giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, từng công diễn tại Mỹ, Nga.
"Tôi và gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng rất thân thiết, coi nhau như người nhà. Bất cứ chương trình nào để tưởng nhớ Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh, chỉ cần gia đình có lời, tôi sẵn sàng tham gia.
Từ bé, tôi đã xem kịch của anh Vũ rất nhiều, trong đó Hồn Trương Ba - da hàng thịt là vở diễn tôi vô cùng yêu thích. Lần này, tác phẩm sẽ được mang lên sân khấu với sự thể hiện mới mẻ theo phong cách của Lucteam - là phong cách biểu hiện ước lệ", NSƯT Trần Lực nói.
Chương kết Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi khép lại chương trình. Tại đó, ca khúc Nhà chật (nhạc: Nguyễn Lê Tâm) kể lại cuộc sống gian khổ nhưng đầy lãng mạn và yêu thương trong căn phòng 6 mét vuông của gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Diva Mỹ Linh sẽ thể hiện tác phẩm Thuyền và biển và ca khúc chủ đề của chương trình Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - ca khúc của Nguyễn Vĩnh Tiến, khẳng định niềm tin bất diệt vào tình yêu và cuộc sống.
Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) sinh ra tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà thơ Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi ông đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập Hương cây- Bếp lửa (1968).
Từ 1978 đến 1988, nhà thơ Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17. Tiếp sau đó, hơn 50 vở kịch của ông đã gây nên một hiện tượng chấn động sân khấu kịch nói cả nước như: Nàng Sita, Hẹn ngày trở lại, Nếu anh không đốt lửa, Hồn Trương Ba - da Hàng Thịt, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta…
Để ghi nhớ những đóng góp của hai tác giả Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, tên ông bà được đặt cho nhiều đường phố ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đồng Hới, TPHCM và mới nhất là tại Hà Nội.