Món bánh dân dã khiến nhiều người nhầm lẫn vì tên gọi giống đồ uống

Hà Hiền

(Dân trí) - Chè lam là món bánh dân dã, quen thuộc của người miền Bắc. Tuy nhiên, tên gọi của nó lại khiến nhiều người lầm tưởng là đồ uống được nấu từ lá trà xanh (chè) hoặc các món chè giải khát ăn cùng đá.

Mới nghe qua bạn sẽ nghĩ đây là một món chè nhưng thực chất món đặc sản này là một loại bánh, được làm từ bột nếp, đường mật, mạch nha, gừng, lạc rang. Tuy rất nổi tiếng ở Hà Nội nhưng chè lam lại không có nguồn gốc từ Thủ đô mà bắt nguồn từ vùng đất Thanh Hóa.

Món bánh dân dã khiến nhiều người nhầm lẫn vì tên gọi giống đồ uống - 1
Thời xưa, chè lam thưởng chỉ xuất hiện trong những dịp lễ, Tết. Nhưng bây giờ khi cuộc sống đã được nâng cao, chè lam được nấu và bán quanh năm.

Chè lam có mặt ở nhiều tỉnh thành, có những nơi đã trở thành thương hiệu của món ăn này như Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Hội), chè lam ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) hay chè lam Phủ Quảng ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Nguyên liệu làm chè lam đơn giản, nhờ bàn bàn tay của người làm đã tạo nên món ăn vô cùng thơm ngon. Đầu tiên phải chọn gạo nếp cái hoa vàng thì chè mới thơm và dẻo lâu. Ngoài ra còn có lạc, gừng, và mạch nha.

Lạc sẽ được rang chín, tách vỏ, lựa chọn những hạt mẩy không bị mốc. Gừng cũng được rửa sạch sẽ trước khi giã.

Đầu tiên sẽ đun sôi hỗn hợp nước, gừng (băm nhỏ) và mạch nha, sau đó lần lượt đổ bột nếp, lạc rang vào, dùng thanh tre lớn khuấy đều tay và liên tục.

Bà Phan Thị Thảo (48 tuổi), ở thôn Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm cho biết, công đoạn khuấy (đánh) bột là bước quan trọng và tốn nhiều thời gian nhất. Phải đánh bột đều và liên tục. Khi các hỗn hợp đã hòa quyện vào với nhau và sôi hoàn toàn sẽ được nhấc ra khỏi bếp, đổ lên các khay lớn hoặc mâm đã phủ sẵn một lớp bột.

Món bánh dân dã khiến nhiều người nhầm lẫn vì tên gọi giống đồ uống - 2
Khi bánh nguội dần và keo lại sẽ được cắt nhỏ thành từng miếng vừa ăn. Vừa cắt vừa xoa lớp bột tẻ phủ đều miếng bánh để không bị dính vào nhau.
Món bánh dân dã khiến nhiều người nhầm lẫn vì tên gọi giống đồ uống - 3
Một miếng chè lam Đường Lâm đạt yêu cầu cần phải đủ độ dai, có vị thanh nhẹ, cay của gừng.

Chè lam thưởng thức ngon nhất có lẽ là vào những ngày gió heo may. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta có thể về thăm làng cổ Đường Lâm để vừa thưởng thức khung cảnh thiên nhiên vừa nhâm nhi miếng bánh chè lam.

Với vị ngọt của mật, vị dẻo của bột nếp cùng vị cay cay của gừng và cái bùi của lạc, nếm thử miếng chè lam với ngụm nước vối ấm hoặc trà sen như được chạm tới hồn quê Bắc Bộ. Vị đăng đắng của trà sẽ làm dịu nhẹ vị ngọt của bánh chè lam.

Món bánh dân dã khiến nhiều người nhầm lẫn vì tên gọi giống đồ uống - 4
Bánh chè lam khi ăn cắt từng miếng nhỏ.

Bước đến Đường Lâm, bạn sẽ cảm nhận được hương nếp, hương gừng, hương đậu phộng rang cuốn hút chân du khách tới những gian hàng ăn thử miếng bánh, miếng kẹo.

Ngoài hương vị chè lam truyền thống, ngày nay, chè lam Đường Lâm còn có thêm vị lá dứa, gấc. Cách làm cũng tương tự như chè lam truyền thống nhưng sẽ được bổ sung nước cốt gấc hoặc nước cốt lá dứa để tạo màu hấp dẫn hơn cho món bánh này. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm