Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh tiết lộ điều day dứt với Lưu Quang Vũ
(Dân trí) - Lưu Tuấn Anh - con trai nhà thơ Xuân Quỳnh lần đầu tiết lộ với Dân trí, dù rất quý và gần gũi với Lưu Quang Vũ nhưng chưa bao giờ anh gọi ông một tiếng bố, đó là điều khiến anh day dứt…
Mùa thu tháng 8 cách đây 30 năm, gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đã vĩnh viễn ra đi sau tai nạn kinh hoàng, để lại nhiều tiếc nhớ, thương xót cho người thân, bạn bè và giới văn nghệ sĩ. Trong ký ức của những người con của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, những câu chuyện và kỷ niệm về bố mẹ mình luôn đầy ắp, không bao giờ phai mờ theo thời gian.
Lưu Tuấn Anh là con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh và người chồng trước của bà - nghệ sĩ violon Lưu Tuấn. Anh sinh năm 1966, lớn tuổi nhất trong ba người con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí nhân sự kiện họp báo khởi công đêm thơ - nhạc - kịch Hoa cúc xanh kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Quỳnh, anh đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về mẹ và bố mình, về nhà thơ Lưu Quang Vũ với những kỷ niệm, niềm đau và cả nỗi day dứt khôn nguôi…
"Tôi chưa từng trách dượng Vũ…"
Đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh" là một chương trình lớn, đặc biệt sự kiện được tổ chức vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Quỳnh. Là con trai, anh kỳ vọng và mong chờ điều gì ở chương trình này?
- Trước buổi họp báo khởi công chương trình, tôi đã chia sẻ đôi chút về sự kiện này với truyền thông. Thú thật, ban đầu tôi không mong chờ hay kỳ vọng gì đặc biệt đâu, tôi nghĩ nó sẽ diễn ra với góc độ như nhiều sự kiện trước đây.
Tuy nhiên, khi nghe chia sẻ của những người làm chương trình Hoa cúc xanh, tôi thấy ngỡ ngàng, trước đó, tôi cũng chưa hình dung được đêm thơ - nhạc - kịch này sẽ diễn ra với quy mô lớn như vậy. Là người trong cuộc, nhưng tôi nghĩ, khi xem tôi cũng thấy thích thú, với khán giả thì đó sẽ là chương trình cuốn hút, rất đáng để xem.
Ê-kíp của "Hoa cúc xanh" là sự kết nối của rất nhiều lứa tuổi, điều này chắc hẳn sẽ tạo nên một "bản giao hưởng" đặc biệt. Anh có nghĩ như vậy?
- Tôi nghĩ, Ban Tổ chức đầu tư vào chương trình rất kỹ lưỡng và công phu với nhiều tâm sức cùng sự sáng tạo, nên tôi tin và cũng kỳ vọng đây sẽ là sự kiện - chương trình đặc biệt.
Nói như anh Quốc Trung (nhạc sĩ Quốc Trung - Giám đốc Âm nhạc chương trình - PV) nghệ thuật khi nó đã hay sẽ có ý nghĩa với mọi lứa tuổi, mọi thời, nó không phân biệt về thời gian. Theo tôi, đó là khía cạnh đánh giá đúng.
Còn với quan điểm của chị Hoàng Điệp (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - tổng đạo diễn chương trình - PV) chị luôn hướng tới thế hệ đương đại và những người trẻ. Tôi từng quan sát cách làm của chị Điệp qua những sự kiện Se sẽ chứ trước đây, nó rất sáng tạo và có sức hút lớn với những người trẻ. Vậy nên, với sự kết hợp của những nghệ sĩ như thế cùng nhóm kịch của anh Trần Lực (NSƯT Trần Lực - PV) tôi tin chương trình sẽ đạt được cả hai yếu tố: tính bất biến, hấp dẫn của tác phẩm vượt thời gian và có sức hút riêng đối với khán giả trẻ.
Mỗi người đều có những cảm nhận riêng hay chung về Xuân Quỳnh và nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Còn trong ký ức và ấn tượng của anh, mẹ anh và Lưu Quang Vũ là người như thế nào? Có gì khác và đặc biệt?
- Trong ký ức của tôi, mẹ tôi là một người hài hước và yêu thương con vô bờ bến. Ở nhà với mẹ, tôi luôn cười. Mẹ dạy chúng tôi trong cả những câu chuyện đầy hài hước của mẹ. Bà không bao giờ nghiêm trọng hóa vấn đề, cũng chẳng bao giờ đánh các con, rất ít khi phải mắng mỏ, vậy mà anh em chúng tôi đứa nào cũng vâng lời.
Với dượng tôi, để hiểu được ông không phải là điều đơn giản. Nhưng chắc chắn một điều ông là người lãng mạn, có tâm hồn lớn và là người rất có trách nhiệm với gia đình. Những điểm đó đều hợp với mẹ tôi. Mẹ và dượng tôi đều có điểm giống nhau là quý, yêu thương và chiều con hết mực, luôn làm những điều để con vui và tạo không khí gia đình vui vẻ, gần gũi nhau.
Những ấn tượng còn lại của tôi về dượng Vũ đó còn là người khá hiền lành, ít nói và sống rất nội tâm, vì tôi thường nhìn thấy ông trong những trạng thái ngồi suy ngẫm, suy tưởng về một điều gì đó, có thể ông ngồi đó nhưng tâm hồn lại trôi dạt cùng những vần thơ, vở kịch của riêng mình. Sau những trạng thái như thế, nếu ông muốn chia sẻ thì người đầu tiên sẽ là mẹ tôi.
Vì dượng tôi ít nói nên việc tôi nói chuyện với ông không nhiều như bố tôi nói chuyện với em Mí (tên gọi ở nhà của cậu bé Quỳnh Thơ - con trai của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ - PV) nhưng ông là người chiều con nên những việc gì có thể chiều được trong đó có cả tôi, ông sẽ làm.
Có những giai đoạn, gia đình rất khó khăn nhưng mẹ tôi vẫn mua cho tôi áo mới. Sau này tôi hỏi, mẹ cũng nói đó là tiền của dượng tôi. Ông luôn như vậy, khi nào lĩnh được ít tiền nhuận bút là mua cho con cái nọ cái kia.
Có câu chuyện hay kỷ niệm nào về Lưu Quang Vũ anh chưa từng chia sẻ?
- Thời đó, chúng tôi ở trong khu tập thể của văn nghệ sĩ tại 96 phố Huế, nhà đó có bốn tầng và mỗi tầng có khoảng 10 căn hộ. Sau khi bố mẹ tôi ly dị, tôi ở cùng bố trên căn hộ tầng 4, bé khoảng 7m2. Dượng và mẹ tôi ở căn hộ dưới tầng 3 cũng bé như thế. Tôi sống tầng trên nhưng có món gì ngon mẹ lại gọi tôi xuống ăn cùng.
Tôi còn nhớ, hồi mẹ tôi chưa sinh em Mí, thỉnh thoảng khi lĩnh nhuận bút, dượng và mẹ tôi lại chở tôi, em Minh Vũ trên chiếc xe đạp đi dã ngoại ở bến phà đen bên bờ sông Hồng, rồi mua bánh mì cho chúng tôi ngồi ăn ngoài bãi cỏ.
Thời đó rất nghèo khó, nhà chật, quần áo toàn chắp vá nên được đi chơi, dã ngoại, ngắm sông và ăn bánh mì như thế là một sự xa xỉ lắm. Nhớ lại vẫn thấy vui và hạnh phúc.
Còn nỗi day dứt về chuyện tình giữa mẹ anh và Lưu Quang Vũ thì sao? Khi biết mối quan hệ giữa mẹ và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, anh có phản đối không?
- Hồi đó tôi còn quá nhỏ nên không biết gì để phản đối. Tất nhiên, khi bố mẹ bỏ nhau, là đứa trẻ tôi cũng thấy buồn và không muốn như thế.
Nhưng khi mẹ tôi sống với dượng, tôi thấy rất rõ họ rất hạnh phúc và đồng cảm, còn bố tôi không có vẻ gì cay đắng của người thất bại cả. Tôi cảm thấy mọi chuyện rất bình thường. Cái chính là tôi cảm nhận được mình có cả hai gia đình: Tôi vừa có bố vừa có gia đình của mẹ, dượng và em Thơ nữa.
Sau này, khi 10 tuổi tôi có hỏi mẹ vì sao không sống với bố tôi nữa? Mẹ có câu trả lời tôi thấy cũng rất thỏa đáng: "Mẹ luôn nghĩ bố là người tốt tính nhưng có những điều không hợp nên không thể sống với nhau được nữa". Khi tôi lớn và trưởng thành càng hiểu chuyện hơn.
Có thể bố mẹ không sống cùng nhau đó là nỗi buồn với một đứa trẻ nhưng với tôi lại có một gia đình khác nên tôi không xem đó là sự mất. Tôi cũng không bao giờ trách dượng đã xen vào cuộc sống giữa mẹ và bố tôi. Vì tôi hiểu dượng và mẹ rất hợp nhau.
Kể từ ngày đó, bố tôi cũng không lập gia đình. Có rất nhiều mối quan hệ sau đó, thậm chí mẹ tôi chủ động giới thiệu cho bố một số người với mong muốn bố lập gia đình để có người chăm sóc cho tôi nhưng đều không thành, bố tôi vẫn ở vậy cho tới tận bây giờ.
Day dứt vì chưa bao giờ gọi dượng Vũ một tiếng bố
Đã bao giờ anh gọi nhà thơ Lưu Quang Vũ là bố chưa hay chỉ gọi dượng thôi?
- Thật sự đây là điều tôi khá day dứt, dù tôi rất quý và gần gũi với dượng tôi nhưng chưa bao giờ tôi gọi ông một tiếng bố. Có thể thời bé, có những chuyện, nhiều thứ tôi chưa hiểu hết. Nhưng tình cảm ông dành cho mẹ tôi và các con thì tôi có thể cảm nhận rất rõ. Một điều rất đáng quý.
Lưu Quang Vũ có khối lượng thơ kịch đồ sộ, anh thích tác phẩm nào?
- Tôi cũng thích thơ của dượng Lưu Quang Vũ, đặc biệt là bài Tiếng hát ấy vẫn còn dang dở và bài Mây trắng của đời tôi.
Được biết, bố đẻ anh cũng rất quý và thương bé Mí như con đẻ. Khi Lưu Quỳnh Thơ mất ông đã rất đau khổ. Anh có thể chia sẻ thêm về câu chuyện cảm động và đầy tính nhân văn này?
- Quan hệ giữa bố tôi và em Mí rất đặc biệt, đó cũng là một phần cho đến bây giờ khiến tôi khâm phục bố vô cùng.
Ngay từ khi Mí bắt đầu biết đi, ông đã nhìn và yêu quý em lắm. Về sau em lên nhà tôi và bố ở trên tầng 4 chơi, em xem và cảm thấy như nhà mình, và bố tôi cũng thế, cưng nựng, yêu quý, thương như con đẻ, thậm chí có khi còn chiều hơn cả tôi.
Đến khi em mất… Có lẽ đó là nỗi đau khủng khiếp nhất đối với bố tôi. Ngày em mất: Ông khóc, vật vã… Tôi chưa bao giờ thấy bố mình đau khổ như vậy. Và cho đến bây giờ, tới ngày mất của em, nhắc đến em, ông vẫn vô cùng xúc động. Bao nhiêu năm rồi vẫn vậy!
Anh với BTV Lưu Minh Vũ - con trai nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cũng rất thân thiết và hay gọi nhau bằng tên thân mật ở nhà. Mối quan hệ của hai anh nhiều năm qua như thế nào?
- Tôi với Vũ có mối quan hệ rất đặc biệt. Dù không cùng cha và cũng không cùng mẹ nhưng lại có hoàn cảnh giống nhau. Chúng tôi đều có một gia đình đẹp nhưng đều mất đi, đó là nỗi đau để lại và đó là điều gắn kết hai anh em với nhau nên bây giờ hai chúng tôi vẫn gần nhau, đó là điều tôi rất mừng.
Cả hai anh em chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm vui buồn. Mọi vinh quang và cay đắng, hạnh phúc và biến cố của gia đình thì anh em chúng tôi đều trải qua. Vì như thế nên đôi khi chúng tôi còn hơn cả anh em ruột thịt. Trong thâm tâm, tôi luôn coi Vũ như người em ruột và Vũ cũng đối với tôi như thế.
Thật sự điều mẹ tôi luôn mong muốn khi còn sống là các con yêu thương và hòa thuận. Vì mẹ tôi rất lo khi anh em chúng tôi không cùng cha mẹ sẽ có những dị biệt, không thể yêu thương nhau.
Và tôi nghĩ mong muốn đó của mẹ tôi đã đạt được từ lâu rồi, vì chúng tôi yêu thương nhau từ lâu và qua thời gian không có gì thay đổi cả.
Tôi nghĩ cuộc sống đẹp hay không là do chính mình.
Năm nay là sinh nhật lần thứ 80 của nhà thơ Xuân Quỳnh. Anh và gia đình có ý định gì cho sự kiện đặc biệt gì không?
- Tất cả những sự kiện này là phía xã hội để tưởng nhớ, vinh danh mẹ tôi thôi còn trong gia đình thì đơn giản hơn. Điều quý giá nhất là lưu trong tim mình, mẹ thì không bao giờ quên được và luôn luôn nhớ. Tất nhiên chúng tôi cũng có hoạt động nhỏ ở nhà nhưng sẽ rất bình thường thôi, tôi nghĩ người trong cuộc, cái tâm vẫn là quan trọng nhất.