Thanh Hóa: Bỏ chế độ cộng điểm đối với học sinh đạt giải các cuộc thi khi xét tuyển

(Dân trí) - Đó là một trong những đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa trong giải pháp khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định trên địa bàn thời gian tới.

Theo bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Thanh Hóa, trong những năm qua, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Đối với học sinh lớp 9 và lớp 12, việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quỵ định. Đối với học sinh THCS, học sinh lớp 10, lớp 11, dạy thêm, học thêm không quá 3 buổi/tuần.

Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tại các đơn vị, trường học
Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tại các đơn vị, trường học

Các cơ sở giáo dục Tiểu học nếu tổ chức dạy thêm, học thêm là vi phạm quy định, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT, trường THPT từ ngày 1/6/2017 đến ngày tựu trường năm học mới 2017- 2018, là thời gian học sinh lớp 6,7, 8 cấp THCS; lớp 10,11 cấp THPT nghỉ hè, nên không tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình.

Đồng thời, đối với học sinh đầu cấp, các cơ sở giáo dục không tổ chức kiểm tra, khảo sát học sinh đầu năm học; không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, hầu hết các cơ sở giáo dục trung học đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm; tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan đã từng bước được khắc phục, được cha mẹ học sinh, dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường đã có tác dụng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và thi đại học ở các cơ sở giáo dục trung học.

Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, trường học tổ chức dạy thêm học thêm chưa đúng quy định: Số buổi dạy thêm, học thêm/tuần và số tiết dạy thêm, học thêm/buổi quá quy định; việc tổ chức dạy thêm, học thêm vẫn còn biểu hiện của sự ép buộc, gây bức xúc đối với cha mẹ học sinh.

Một số địa phương, vẫn còn tình trạng dạy thêm ngoài nhà trường không đúng quy định. Còn tình trạng giáo viên đương chức tự mở lớp dạy thêm, học thêm. Một số giáo viên Tiểu học vẫn dạy ở nhà dưới hình thức kèm cặp từ 4- 5 cháu.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do nhu cầu của phụ huynh, muốn con mình học giỏi nên tìm thầy giỏi, thầy nổi tiếng cho con đi học thêm, do áp lực thi cử.

Mặc dù ngành Giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, chấn chỉnh, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra ở các cấp học: Tiểu học, THCS và THPT (chủ yếu dạy thêm ở nhà).

Công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, đặc biệt là ngoài nhà trường ở các địa phương còn lỏng lẻo. Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố chưa sát sao, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng các trường để xảy ra sai phạm.

Theo Sở GD-ĐT thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp cùng với ngành giáo dục để quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại các địa bàn dân cư. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm...

Các phòng GD-ĐT tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức kiểm tra việc thực hiện dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường thuộc địa bàn quản lý; giải quyết kịp thời đơn thư và báo chí phản ánh, kiến nghị, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm về dạy thêm, học thêm thuộc thẩm quyền quản lý.

Đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu đổi mới thi cử theo hướng gọn nhẹ nhằm giảm áp lực dạy thêm, học thêm cho giáo viên và học sinh; nghiên cứu tinh giản các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh không thiết thực; bỏ chế độ cộng điểm đối với học sinh đạt giải các cuộc thi khi xét tuyển, thi tuyển vào các lớp đầu cấp, xét tốt nghiệp THPT.

Ngành Giáo dục tiếp tục nghiên cứu, đổi mới thi đua theo hướng đánh giá toàn diện các hoạt động giáo dục, từng bước khắc phục bệnh thành tích trong thi cử nhằm giảm áp lực dạy thêm, học thêm tràn lan không đúng quy định ở các đơn vị trường học.

Duy Tuyên