"A Tourist's Guide to Love" quay ở Việt Nam gây sốt: Đừng chờ sự ăn may
(Dân trí) - Phong cảnh tuyệt đẹp của Việt Nam đã được nhà làm phim "A Tourist's Guide to Love" và Hollywood tận dụng, giúp phim tạo được tiếng vang. Còn với điện ảnh Việt thì sao?
Khi Việt Nam tỏa sáng trong phim Hollywood
Là bộ phim Hollywood đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cấp phép quay tại Việt Nam kể từ sau đại dịch Covid-19, A Tourist's Guide to Love (tựa Việt: Bí kíp tình yêu của một du khách) được khán giả "săn đón".
Ra mắt cuối tháng 4/2023, đến nay, phim vẫn giữ vị trí đầu bảng những tác phẩm được xem nhiều nhất toàn cầu trên nền tảng phim trực tuyến. Đồng thời, A Tourist's Guide to Love cũng liên tục nằm trong "Top thịnh hành" ở nhiều quốc gia và Việt Nam.
Nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất Rachael Leigh Cook từng bày tỏ sự vui mừng khi bộ phim A Tourist's Guide to Love (Bí kíp tình yêu của một du khách) nhận được sự quan tâm của khán giả toàn cầu.
"Tôi tin rằng nhiều khán giả mong muốn được xem và trải nghiệm các nền văn hóa thông qua một bộ phim như thế này. "Ngôi sao" thực sự trong bộ phim của chúng tôi là đất nước Việt Nam và chúng tôi không thể hạnh phúc hơn khi thấy Việt Nam tỏa sáng", cô nói.
Thực tế, A Tourist's Guide to Love không phải dự án phim Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam. Trước đó, khán giả Việt đã có dịp chiêm ngưỡng những danh thắng tuyệt đẹp như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Hang Én (Quảng Bình) trong Pan (2015), Tam Cốc - Bích Động, Tràng An và Vân Long (Ninh Bình) trong Kong: Skull Island (2017), Rumbo a Vietnam ( 2017); Da 5 Bloods (2020), The Protégé (2021), Taxi Driver 2…
Nhưng có thể thấy, xuyên suốt gần 100 phút của A Tourist's Guide to Love, khán giả mới được ngắm nhìn trọn vẹn những cảnh sắc thiên nhiên của nước nhà.
Kịch bản phim được khai thác không quá mới lạ, thậm chí có phần "cũ kỹ". Tuy nhiên, sức hút của phim lại đến từ những cảnh quay tuyệt đẹp và những yếu tố văn hóa thú vị tại dải đất hình chữ S.
Lựa chọn Việt Nam, nơi được World Travel Awards vinh danh là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" (World's Leading Heritage Destination) vào năm 2022 có lẽ là hướng đi sáng suốt của nhà sản xuất A Tourist's Guide to Love. Và trong mỗi góc quay, bối cảnh, đoàn làm phim đều đầu tư chỉn chu để truyền tải một Việt Nam truyền thống nhưng vẫn có nét hiện đại, với những con người thân thiện, hiền hòa trên màn ảnh.
Bên cạnh yếu tố bối cảnh, những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam cũng được khéo léo đưa vào trong phim, từ việc thắp hương, múa lân, múa rối nước… cho đến những dịp lễ lớn như Tết cổ truyền và cách người dân Việt Nam chuẩn bị cho những ngày đặc biệt ấy.
Cách nhân vật Amanda phải làm quen với nhịp sống, giao thông xô bồ của Việt Nam hay cách cô tập "trả giá" khi mua hàng trở thành những điểm thu hút đối với khán giả quốc tế, cũng như khiến khán giả Việt nhìn thấy hình bóng của mình trong đó.
Ẩm thực Việt Nam cũng là những chi tiết không thể không đưa vào phim. Đây vẫn là yếu tố nhận được sự quan tâm đông đảo của bạn bè quốc tế. Nhiều năm qua, đã có nhiều món ăn Việt Nam được tôn vinh trên các kênh truyền thông uy tín của quốc tế. Cuối năm 2022, Việt Nam được vinh danh là điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á.
Có thể thấy, Việt Nam có rất nhiều khía cạnh để các nhà làm phim Hollywood khai thác và dễ dàng thu hút sự quan tâm của công chúng toàn cầu. Điều này cũng giúp Việt Nam được quảng bá rộng rãi hơn về cảnh sắc và văn hóa của quê nhà, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch. Bởi theo chuyên trang Champion Travel, bối cảnh phim cũng như những văn hóa đặc biệt ở quốc gia ấy thường có tác động không nhỏ tới mong muốn đi du lịch của người xem.
Tuy nhiên, với một ê-kíp nước ngoài, việc khắc họa hình ảnh của một quốc gia trên màn ảnh vẫn sẽ có những thiếu sót. Điều này đã được khán giả Việt nhận ra khi theo dõi bộ phim.
Thế nhưng, nhìn tổng thể, những chi tiết "sạn" đó không quá ảnh hưởng tới những nỗ lực của đoàn làm phim trong quá trình truyền tải những hình ảnh đẹp của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Việt Nam trong phim Việt chưa tạo dấu ấn?
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 515/QĐ-TTG ngày 15/5 phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025. Chính phủ yêu cầu quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.
Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực như di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh, thư viện, đào tạo, văn hóa dân tộc, văn hóa đối ngoại, công nghiệp văn hóa...
Nhìn vào thị trường điện ảnh trong nước, đã có nhiều bộ phim khiến khán giả Việt Nam phải trầm trồ vì bối cảnh tuyệt đẹp của nước nhà.
Đó là khung cảnh hùng vĩ của núi non Tây Bắc, với cánh đồng hoa tam giác mạch trong Chuyện của Pao, hay những thước phim đầy nên thơ tại Phú Yên trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh; hoặc trường Đại học Sư phạm Huế trong Mắt biếc, Tràng An trong 578, gần đây nhất là làng chiếu cổ Định Yên (Đồng Tháp) được Lý Hải khắc họa trong Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh…
Hay với Đất rừng phương Nam, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - một người con của vùng đất Nam Bộ cũng muốn một lần nữa để khán giả ngắm nhìn sự trù phú của thiên nhiên phương Nam - nơi đã nuôi dưỡng nên những con người hào sảng, trượng nghĩa qua cuộc phiêu lưu kì thú của An và Cò.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Việt Nam trong phim Việt chưa tạo được dấu ấn và tỏa sáng, hoặc nếu có thì rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và một vấn đề đặt ra là các đạo diễn Việt chưa quan tâm nhiều đến phát triển du lịch, quảng bá Việt Nam qua phim?
Trao đổi với PV Dân trí, đạo diễn Đinh Thái Thụy cho rằng, ai cũng thấy rõ hiệu quả quảng bá du lịch, đất nước, con người và văn hóa qua phim ảnh. Đặc biệt là qua những bộ phim hay, hấp dẫn, tạo đươc tiếng vang.
Đạo diễn phim Bão ngầm - bộ phim từng gây bão màn ảnh Việt thừa nhận, nhiều phim Việt chưa chuyển tải được nhiều cảnh đẹp kỳ vĩ vào phim. Nhưng theo anh, nếu nói: "Đạo diễn chưa quan tâm phát triển du lịch, quảng bá Việt Nam qua phim thì... hơi oan".
"Khi làm phim, tôi nghĩ đạo diễn nào cũng mong muốn khai thác được những khung cảnh đẹp, mới, lạ... nhưng không phải đoàn phim nào cũng đủ điều kiện để thực hiện tham vọng này.
Khi mà kinh phí phim còn hạn hẹp, việc sản xuất phải gói ghém. Ngoài ra, cũng cần phải có những kịch bản thật hay, hấp dẫn, tạo được dấu ấn sâu sắc cho người xem. Chính quyền địa phương cũng chủ trương và quyết liệt trong việc phối hợp, hỗ trợ, thậm chí tài trợ để đoàn phim có thể tác nghiệp thuận lợi. Như vậy, mới có thể cộng hưởng, quảng bá những cảnh đẹp được khai thác trong phim đến với người xem trong nước và quốc tế", đạo diễn Đinh Thái Thụy nói.
Đồng quan điểm, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho hay, hơn ai hết, nhiều đạo diễn Việt mong muốn đưa cảnh đẹp quê nhà vào điện ảnh thay vì dàn dựng cảnh giả tại phim trường. Tuy nhiên, để có những thước phim, cảnh quay đẹp đòi hỏi nhà làm phim phải chấp nhận và đánh đổi nhiều thứ, về tài chính, nguồn lực, đầu tư kịch bản cùng sự nỗ lực, hết mình của ê-kíp, diễn viên.
Đạo diễn Siêu lừa gặp siêu lầy chia sẻ, khi thực hiện bộ phim này, ê-kíp tính chọn quay ở Vũng Tàu. Nhưng sau đó, để có những thước phim đẹp nhất, anh và đoàn phim đã quyết định đổi sang Phú Quốc, chấp nhận chi phí đội lên khoảng 70.000 USD.
"Quảng bá Việt Nam không chỉ về du lịch mà còn là văn hóa, con người, tinh thần của Việt Nam, đó mới chính là những điều các nhà làm phim nên nghĩ tới về lâu về dài. Chúng ta có rất nhiều thứ để kể cho thế giới nghe về đất nước của chúng ta. Những nhà làm phim chính là người làm văn hóa và cần có sự đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, điện ảnh", đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ.
Đạo diễn Lương Đình Dũng phim 578 với nhiều cảnh đẹp Việt Nam thẳng thắn bày tỏ, thúc đẩy ngành điện ảnh nước nhà và cả du lịch, cần có chính sách tổng thể từ cơ quan Nhà nước.
"Chúng ta không thể chờ sự ăn may từ một vài tác phẩm điện ảnh. Chuyện gây sốt toàn cầu nó phải mang lại hiệu ứng cụ thể hay tạo ra được trào lưu có lợi cho du lịch hay hàng hóa của chúng ta. Hay chỉ hiệu ứng truyền thông, cái này chúng ta cần phải lượng tính được thì mới đánh giá được", anh nói.
Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, Hàn Quốc có hẳn chính sách hỗ trợ làm phim, thậm chí có nhiều nước đầu tư vào những bộ phim có thể mang lợi ích cho ngành nghề cụ thể.
"Vậy ngành du lịch của ta đâu? Hiệp hội du lịch ngành nghề đâu? Sao không đầu tư vào một phim nào đó vừa đạt được tiêu chí nghệ thuật và lan tỏa ra thế giới?
Chưa nói đến chuyện, chúng tôi có phim phát hành rộng khắp thế giới, liên lạc với các tỉnh chỉ mong cùng nhau hỗ trợ quảng bá hình ảnh Việt Nam và cụ thể là du lịch tỉnh. Chúng tôi quay ở đó nhưng không ai để ý và tôn trọng. Đoàn phim nước ngoài thì cờ rộng trống mở, đoàn phim Việt Nam có khi... mãi mới được vào", đạo diễn Lương Đình Dũng thẳng thắn nói.