6 đặc sản "bốc mùi" không làm từ cá, ngon nức tiếng ở Việt Nam
(Dân trí) - Ngoài nước mắm cá, ở Việt Nam còn có nhiều món mắm độc đáo được chế biến từ các nguyên liệu khác, trong đó không thể không kể đến mắm tôm, mắm cáy, mắm ruốc, mắm ba khía...
Mắm tôm
Mắm tôm chủ yếu được làm từ tôm, tép, ủ với muối và phơi nắng theo phương pháp truyền thống. Đặc biệt, ở Hậu Lộc (Thanh Hóa), người dân còn chế biến mắm tôm từ con moi biển (hay còn gọi là ruốc biển, ruốc hôi). Sau quá trình lên men, mắm có màu tím thẫm đặc trưng với độ sền sệt, đặc sánh. Mắm tôm có vị mặn, lẫn với chút ngọt đằm và dậy mùi nồng "khó ngửi".
Mắm tôm được dùng trong nhiều món ăn như bún riêu, cà pháo, đậu phụ luộc,... Riêng với bún đậu, mắm tôm được ví như linh hồn của món ăn. Để thưởng thức, thực khách chỉ cần thêm chút đường, ớt, chanh (tắc) cho vừa khẩu vị rồi cho dầu ăn nóng vào cùng, đánh đều đến khi sủi bọt.
Mắm cáy
Ở một số tỉnh thành như Thái Bình, Hải Phòng còn có đặc sản mắm nổi tiếng làm từ con cáy (hay còn gọi là cua càng đỏ). Để làm món mắm này, người ta phải sơ chế cáy thật sạch, giã nhuyễn, trộn với muối rồi ủ kín vào chum, vại. Sau 7-10 ngày thì đem ra phơi nắng, phơi sương. Cuối cùng là công đoạn trộn thêm thính và men rượu để tạo mùi thơm đặc trưng cho mắm.
Mắm cáy có màu ngả hồng bắt mắt và đậm mùi. Chỉ cần thêm chanh, đường và vài nhánh tỏi đập dập rồi khuấy đều là có thể thưởng thức. Món mắm này chấm kèm rau luộc, thịt ba chỉ, giò lụa hay đậu luộc đều ngon.
Mắm sò
Mắm sò là đặc sản vùng biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, được chế biến từ con sò (người địa phương gọi là con sặc). Sau khi sò được tách vỏ, rửa sạch cát, để ráo nước thì đem trộn với muối, thêm ớt và riềng rồi ủ kín trong chai. Sau 8-10 ngày, mắm lên men và có thể thưởng thức.
Sò càng nổi lên cao chứng tỏ mắm đã để lâu ngày và có thể ăn được ngay. Mắm sò được pha cùng với tỏi, đường tùy khẩu vị, ngon nhất khi ăn với cơm nóng hoặc chấm thịt ba chỉ, rau sống.
Mắm ruốc
Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận không chỉ nổi tiếng với những địa điểm du lịch tuyệt đẹp mà còn "níu chân" du khách bởi nhiều món ăn ngon, trong đó không thể không nhắc đến mắm ruốc. Khác với các món mắm dùng làm nước chấm rau, thịt, mắm ruốc được ăn kèm bánh tráng nướng và các loại trái cây như cóc, xoài, ổi...
Mắm ruốc có màu nâu đỏ, thơm nhẹ, vị không quá mặn nên thường được trộn cùng đường, me, ớt để tạo thành hỗn hợp có vị chua, cay, mặn, ngọt hấp dẫn. Ở Huế, mắm ruốc là nguyên liệu phổ biến trong các món ăn địa phương như bún bò, cơm hến, mắm ruốc kho thịt...
Mắm tôm chua
Mắm tôm chua được làm từ tôm rằn tươi là đặc sản nổi tiếng xứ Huế. Tôm sau khi làm sạch được đem ngâm rượu, xóc muối rồi trộn với riềng, tỏi, ớt cùng chút mắm, đường và ủ trong lọ kín. Khi mắm chín, tôm sẽ chuyển sang màu đỏ tươi và có mùi thơm nức mũi.
Món mắm này có màu đỏ bắt mắt với những con tôm còn nguyên vẹn. Mắm hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt, béo của tôm, cay nồng của riềng và ớt, vị chua của các gia vị lên men. Người ta thường ăn mắm tôm chua với thịt heo luộc và cơm trắng hay dùng trong món bánh ướt cuốn tôm chua.
Mắm ba khía
Đối với người dân miền Tây, mắm ba khía từ lâu đã trở thành đặc sản quen thuộc không thể thiếu trong mỗi bữa cơm. Món mắm này được làm từ con ba khía, một loài họ cua có càng to với ba gạch trên lưng, sống chủ yếu ở vùng nước lợ thuộc các tỉnh ven biển từ Sóc Trăng đến Cà Mau, nhiều nhất ở U Minh.
Để chế biến món ăn này, người ta đem sơ chế sạch ba khía, muối cho đủ độ mặn rồi trộn với các gia vị như chanh, tỏi, ớt, đường… Mắm ba khía được ăn kèm cơm nóng hoặc trộn gỏi xoài, đu đủ đều ngon.