Tuyển sinh lớp 10 THPT ở Hà Nội: Cân nhắc nguyện vọng để cầm chắc suất đỗ

Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 của Sở GD-ĐT Hà Nội, mỗi học sinh sẽ được đăng ký 2 nguyện vọng (NV) vào THPT công lập. Để trúng tuyển, học sinh lớp 9 cần chuẩn bị kiến thức vững vàng và lựa chọn nguyện vọng phù hợp, thông minh.

Tuyển sinh lớp 10 THPT ở Hà Nội: Cân nhắc nguyện vọng để cầm chắc suất đỗ - 1

Thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng.

Ngày 14/5 sẽ công bố lượng học sinh dự tuyển 

Theo các chuyên gia, để chọn NV đúng và trúng thì học sinh phải nắm chắc quy định và thời gian. Trong đó, học sinh cần lưu ý các mốc thời gian cần nhớ sau khi nộp hồ sơ đăng ký NV thì ngày 14/5, Sở công khai số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 không chuyên của từng trường THPT. Học sinh muốn thay đổi NV dự tuyển cần nộp đơn (theo mẫu) tại các phòng GDĐT trong 2 ngày 15 và 16/5. Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 2 và 3/6. Đối với học sinh đăng ký thi vào trường chuyên, các bài thi môn chuyên sẽ diễn ra trong ngày 4/6. 

Sở GDĐT Hà Nội cũng lưu ý, học sinh được đăng ký dự thi vào 2 trường THPT công lập, nhưng phải trong cùng khu vực tuyển sinh đúng theo hộ khẩu thường trú của mình hoặc của bố, mẹ. Năm nay, toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. 

Về đăng ký NV, hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội lưu ý học sinh chỉ được thay đổi NV dự tuyển giữa các trường trong khu vực tuyển sinh đã đăng ký. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển vào các lớp chuyên, trường chuyên.

Học sinh muốn nhập học tại trường đăng ký NV2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm. Học sinh đã trúng tuyển NV1 sẽ không được xét tuyển NV2. Khi hạ điểm chuẩn, nhà trường chỉ nhận học sinh đăng ký NV1, không nhận học sinh đăng ký NV2.

Đối với học sinh đăng ký vào lớp 10 chương trình song bằng tú tài, ngoài việc thi 4 môn bắt buộc với lớp 10 THPT không chuyên, học sinh thi thêm môn toán, vật lý, hóa học bằng tiếng Anh và môn tiếng Anh trong ngày 5/6. Tới ngày 18/6, nhà trường sẽ phỏng vấn theo hình thức vấn đáp các học sinh được chọn sau 2 vòng thi trên.

Đối với việc đăng ký tuyển sinh không theo khu vực, Sở GDĐT Hà Nội hướng dẫn các HS đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên tại các trường THPT chuyên và các trường THPT có lớp chuyên; học sinh đăng ký dự tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT ngoài công lập.

Các học sinh đăng ký dự tuyển một NV vào lớp 10 không chuyên của Trường THPT Chu Văn An hoặc Trường THPT Sơn Tây, học sinh đăng ký dự tuyển một NV vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú, học sinh đăng ký dự tuyển học tiếng Đức tại Trường THPT Việt Đức, NV còn lại phải đăng ký theo khu vực tuyển sinh quy định.

Các học sinh đăng ký dự tuyển học ngoại ngữ tiếng Pháp, Nhật vào các trường có dạy tiếng Pháp, Nhật; học sinh đăng ký dự tuyển học chương trình thí điểm đào tạo song bằng tú tài; học sinh đăng ký dự tuyển học chương trình tiếng Pháp song ngữ cũng được đăng ký dự tuyển không theo khu vực tuyển sinh.

Các trường hợp được đổi khu vực tuyển sinh là những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú... Điều kiện đổi khu vực tuyển sinh là đăng ký vào 2 trường THPT công lập ở trong cùng một khu vực tuyển sinh.

Lưu ý về đăng ký nguyện vọng 

Theo các chuyên gia tuyển sinh, học sinh nên lấy bảng điểm chuẩn của các năm học trước phân chia thành các tốp trường và kết hợp với điểm năng lực để làm cơ sở chọn NV. Sau đó, dự kiến mức điểm đạt được của bản thân để từ đó có hướng đăng ký NV cho phù hợp. Lưu ý là vì nếu học sinh trượt NV1 mà muốn học NV2 thì ít nhất điểm xét tuyển phải cao hơn điểm chuẩn của trường từ 1,5 điểm. Như vậy, nếu chọn 2 NV cùng có điểm chuẩn tương đương nhau thì cơ hội trượt NV1 để đỗ NV2 là rất khó. Chiến lược để cân nhắc NV cần được thí sinh và gia đình cân nhắc thật kỹ để tránh mất cơ hội. 

Điểm thi dự kiến của HS có thể căn cứ trên kết quả học tập năm lớp 9 của 3 môn văn, toán, ngoại ngữ và đặc biệt là bài kiểm tra cuối năm. Nên lấy điểm 3 môn này nhân với hệ số theo quy định của kỳ thi và tùy mức độ khó dễ của đề thi ở mỗi quận huyện trừ hao còn lại 85 - 90%. Sau khi có kết quả dự đoán, học sinh nên chọn NV1 là trường yêu thích và tương ứng với sức học, NV2 trường gần nhà hoặc các quận lân cận nhưng vẫn nằm trong khả năng của mình. Còn NV3 phải là phương án dự phòng trong trường hợp xấu nhất vẫn vào công lập, đó là trường có điểm thấp hẳn so với khả năng của mình. Tất nhiên, nếu học sinh có cả nhu cầu đăng ký vào các trường ngoài công lập thì việc chọn trường công lập mong muốn sẽ đỡ bị áp lực hơn.

Từ nay đến tháng 6 chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa nên để chuẩn bị tốt nhất về mặt kiến thức cho các thí sinh, một số thầy cô giáo đưa ra lời khuyên là kết hợp việc học kiến thức mới trên lớp với ôn tập và bắt đầu lựa chọn các đề thi phù hợp để luyện tốc độ, kỹ năng làm bài. Ở giai đoạn nước rút, các em sẽ tập trung nhiều vào việc giải đề để kiểm tra phần kiến thức nào còn hổng, yếu thì bổ sung.

Năm học 2019 - 2020 là năm đầu tiên Hà Nội áp dụng phương pháp thi tuyển vào lớp 10 THPT thay thế cho phương pháp thi tuyển kết hợp xét tuyển áp dụng từ nhiều năm nay. Theo đó, thí sinh dự tuyển bắt buộc phải làm đủ 4 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Điểm xét tuyển lớp 10 THPT được tính theo công thức: (điểm Văn + điểm Toán) x 2 + điểm Ngoại ngữ + điểm Lịch sử + điểm ưu tiên. Các trường chỉ đưa vào diện xét tuyển với những học sinh không vi phạm quy chế đến mức hủy kết quả thi trong kỳ thi tuyển và không có bài thi nào bị điểm 0.

Theo Sở GDĐT Hà Nội, học sinh đã nộp hồ sơ nhập học khi có nhu cầu được quyền rút hồ sơ. Nhà trường tạo điều kiện để học sinh rút hồ sơ và xóa tên học sinh khỏi danh sách trúng tuyển, thực hiện thao tác hủy nhập học trên hệ thống phần mềm. Trường hợp học sinh có NV chuyển trường sang tỉnh, thành phố khác để học tập, nhà trường làm thủ tục chuyển trường, không xóa tên học sinh trong danh sách trúng tuyển. Học sinh sẽ nhận lại toàn bộ hồ sơ dự tuyển khi nhận Phiếu báo kết quả thi vào ngày 20/6 tại cơ sở giáo dục nơi đăng ký dự thi.

Theo Thu Hương

Đại Đoàn Kết