5 khoảnh khắc gây sốc nhất tại lễ trao giải Oscar
(Dân trí) - Will Smith tát Chris Rock, xướng tên nhầm ở hạng mục trao giải quan trọng nhất, hay Angelina Jolie hôn anh trai lên môi... là những khoảnh khắc từng gây xôn xao bàn cãi bên lề lễ trao giải Oscar.
Oscar 2022: Will Smith tát Chris Rock trên sân khấu lễ trao giải
Tại lễ trao giải Oscar, nam diễn viên hài Chris Rock trong vai trò người trao giải ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất đã có chút đùa tếu đối với nữ diễn viên Jada Pinkett Smith, vợ của tài tử Will Smith, khi Chris Rock nhìn thấy Jada ngồi ở hàng ghế khán giả.
Chris Rock nói rằng anh đang rất chờ đợi được xem phần phim tiếp theo của G.I. Jane: "Jada, tôi yêu mến cô, G.I. Jane phần 2, tôi rất háo hức được xem tập phim này đấy nhé".
Trong bộ phim mà Chris Rock đề cập đến, nhân vật nữ chính để đầu trọc, đây cũng là kiểu đầu mà Jada đang để. Thực tế, Jada đã bị rụng tóc khá nặng trong những năm trở lại đây, điều này khiến cô phải học cách sống chung với kiểu đầu trọc. Ngay sau đó, chồng cô - Will Smith đã bước lên từ chỗ ngồi của mình, lại gần Chris Rock và... tát thẳng vào mặt nam diễn viên hài.
Sau khi trở về chỗ ngồi, Will Smith đã gào to hai lần câu nói có sử dụng từ tục, để thể hiện sự khó chịu đối với Chris Rock. Tại Mỹ, đài ABC đã ngắt âm thanh trong tình huống này, nhưng một số đài nước ngoài đã phát nguyên tình huống này, bao gồm cả câu nói có từ tục của Will Smith.
Trên sân khấu, sau khi lĩnh trọn cú tát của Will Smith, Chris Rock vẫn cố gắng giữ bình tĩnh và tỏ ra hài hước bằng một câu đùa tếu cũng sử dụng từ tục. Anh muốn giảm nhẹ mức độ căng thẳng của tình huống, rồi cố gắng thực hiện xong phần nhiệm vụ của mình tại lễ trao giải.
Ngay sau tình huống này, Will Smith liền thắng giải Oscar dành cho Nam chính xuất sắc, anh bước lên sân khấu và dành bài phát biểu nhận giải của mình để phần nào lý giải cho hành động bạo lực của bản thân, rằng anh thấy cần phải bảo vệ những người thân của mình: "Tôi muốn xin lỗi tất cả những bạn đồng nghiệp nhận được đề cử ở cùng hạng mục với tôi.
Đây là một khoảnh khắc đẹp đẽ, và tôi không khóc vì mình đã giành được giải thưởng này, mà bởi tôi có thể tận dụng giây phút này để hướng sự quan tâm của mọi người tới câu chuyện thân thuộc với tất cả chúng ta.
Nghệ thuật phản ánh cuộc sống, tôi cũng có vẻ giống như người cha điên rồ Richard Williams mà tôi đã hóa thân. Chính tình yêu thương khiến bạn có thể làm nên những chuyện điên rồ. Cảm ơn vì niềm vinh dự này. Cảm ơn vì khoảnh khắc này. Hy vọng rằng ban tổ chức sẽ còn mời tôi tới dự những mùa trao giải sau này".
Cú tát của Will Smith đối với Chris Rock sau đó đã trở thành câu chuyện gây xôn xao tranh cãi trên các tờ tin tức quốc tế và trên mạng xã hội, đây là câu chuyện được quan tâm nhất tại sự kiện lễ trao giải Oscar 2022.
Oscar 2017: Xướng tên nhầm ở hạng mục Phim xuất sắc nhất
Hạng mục Phim xuất sắc nhất là hạng mục quan trọng nhất tại lễ trao giải Oscar, sự việc trao nhầm giải hồi năm 2017 đã từng gây chấn động truyền thông - công chúng khi ấy.
Ban đầu, giải thưởng được trao cho bộ phim La La Land, trước khi người của ban tổ chức bước ra sân khấu để thông báo rằng bộ phim giành chiến thắng thực ra là... Moonlight. Sự cố trao nhầm giải xảy ra là bởi hai diễn viên xướng tên phim thắng giải đã bị trao nhầm phong bì.
Giữa lúc đoàn phim La La Land đang vui sướng trước giải thưởng mà họ vừa giành được, họ buộc phải ngừng tất cả lại để trao lại tượng vàng cho đoàn phim Moonlight. Đây thực sự là tình huống đáng ái ngại và gây nên một cảnh tượng bối rối "khủng khiếp" trên sân khấu lễ trao giải.
Oscar 2000: Angelina Jolie hôn anh trai lên môi
Nụ hôn quá thân mật giữa nữ diễn viên Angelina Jolie và anh trai - James Haven đã trở thành khoảnh khắc gây tranh cãi suốt bao năm qua. Tại giải Oscar 2000, Angelina Jolie 24 tuổi, cô giành được tượng vàng Oscar cho Nữ phụ xuất sắc với vai diễn trong phim Girl Interrupted.
Khi bước lên bục nhận giải, Jolie đã nói về tình cảm dành cho anh trai, rằng cô "rất yêu anh trai mình". Sau đó, tại tiệc hậu Oscar, phóng viên ảnh đã chụp được khoảnh khắc hai anh em cô có một nụ hôn lên môi quá thân mật, như thể nụ hôn giữa hai người yêu nhau. Đã có biết bao lời đồn đoán về mối quan hệ giữa họ.
Về sau này, Jolie đã có những lần lên tiếng phủ nhận những lời đồn đoán "kinh khủng" đó. Jolie từng nói: "Trước hết, hai anh em tôi là bạn thân của nhau. Nụ hôn của chúng tôi không phải nụ hôn của một cặp đôi. Thật đáng thất vọng khi một điều đẹp đẽ và trong sáng bị biến thành trò cười. Đó là một khoảnh khắc kỳ diệu nhưng lại bị hiểu sai hoàn toàn".
Ngoài ra, Jolie cũng cho biết thêm rằng ở thời điểm ấy, James Haven chuẩn bị phải trải qua một đợt trị liệu chống ung thư và cô muốn thể hiện tình cảm yêu thương, sự ủng hộ hết mình để động viên anh trai điều trị.
James Haven cũng từng lên tiếng: "Tôi không hôn em gái mình theo kiểu hôn bạn gái, đó chỉ là một nụ hôn đơn giản và dễ thương. Em gái tôi chuẩn bị phải đi xa để quay phim, tôi chúc mừng em vì vừa giành được giải thưởng quan trọng. Đó chỉ là một nụ hôn vội lên môi, nhưng khoảnh khắc đó được chụp lại và bỗng trở thành một câu chuyện rình rang".
Oscar 1974: Người đàn ông khỏa thân xuất hiện trên sân khấu
Năm 1974, Robert Opel - nhiếp ảnh gia kiêm nhà hoạt động xã hội vì quyền bình đẳng của người đồng tính - đã gây sốc khi đột nhập vào hậu trường lễ trao giải Oscar, rồi cứ thế "thả rông", khỏa thân chạy ngang qua sân khấu và xuất hiện trên sóng truyền hình trực tiếp.
Đứng trên sân khấu khi đó là MC của chương trình - nam diễn viên David Niven, ông đã có bình luận hài hước khiến tình huống gây sửng sốt bỗng trở nên gây cười: "Thật thú vị khi nghĩ rằng đây có lẽ là tràng cười giòn giã nhất mà người đàn ông này nhận được trong đời, anh ta đạt được nó bằng cách khỏa thân và cho tất cả mọi người thấy rõ yếu điểm lớn nhất của mình".
Oscar 1973: Marlon Brando từ chối giải Oscar
Có 3 người thắng giải Oscar từng từ chối nhận giải. Trường hợp đầu tiên là của biên kịch Dudley Nichols, ông từ chối giải Biên kịch xuất sắc nhất với phim The Informer hồi năm 1936, vì khi đó đang xảy ra mâu thuẫn giữa Hiệp hội Biên kịch và Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ.
Trường hợp thứ hai là của nam diễn viên George C. Scott. Ông từ chối nhận giải Nam chính xuất sắc với vai diễn trong Patton (1970), vì cho rằng mỗi vai diễn đều có cái hay và sự độc đáo riêng, không thể nào đem so sánh các vai diễn với nhau.
Trường hợp thứ ba là nam diễn viên Marlon Brando. Ông từ chối nhận giải Nam chính xuất sắc dành cho vai diễn trong The Godfather (Bố già) hồi năm 1972. Brando đã cử một người đại diện đến lễ trao giải, để thay mình từ chối nhận giải. Marlon Brando đã chuẩn bị sẵn một bài phát biểu dài… 15 trang để nói về việc điện ảnh Mỹ chưa khắc họa đúng về các thổ dân da đỏ.
Người phụ nữ đại diện cho Marlon Brando tới lễ trao giải Oscar để từ chối giải thưởng có tên Sacheen Littlefeather (1946 - 2022). Sacheen có cách ăn vận theo kiểu truyền thống của phụ nữ da đỏ, cô dành cả cuộc đời để tham gia các hoạt động xã hội vì quyền lợi của người da đỏ.
Trong suốt nhiều thập kỷ, Sacheen gắn liền với một trong những khoảnh khắc gây sốc nhất tại giải Oscar. Nhưng điều gây sốc hơn cả, đó là gần đây, sau khi Sacheen đã qua đời ở tuổi 75, hai người em gái ruột của bà mới quyết định lên tiếng chia sẻ với truyền thông Mỹ về việc gia đình họ không hề có tổ tiên nào là người da đỏ.
Theo người thân ruột thịt của bà Sacheen, bà đã tự thêu dệt nên nhiều thông tin không đúng sự thật về nguồn cội của mình. Theo hai em gái của bà Sacheen, nhà nội của họ vốn là những người đến từ Tây Ban Nha và Mexico, còn nhà ngoại có nguồn gốc từ Châu Âu. Vậy nhưng trong cả cuộc đời mình, bà Sacheen đã sống trong câu chuyện do bà tự dệt nên, rằng bà là một phụ nữ da đỏ.