Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Đề môn Giáo dục công dân khó đạt điểm tối đa

Nguyễn Quỳnh

(Dân trí) - Để đạt điểm tối đa môn Giáo dục công dân kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 này, ngoài việc chăm chỉ, thí sinh phải biết phân tích, tổng hợp kiến thức pháp luật trong đời sống.

Sẽ nhiều điểm 8, 9

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh, Trường THPT Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) nhận định, đề thi môn Giáo dục công dân (GDCD) đợt 2 thuộc tổ hợp bài thi Khoa học Xã hội đảm bảo vừa sức, công bằng đối với học sinh (HS), phù hợp với tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tình hình hiện nay.

Cấu trúc, nội dung và mức độ dễ, khó của đề tương đương với đề thi đợt 1, đảm bảo các mức độ phù hợp với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.

Câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm trên 70%. Có 4 câu ở mức độ vận dụng cao (thuộc nội dung chương trình học kì I của lớp 12) để phân hóa HS.

Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Đề môn Giáo dục công dân khó đạt điểm tối đa - 1

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh, Trường THPT Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội).

Cô Phạm Thị Vân Anh, giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho rằng, ma trận đề rất rõ ràng, với 40 câu hỏi, trong đó 10 câu hỏi nhận biết, 10 câu hỏi vận dụng, còn lại là vận dụng và vận dụng cao.

Nhìn chung, kiến thức chủ yếu nằm trong nội dung chương trình sách giáo khoa và nội dung đã được tinh giản của Bộ GD&ĐT; chủ yếu trong chương trình lớp 12 (tập trung chủ yếu vào bài 2, 4, 6, 7), và 10% kiến thức là của lớp 11 (học kì I).

Chương trình lớp 11 chỉ có 4 câu hỏi, tập trung kiến thức từ bài 1 đến bài 5, chủ yếu là câu hỏi nhận biết, không đánh đố HS, phù hợp điều kiện ôn tập của học trò.

Theo cô Vân Anh, đề thi môn GDCD đợt 2 bám sát đề tham khảo của Bộ và chương trình lớp 12, phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục, nâng cao năng lực và hình thành nhân cách của HS.

Dự báo, phổ điểm môn GDCD đợt 2 sẽ tương đương với đợt 1. Vì vậy, các em HS làm bài tốt có thể yên tâm sử dụng điểm thi môn GDCD để xét tuyển vào một số trường ĐH-CĐ có môn này trong tổ hợp xét tuyển.

Còn cô Mai Anh nhận định, HS đạt điểm 8, 9 sẽ nhiều, kết quả phổ điểm sẽ giống như đợt 1.

Nhưng để đạt điểm tối đa, ngoài việc chăm chỉ, các em phải biết phân tích, tổng hợp kiến thức về pháp luật cả trong đời sống.

Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Đề môn Giáo dục công dân khó đạt điểm tối đa - 2

Cô Phạm Thị Vân Anh, giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Câu hỏi tình huống hay, mang tính thời sự

Phân tích chi tiết, cô Mai Anh đánh giá, nội dung các câu hỏi rõ ràng, mạch lạc, được sắp xếp từ dễ đến khó tạo thuận lợi cho HS trong quá trình làm bài.

Nhiều câu hỏi gắn với thực tế đời sống, do đó HS chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản và biết tư duy, suy luận là có thể làm tốt bài thi.

Câu hỏi tình huống hay, mang tính thời sự nên HS có thể giải quyết một cách dễ dàng, không yêu cầu các em phải học thuộc nhiều khái niệm, định nghĩa, phát huy được khả năng tư duy của HS.

Cụ thể, theo cô Vân Anh, các câu hỏi tình huống gần gũi với cuộc sống, ứng với các quyền bình đẳng trong lao động, quyền tự do ngôn luận, quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình; các loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý;

Trong đề này, để xác định được đáp án câu hỏi 116, HS phải nắm chắc kiến thức của bài số 2, phân biệt rõ thế nào là vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm pháp lý nào.

Câu 119 cũng là câu hỏi tình huống khá thú vị, nói về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự của công dân.

HS phải đọc kỹ từng câu, và phân tích từng nhân vật trong tình huống và áp dụng tư duy logic mới tìm ra được đáp án.

Cô Vân Anh đánh giá, môn GDCD là môn học thiết thực, gần gũi và có thể giúp thí sinh cải thiện tổng điểm trong tổ hợp KHXH.

Đồng thời, kiến thức môn học này giúp các em trang bị kiến thức căn bản về pháp luật, để từ đó có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày của mình.